Sự kiện hot
11 năm trước

Hà Nội: Giải nhiệt “cơn khát” trường công ở các khu đô thị

Nhận học sinh trái tuyến đã trở thành gánh nặng đối với nhiều trường công ở các quận nội thành. Nguyên nhân là do Hà Nội có 152 khu đô thị (KĐT) mới với số dân gần 2 triệu người, trong đó nhiều KĐT đã đưa vào sử dụng như: Linh Đàm, Mỹ Đình I, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Văn Quán, Dương Nội, Đại Kim - Định Công…

Nhận học sinh trái tuyến đã trở thành gánh nặng đối với nhiều trường công ở các quận nội thành. Nguyên nhân là do Hà Nội có 152 khu đô thị (KĐT) mới với số dân gần 2 triệu người, trong đó nhiều KĐT đã đưa vào sử dụng như: Linh Đàm, Mỹ Đình I, Mỹ Đình 2, Mễ Trì, Văn Quán, Dương Nội, Đại Kim - Định Công…


KĐT kiểu mẫu Linh Đàm hoành tráng nhưng thiếu trường học. Ảnh: Thế Lữ

“Khát” trường công

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có các KĐT: Linh Đàm, Đại Kim - Định Công, Định Công, Đền Lừ, Pháp Vân Tứ Hiệp và Vĩnh Hoàng, trong đó chỉ KĐT Đền Lừ có trường mầm non, tiểu học, THCS công lập; còn lại “trắng” trường công lập.

Huyện Từ Liêm có các KĐT: Nghĩa Đô, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh. KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh do Cty Kinh doanh Dịch vụ Nhà làm chủ đầu tư đã tiếp nhận 12.000m2 đất đã được giải phóng mặt bằng để xây trường học; vậy nhưng, mặt bằng này vẫn để hoang hóa. KĐT mới Nghĩa Đô cũng đã được dành 15.000m2 đất để xây trường mẫu giáo, tiểu học, THCS; có điều, đất vẫn “ngủ yên”. Còn xã Mỹ Đình là địa điểm thay đổi chóng vánh nhất về diện mạo đất đai và cư dân. Hiện KĐT Mỹ Đình 1 với tổng diện tích đất 22ha, dân số 9.000 người do Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà & Đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư và KĐT Mỹ Đình 2 với diện tích 26ha, dân số 5500 người do HUD làm chủ đầu tư. Cả 2 KĐT này chưa hề có trường công lập nào.

Ở quận Long Biên, KĐT mới Thạch Bàn cũng không có trường công lập nào.

Trong khi các KĐT mới đã được UBND TP Hà Nội dành cho những phần đất đẹp, rộng rãi, phù hợp cho việc xây trường học công lập từ cấp mầm non cho đến THPT; thế nhưng các chủ đầu tư chỉ tập trung hoàn thành công trình nhà ở thương mại để kiếm lời, còn các công trình mang tính an sinh xã hội thì… từ từ đợi. Vậy là, một số nhà đầu tư khác nhanh chân, đón bắt được thực trạng thiếu trường công lập, đã xây dựng thành công hệ thống trường tư thục có thương hiệu, thu hút được đông đảo học sinh của các gia đình khá giả như hệ thống trường Lô-mô-nô-xốp, Đoàn Thị Điểm… ở huyện Từ Liêm. Có điều, học phí vào các trường này cao gấp nhiều lần so với trường công lập. Cho nên, đây vẫn là một rào cản lớn đối với gia đình thu nhập không cao.

Một cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Nhiều đơn thư của phụ huynh phản ánh tình trạng con em phải học trong những lớp có sĩ số gấp rưỡi so với quy định. Đây có phải là hiện tượng tiêu cực nhà trường nhận thêm học sinh để thu tiền? Thực tình, đây là một áp lực đối với các trường công khác nội thành mà đến tận thời điểm này vẫn chưa thể tháo gỡ, buộc phải chia sẻ với gia cảnh phụ huynh khác vì ở nơi họ sống không hề có trường học.

Chị Nguyễn Quỳnh Nga, nhà ở KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp thì bức xúc: Hộ khẩu gia đình tôi thuộc huyện Thanh Trì nhưng tôi làm việc trong nội thành. Nơi ở không có trường học nên hằng ngày tôi phải đưa đón con vào nội thành. Tìm được một trường ở đó vất vả lắm. Nhiều người như tôi phải bạc mặt đi tìm trường cho con.

Hoàn cảnh của chị Quỳnh Nga cũng là hoàn cảnh của số đông người sống ở ngoại thành mà làm việc ở nội thành.

Cứu con trẻ

Thiếu trường công lập trong các KĐT mới là một trong những vấn đề nóng của TP Hà Nội. Làm thế nào để các KĐT được đưa vào sử dụng sớm có hệ thống trường công lập phục vụ con em, đồng thời khai thác phần đất đã được cấp cho các dự án xây trường đúng mục đích?

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định “Quy hoạch mạng lưới trường học phổ thông Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó nêu chỉ tiêu: Mỗi xã, phường, thị trấn, KĐT có ít nhất mầm non, trường tiểu học, THCS công lập. Theo đó đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 1215 trường học các cấp. Từ đó các cơ quan liên quan phải bố trí dành quỹ đất hợp lý.

Đó là giải pháp cho tương lai. Còn hiện tại, làm thế nào để trong các KĐT đã được đưa vào sử dụng phải có trường phổ thông?

Trước thực trạng KĐT kiểu mẫu Linh Đàm vắng trường phổ thông công lập, mới đây UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị thu hồi 2 lô đất dành cho trường mầm non với tổng diện tích hơn 2.200m2 ở KĐT Linh Đàm và 3 lô đất tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp với tổng diện tích 29.000m2 dành để xây trường mầm non và trường tiểu học. Cần nói thêm, HUD là chủ đầu tư của KĐT Linh Đàm và KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Ở huyện Từ Liêm, nếu Bộ Quốc phòng chưa bố trí được ngân sách triển khai thì bàn giao lại cho huyện để xây trường công lập. UBND huyện Từ Liêm cũng đề nghị UBND TP yêu cầu HUD bàn giao lại cho huyện khu đất đã giải phóng mặt bằng khoảng 8.363 m2 để sử dụng đất công cộng TP. Hiện tại diện tích đó HUD đã xây dựng 1.700m2 đất văn phòng, phần còn lại chuyển nhượng cho 3 doanh nghiệp khác! UBND huyện Từ Liêm kiến nghị TP bàn giao lại khu đất mà phía HUD chuyển nhượng sai quy định để huyện xây dựng trường công lập. Trao đổi với PV Thanh tra, một lãnh đạo của UBND TP Hà Nội cho biết: TP đã có văn bản giao Thanh tra TP Hà Nội và Sở Tài nguyên Môi trường, huyện Từ Liêm và các đơn vị liên quan rà soát việc sử dụng đất tại vị trí có diện tích 8.363m2 để báo cáo UBND TP có hướng xử lý.

Gánh nặng sĩ số đối với các trường công lập nội thành, trong khi các KĐT mới hoành tráng, hiện đại lại thiếu sân chơi, trường học công lập, nơi mà nhiều gia đình đang “khát” để con em họ được hưởng một nền giáo dục công lập với mức chi phí phù hợp đang là vấn đề bức xúc ở Hà Nội hiện nay.

KĐT Linh Đàm được khởi công từ năm 1997 đến năm 2009 được Bộ Xây dựng công nhận là KĐT mới kiểu mẫu và được gắn biển “Công trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội”. Thế nhưng, KĐT Linh Đàm vẫn chưa có trường nào công lập, cho nên nhiều KĐT khác “trắng” trường công lập cũng là điều dễ hiểu.

Thế Lữ
theo Thanh tra

Từ khóa: