Sự kiện hot
11 năm trước

Giấy khám sức khỏe giả: Giải quyết dứt điểm, tránh hậu quả khôn lường

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, sau loạt bài phản ánh tình trạng Bệnh viện Xây dựng làm giấy khám sức khỏe giả, ông Bùi Ngọc Minh, phó giám đốc Bệnh viện Xây dựng thừa nhận tình trạng làm giả giấy chứng nhận sức khoẻ với chữ ký của lãnh đạo và con dấu của bệnh viện.

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, sau loạt bài phản ánh tình trạng Bệnh viện Xây dựng làm giấy khám sức khỏe giả, ông Bùi Ngọc Minh, phó giám đốc Bệnh viện Xây dựng thừa nhận tình trạng làm giả giấy chứng nhận sức khoẻ với chữ ký của lãnh đạo và con dấu của bệnh viện.

Không những thế, từ đầu tháng 10/2011, bệnh viện cũng tiếp nhận công văn của trường Đại học Thương mại đề nghị xác minh thông tin liên quan đến giấy chứng nhận điều trị của một sinh viên đang theo học ở trường này.

Nhiều trường hợp lên tiếng

Theo nội dung phản ánh, sinh viên Nguyễn Minh H., vào viện lúc 8h30 ngày 26/9/2011 với chẩn đoán xuất huyết dạ dày, được điều trị tại khoa Nội và ra viện vào hồi 16h30 ngày 26/11/2011 có đầy đủ giấy ra viện, dấu và chữ ký của lãnh đạo bệnh viện. Thế nhưng, qua qua rà soát sổ khám bệnh và sổ ra vào viện của khoa Khám bệnh và các khoa điều trị nội trú thì không có tên của bệnh nhân này và không có số vào viện như trong giấy tờ mà trường đại học Thương mại phản ánh.

Giấy chứng nhận điều trị của bệnh nhân Nguyễn Minh H. không phải là mẫu mà bệnh viện đã ban hành và sử dụng. Bệnh viện chỉ sử dụng mẫu giấy ra viện cho bệnh nhân được điều trị nội trú khi ra viện. Ngoài ra, bệnh viện cũng không có khoa Nội mà chỉ có khoa Nội tổng hợp. Ngay cả chữ ký và dấu tên trong giấy chứng nhận điều trị của bệnh nhân Nguyễn Minh H. vào ngày 27/11/2011 là mạo chữ ký và dấu tên của lãnh đạo bệnh viện, mặc dù tại thời điểm đó là đầu tháng 10 chứ chưa đến ngày 27/11/2011như trong giấy chứng nhận điều trị thể hiện?!

Không dừng lại ở đó, ngày 18/10/2011, bệnh viện tiếp tục nhận được công văn từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phản ánh về giấy chứng nhận điều trị của bà Hoàng Thị T.M cũng có dấu hiệu giả mạo giống như trường hợp sinh viên của trường Đại học Thương mại. Hay mới đây nhất, ngày 12/6/2012, bà Lê Thị Hằng, giám đốc bệnh viện cũng đã ký công văn trả lời trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp với nội dung tương tự. Qua xác minh đều thấy, giấy ra viện và giấy chứng nhận sức khoẻ mà sinh viên của trường sử dụng đều là chữ ký, con dấu giả của bệnh viện.


Bệnh viện Xây dựng đã nhiều lần báo cáo các cơ quan chức năng về tình trạng giả mạo giấy tờ của bệnh viện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

Ông Bùi Ngọc Minh (phó giám đốc bệnh viện) cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, phía bệnh viện đã có công văn số 611, ngày 20/10/2011 gửi công an quận Thanh Xuân làm rõ nội dung vụ việc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đến ngày 2/3/2012, thượng tá Nguyễn Quốc Chính, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Thanh Xuân đã ký công văn trả lời với nội dung "đang tiếp tục làm rõ những đối tượng làm giả con dấu, tài liệu; đối tượng mua, bán, sử dụng giấy tờ giả khác".

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm, mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở đó và chưa có bất kỳ thông tin mới nào khác liên quan tới nội dung vụ việc được thông tin cho bệnh viện và báo chí. Trước một số câu hỏi của PV, ông Bùi Ngọc Minh khẳng định: "Bệnh viện đã làm hết khả năng của mình. Mọi việc khác là do bên công an giải quyết. Đó là phạm vi ngoài bệnh viện. Hơn nữa, chúng tôi cũng không được trả lương để làm việc đó?!".

Thanh tra Bộ Xây dựng không hề biết

Đề cập tới vụ việc xảy ra tại bệnh viện Xây dựng, ông Phạm Gia Yên, chánh thanh tra Bộ Xây dựng (đơn vị chủ quản của bệnh viện Xây dựng) cho biết: "Mọi thông tin tôi có được đều qua báo chí phản ánh. Tại thời điểm này, phía bệnh viện có báo cáo lãnh đạo Bộ hay không thì tôi không được biết, nhưng chắc chắn thanh tra Bộ chưa nhận được bất kỳ thông tin phản ánh nào". Tuy nhiên, ông Yên cho biết sẽ kiểm tra làm rõ một số vấn đề báo chí nêu trong đợt thanh tra thường niên của ngành sắp tới đây.

Cũng theo ông Yên, việc sử dụng giấy khám sức khoẻ, giấy điều trị, con dấu giả sẽ rất nguy hại. Để bảo vệ uy tín, danh dự của mình thì phía bệnh viện phải là người chủ động làm, phối hợp chặt chẽ với bên công an nhằm xác minh, làm rõ vấn đề. Thậm chí, có thể yêu cầu đưa đi làm giám định, qua đó mới biết được đúng, sai, bản chất của vụ việc. Lúc đó, nếu là giả thì sẽ trả lại uy tín cho bệnh viện và bệnh viện phải thông báo công khai trên các phương tiện đại chúng để người dân biết và cảnh giác đối với hành vi làm giả giấy tờ, con dấu.

Ông Yên cũng cho biết thêm, khi sự việc xảy ra, về nguyên tắc, cơ quan cấp trên phải chỉ đạo cấp dưới thực hiện, làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, hiện tại các loại bằng cấp, giấy tờ giả mạo quá nhiều nên người ta lơ là, ỷ lại vào bên công an điều tra, xử lý. Riêng vụ việc này, mọi việc không dừng lại ở các loại giấy giả, con dấu giả mà sau này còn phát sinh nhiều vấn đề khác như bệnh án giả, thanh toán tài chính giả, lập hợp đồng buôn bán trang thiết bị giả sẽ cực kỳ nguy hại.

Quỳnh Chi
theo Người đưa tin

Từ khóa: