Sự kiện hot
10 năm trước

Hà Nội bình ổn cuối năm

TP. Hà Nội vừa chỉ đạo các Sở, ban ngành thành phố và các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp đảm bảo hàng hóa, bình ổn thị trường những tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

UBND TP yêu cầu Sở Công thương, Sở Tài chính và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu, thực hiện công khai các thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ; kiểm tra, kiểm soát không để các doanh nghiệp (DN), cá nhân thu gom đầu cơ, tích trữ hàng, tùy tiện nâng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cước vận tải, các loại phí dịch vụ.

Với tinh thần đó, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND TP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho DN, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bình ổn giá cả...

Đồng thời đã chú trọng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các trung tâm thương mại và các chợ; kiểm tra công tác bình ổn giá và bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa lưu thông trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về hoạt động thương mại của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ...; thành lập đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính...

Được biết, 9 tháng năm 2013, QLTT Hà Nội đã kiểm tra xử lý 5.551 vụ vi phạm, thu nộp hơn 89,4 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính hơn 17,2 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu gần 55 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy gần 16,3 tỷ đồng.

Đối với các DN tham gia Chương trình bình ổn, thành phố yêu cầu phải giám sát, kiểm soát chất lượng và giá bán các mặt hàng tham gia bình ổn; thực hiện nghiêm túc việc bán hàng, niêm yết giá và bán đúng theo giá được Sở Tài chính thẩm định.

Đồng thời, mở rộng mạng lưới, tăng cường tổ chức các chuyến bán hàng bình ổn về khu vực ngoại thành, các khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... để mọi người dân trên địa bàn đều được hưởng lợi từ Chương trình bình ổn. Các DN tổ chức bán hàng, trực trước, trong và sau Tết phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân, thời gian mở cửa đến hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại chậm nhất vào ngày 4 tháng Giêng.

Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Hà Nội sẽ tập trung bán hàng thiết yếu tại 610 điểm bán bình ổn giá cố định, khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tổ chức chu đáo, an toàn các hội chợ Xuân, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trên địa bàn.

Thành phố cũng sẽ tổ chức 250 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá cùng các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự kiến tổ chức 5 phiên chợ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Để chủ động trong việc cung cấp hàng hóa, tránh tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và giáp Tết, thành phố cũng yêu cầu các DN chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng trong năm.

Cùng với Chương trình bình ổn giá, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2013, TP. Hà Nội cũng vừa tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra kết quả triển khai chương trình ở một số DN trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, đa số DN đã nhận thức được ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng của Cuộc vận động. Để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, họ xác định phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tìm chiến thuật phù hợp, chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt, đồng thời thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng.

Ghi nhận những cố gắng tích cực của DN, Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội Đào Văn Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền trong khối DN về ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng (NTD); chú trọng xây dựng uy tín thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường, duy trì cổ động hàng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội đoàn thể, tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt, chủ động đưa hàng Việt đến tận tay NTD, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, DN nên phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo hộ hàng trong nước và bảo vệ quyền lợi NTD; liên kết giữa DN, nhà phân phối với NTD; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chợ truyền thống xa trung tâm.

Vĩnh Bảo
theo Thanh tra

Từ khóa: