Giá gội đầu cũng tăng từ 50.000 - 70.000 đồng/lần (ngày thường là 25.000 - 40.000 đồng/lần).
Đầu năm, nhiều gia đình thường dành thời gian để đi chơi, đi lễ chùa. Vì thế, tại nhiều điểm trông giữ xe xung quanh điểm vui chơi, trước cổng đền, chùa thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải.
Một số điểm trông, giữ xe tư nhân (tự phát) cũng tranh thủ cơ hội này để tăng giá. Giá trông giữ xe thường tăng gấp đôi, thậm chí gấp chục lần ngày thường. Phí gửi xe tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào dịp này cũng thường từ 10.000 - 20.000 đồng/xe máy. Các điểm giữ xe ở ngoài cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giá trông, giữ xe là 20.000 đồng/xe máy.
Dịch vụ rửa xe hậu Tết cũng có giá ngất ngưởng. Khách hàng phải bỏ ra từ 50.000 - 80.000 đồng cho một lần rửa xe ô tô.
Trong khi đó, đến hôm nay, nhiều hàng ăn tại TP. HCM vẫn đóng cửa, có quán treo biển ngày 11 âm lịch, thậm chí là qua Rằm tháng Giêng mới mở hàng. Những hàng quán đã mở thì lợi dụng tình hình để tăng giá. Sau Tết, rất nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM lập tức thay giá niêm yết mới, cao hơn giá cũ.
Một suất cơm bình dân từ 20.000 - 25.000 đồng được đẩy lên 30.000 - 35.000 đồng. Phở, bún mắm... cũng tăng từ 20 - 30% so với trước. Các loại nước uống như trà đá, chanh leo, sấu,... cũng tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/cốc
Sau Tết thường xảy ra tình trạng khan hiếm ôsin vì nhiều người sau khi về nghỉ Tết không quay lại làm cho nhà chủ hoặc lên làm muộn hơn so với dự định. Theo một số công ty chuyên môi giới người giúp việc, nguyên nhân khiến nhiều ôsin nghỉ việc là họ muốn "làm giá" với chủ nhà. Họ biết đây là thời điểm khan hiếm lao động nên thường đòi giá cao. Giá thuê người giúp việc hiện nay khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.
Hạnh Giang
Theo VEF