Sự kiện hot
5 năm trước

Giải mã ý nghĩa bức tranh “Đàn lợn âm dương”

Theo quan niệm của người vẽ tranh Đông Hồ, con lợn là con vật đẹp nhất, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Hình ảnh xoáy âm dương trên mình lợn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Tranh “Đàn lợn âm dương” được treo nhiều trong ngày Tết là để thể hiện mong ước năm mới thịnh vượng, phát tài phát lộc, đông con nhiều cháu.

Tranh Dân gian Đông Hồ xưa kia có những đề tài gần như riêng về chủng loại (về sau các dòng tranh có giao thoa với nhau, nên có mở rộng thêm). Các loại như: Đề tài Lịch sử: thường gắn với các nhân vật như các tranh: Hai bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Nguyên… Đề tài sinh hoạt như các tranh: Đấu vật, Đánh đu, Hội làng, Hứng dừa, Đánh ghen, Chăn trâu -thổi sáo, Chăn trâu – thả diều… Các tích văn học, hoặc dân gian: Kiều, Thạch Sanh, hoặc 4 tố nữ với Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ…

Đặc biệt nổi bật là tranh các con vật như: các tranh Lợn: Lợn đàn, Lợn độc, Lợn ăn cây dáy. Các Tranh Gà: Gà đàn, Gà -Đại cát, Gà -Thư hùng, Gà trống – nghinh xuân. Tranh các con vật khác như: Vịt, Trâu, Mèo, Rồng – Rước Rồng, Hổ – Ngũ Hổ, Chuột, Cá, Cóc. Đề tài tứ quý: Mai – Hạc (mùa Xuân), Phù dung – Chim Trĩ (mùa Hạ), Ngô Đồng – Chim Phượng (mùa Thu), Tùng – Chim Công (mùa Đông).

Con vật khi là đề tài riêng, hoặc khi được nghệ nhân sáng tạo em bé với gia cầm như bức Vinh hoa, Phúc Lộc song toàn với (em bé ôm gà trống), (em bé ôm rùa), (em bé ôm cá); Hoặc đưa con vật vào tranh với lối ẩn dụ nhằm phản ánh nội dung xã hội con người như các tranh: Đám cưới chuột, Thày đồ Cóc… Con Lợn gắn bó bao đời với con người.

Con Lợn có truyền thuyết xa xưa, gắn với Lịch pháp, sử dụng thời khắc: năm, tháng, ngày, giờ vận vào con người (khi chào đời là giờ sinh). Trong 12 sinh tiêu, được tượng trưng bởi 12 con vật (còn gọi là 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) và với sự hành âm hoặc dương kết hợp của từng mỗi con vật đó để phân tích cá tính, tiên đoán vận mạng của mỗi con người, đã được tích hợp kinh nghiệm từ ngàn xưa tổng kết lại.

Con Lợn gọi là Hợi, trong 12 con giáp nó được xếp ở vị trí cuối cùng. Làng có nghề làm tranh, con Lợn vào tranh dân gian Đông Hồ, gọi là Tranh Lợn. Ngày tết mua tranh dân gian: Tranh Lợn, Tranh Gà... về treo cùng là thưởng thức cái đẹp tạo hình, còn biểu hiện ước muốn năm mới tăng gia sản xuất được sung túc, đời sống no đủ. Tranh Lợn đã đi vào đời sống thẩm mỹ dân gian tự bao đời. Về Đông Hồ tìm hiểu nghệ thuật Tranh Lợn, thấy số lượng ván khắc mẫu Tranh Lợn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay ta còn thấy có ba loại bản khắc tranh mẫu để in ra các Tranh Lợn bán trong dịp Tết, đó là:

1. Tranh Lợn đàn (thể hiện Lợn mẹ và đàn con vây bên cạnh).

2. Tranh Lợn độc (thể hiện một con Lợn đang ăn bên bồn).

3. Tranh Lợn ăn cây Dáy (thể hiện con Lợn đang ngoạm nhai cây Dáy)

Với cả ba loại tranh mẫu (khắc-in) về Tranh Lợn đều có phong cách nhất quán, hoà đồng và nổi bật trong dòng tranh dân gian Đông Hồ. Đặc điểm chung của các con Lợn trong tranh dân gian Đông Hồ đều là: hình tượng Lợn béo, thể hiện theo dáng trông nghiêng. Nghệ nhân sáng tác theo chiều này nhằm bộc lộ toàn bộ hình - dáng béo tốt của con Lợn. Trên thân mình Lợn đều có hai xoáy Âm - Dương.

Hai xoáy âm - dương này nằm phía trên ngang mình Lợn, vị trí (gần vai và mông) phía trên của 2 chân (trước và sau), thu hút sự chuyển động, làm cho ta càng có cảm giác như thấy con Lợn có dáng sinh động. Nó vừa là cái đẹp hữu hình, vừa là ẩn chứa quan niệm về ngũ hành.

Các con Lợn đều là béo tốt: Mặt Lợn to, tai lớn. Mắt có vành mi. Mõm Lợn nghiêng, nhưng Mũi lại gần như quay ra hướng chính diện, tạo dáng ngồ ngộ và động. Ngấn mõm đều có 3 ngấn, và không quên hai ngấn mép của con Lợn như đang ăn ngấu nghiến. Bàn chân Lợn có 3 móng, trông rất vững chân đế. Lưng Lợn với độ cong hơi võng, được thể hiện bằng một hoặc hai nét to bản. Nét của ngấn thủ (phần đầu lợn) với chân trước, vòng bụng và nét ngấn của bắp đùi sau là nét to dầy nối vào nét cong lượn của bụng Lợn.

Hình dáng và đường nét to dầy đã tạo nên con lợn có dáng béo, khoẻ, vững chãi, thể hiện ý tưởng ước muốn về phồn thịnh của tăng gia sản xuất, đời sống ấm no, hạnh phúc thanh bình. Riêng đuôi Lợn có những thay đổi linh hoạt, tạo cho mỗi loại tranh Lợn thêm phong phú. Ở bức Lợn ăn cây Dáy đuôi Lợn xoay ra cong lên ở trên đùi sau. Ở bức Lợn ăn ở bồn đuôi đặt trên ngấn khuỷ chân sau. Đuôi lợn ở bức Lợn đàn đuôi lại để thẳng xuống. Song các đuôi Lợn có điểm chung nhất là: lông cuối đuôi đều được cách điệu như một chiếc quạt hình lá đề, và đều quay ra phía trước.

Trên các tranh Lợn nghệ nhân thể hiện đảo ngược điểm nhìn của lông đuôi và mũi Lợn, kể cả tai Lợn (đều theo hướng trông thẳng), trên toàn thân Lợn (là trông nghiêng), pha chút kiểu nghệ thuật bản năng nguyên thuỷ - vẽ: mặt nghiêng nhưng mắt lại cho quay ra phía trước), làm cho hình tượng trong tranh thêm sống động. Với ba mẫu ván khắc: Tranh Lợn độc, thể hiện con lợn béo đang ăn bên bồn.

Tranh Lợn ăn cây Dáy thể hiện con Lợn đang ngoạm cây Dáy để ăn. Tranh Lợn đàn, thể hiện đàn lợn con đang quây quần bên Lợn mẹ, mỗi con mỗi dáng vẻ: con muốn trèo lên lưng, con muốn rúc vào bụng mẹ, các con khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn... tất cả đều có bố cục khoẻ, giản dị, giàu chất trang trí cách điệu, mà đậm đà tính hiện thực. Chứa đựng ước muốn của người nông dân về tăng gia sản xuất, về cuộc sống sung túc, đông vui hoà thuận, hạnh phúc, con cháu đầy đàn. Đường nét trong tranh Lợn thiên về diễn nét to, đậm, giản dị mà cô đọng, chắc khoẻ, chân thực, biểu hiện tình cảm chân thật, đôn hậu với phong cách tạo hình đậm đà bản sắc dân tộc. Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ đã đóng góp sắc thái phẩm chất tạo hình riêng, độc đáo. Nó còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại trong dòng nguồn của Mỹ thuật Việt Nam.

Tự xa xưa Đông Hồ và nghề làm tranh đã có câu ca dao xứ sở:

“Hỡi cô thắt bao lưng xanh,

Có về làng Mái với anh thì về.

Làng Mái có lịch có lề,

Có ao tắm mát, có nghề làm tranh.

Nàng về nàng ở với anh,

Cùng nhau “Vẽ, khắc” in tranh Lợn, Gà”

Làng Mái cũng chính là làng Đông Hồ, một làng cổ nổi tiếng có nghề làm Vàng Mã, và nghề làm Tranh khắc gỗ Dân gian. Những bức Tranh Lợn và những Tranh Gà mộc mạc hồn quê đã trở thành di sản nghệ thuật và nó không thể thiếu trong những ngày tết tự xa xưa, nhất là năm mới lại đúng vào năm Hợi. Nhà nhà đi sắm Tết không quên mua Tranh Lợn về trang hoàng, đón một năm mới An khang - Thịnh vượng - Hạnh phúc, chơi tranh thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của nhân dân, một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời còn lưu lại đến ngày nay.

Phạm Đức
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: