Sự kiện hot
13 năm trước

Giải thể ngân hàng top 50 thế giới do khủng hoảng nợ công

Dexia - ngân hàng lớn thứ 49 thế giới, thuộc sở hữu chung của Pháp, Bỉ và Lucxembourg - đã thông qua kế hoạch giải thể vào cuộc họp đêm 9/10.

 Dexia - ngân hàng lớn thứ 49 thế giới, thuộc sở hữu chung của Pháp, Bỉ và Lucxembourg - đã thông qua kế hoạch giải thể vào cuộc họp đêm 9/10.

Dexia-nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Ảnh; Bloomberg.com

Dexia-nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Ảnh: Bloomberg.com

Trong thông báo sau cuộc họp giữa Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Bỉ Yves Leterme và đoàn đại biểu Luxembourg, kế hoạch giải thể ngân hàng Dexia đã chính thức được thông qua vào đêm 9/10. Phương thức giải thể được áp dụng là quốc hữu hóa tài sản của ngân hàng này tại các quốc gia liên quan, trong đó, chính phủ Bỉ quyết định bỏ ra 4 tỷ euro để mua lại phần hoạt động của Dexia tại nước này.

Ngoài phần tái bổ sung vốn, Dexia còn được bảo lãnh tới 90 tỷ euro (tương đương 123 tỷ USD) để có thể thực hiện các khoản vay tái thiết trong vòng 10 năm tới. Trong đó, Bỉ chi tới 61%, còn Pháp đóng góp 37%.

Nguyên nhân giải thể Dexia là do khoản lỗ 4 tỷ euro (tương đương 6 tỷ USD) trong quý II/2011 đến từ những khoản nợ xấu của Hy Lạp. Ngày 4/10 vừa qua, cổ phiếu của Dexia tại Brussels đã mất giá tới 22% và giá trị thị trường của ngân hàng đa quốc gia này đã giảm 2,9 tỷ USD.

Theo ước tính của KBW’s Lambert, số tiền bảo hiểm nợ cho Dexia hiện tương đương 15% GDP của Bỉ và bằng 2% GDP của Pháp. Gánh nặng từ việc bảo lãnh cho Dexia đã khiến Moody's đưa ra cảnh báo về việc sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm của Bỉ xuống dưới mức Aa1 hiện nay.

Ngân hàng Dexia là ngân hàng lớn thứ 49 trên thế giới (theo số liệu của Forbes năm 2010), hoạt động với 6.000 nhân viên và có các khoản ký gửi 80 tỷ euro từ 4 triệu khách hàng. Nếu bị giải thể, Dexia sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên trong cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Đây là lần thứ hai trong 3 năm qua Dexia phải yêu cầu hỗ trợ vì thanh khoản đóng băng sau khi giá cổ phiếu sụt giảm. Vào ngày 29/9/2008, Dexia lâm vào cuộc khủng hoảng thanh khoản khi hàng tỷ USD mà ngân hàng này cho ngân hàng Depfa của Đức vay đã không thu lại được. Các quốc gia liên quan đã phải bơm 9,2 tỷ USD cho Dexia để tránh một cuộc đổ vỡ như Lehman Brother trước đó.

Giá cổ phiếu của Dexia thời điểm đó giảm 30% trong một ngày và Moody's hạ xếp hạng nợ dài hạn của Dexia xuống 2 bậc, từ Aa1 xuống còn Aa3. Tháng 2/2009, trong báo cáo của mình, Dexia đã tổng kết hậu quả với con số thiệt hại lên tới 4,2 tỷ USD.

Quỳnh Anh
Theo Vnexpress

Từ khóa: