Sự kiện hot
12 năm trước

Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân: “Đánh” vào ô tô con

Lệ phí trước bạ tăng gần gấp đôi, lệ phí đăng ký tăng gấp 10, phí gửi xe (theo lượt) tăng 4 lần, gửi xe theo tháng (ngày, đêm) tối đa 3,5 triệu đồng…

Lệ phí trước bạ tăng gần gấp đôi, lệ phí đăng ký tăng gấp 10, phí gửi xe (theo lượt) tăng 4 lần, gửi xe theo tháng (ngày, đêm) tối đa 3,5 triệu đồng


Số lượng ô tô con tại Hà Nội tăng nhanh, trong khi
hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: Chí Cường

Đó là những mức phí, lệ phí áp dụng cho ô tô có 10 chỗ ngồi trở xuống sẽ được UBND TP trình HĐND TP quyết định tại kỳ họp đầu tháng 12 tới.

Phí trước bạ 20%

Theo Cục Thuế Hà Nội, những năm gần đây trên địa bàn Thủ đô có sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân (xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi). Trong khi đó hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu gây nên nạn ùn tắc giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nghị quyết về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, Bộ Tài chính có chỉ đạo về các giải pháp tài chính nhằm góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Do đó, Cục Thuế Hà Nội đề nghị áp dụng mức thu tối đa theo quy định nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông và tăng ngân sách để thực hiện các dự án giao thông công cộng.

Cụ thể, mức thu tối đa sẽ áp dụng với việc kê khai, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức 20% (hiện Hà Nội đang áp dụng mức thu 12%). Cục Thuế cho biết, việc kê khai nộp lệ phí lần 2 trở đi không trực tiếp làm tăng đầu phương tiện và để khuyến khích chủ phương tiện thực hiện chuyển đổi quyền sở hữu tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và thuận lợi cho quản lý, quyền lợi của người dân. Nên mức thu cho việc kê khai, nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được đề nghị tăng hơn mức cũ không đáng kể, mức thu mới là 15%.

Phí đăng ký tăng gấp 10 lần

Cũng nằm trong nỗ lực hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trong nội đô thành phố, Công an TP Hà Nội đã xây dựng đề án lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, lệ phí đăng ký đối với ô tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải có mức tăng "khủng", gấp 10 lần so với mức thu cũ (mức cũ 2 triệu đồng, nay đề xuất điều chỉnh lên 20 triệu đồng).

Với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác, Công an Hà Nội đề xuất các mức thu cụ thể như sau: Ô tô (trừ ô tô dưới 10 chỗ ngồi) không hoạt động kinh doanh vận tải mức thu 500.000 đồng (mức cũ là 150.000 đồng); Sơ mi rơ móoc đăng ký rời, rơ móoc mức thu 200.000 đồng (mức cũ 100.000 đồng); Xe máy (theo giá tính lệ phí trước bạ): trị giá 15 triệu đồng trở xuống vẫn được giữ mức cũ là 500.000 đồng, trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng có mức 2 triệu đồng (mức thu cũ 1 triệu đồng), trị giá trên 40 triệu đồng mức thu 4 triệu đồng (mức thu cũ 2 triệu đồng). Theo Công an thành phố, phần lớn người dân sử dụng loại xe máy trị giá 15 triệu đồng trở xuống là những người có mức thu nhập bình dân nên không đề xuất tăng mức lệ phí mà để mức lệ phí tối thiểu theo quy định Nhà nước.

Một "đòn" nữa nhằm vào xe ô tô con của cá nhân là việc liên ngành TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh mức phí trông giữ xe trên địa bàn Thủ đô vượt khung quy định của Bộ Tài chính. Mức thu đối với tất cả các phương tiện giao thông đường bộ được chia làm 3 khu vực: Bên ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại; bên trong các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại; mức thu tại các dự án mới (bãi đỗ xe ngầm, giàn thép cao tầng). Đối với bên ngoài tòa nhà mức thu lại được chia theo địa bàn, 4 quận nội thành (Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm), tại các quận trên có các tuyến phố cần hạn chế dừng đỗ xe; các quận khác và huyện Từ Liêm; các huyện (trừ Từ Liêm) và thị xã Sơn Tây. Đối với bên ngoài tòa nhà thì mức thu kết hợp theo địa bàn và loại hình: chung cư dành cho các đối tượng ưu tiên (học sinh, sinh viên, thu nhập thấp, tái định cư) với các đối tượng khác.

Mức phí trông giữ xe cụ thể theo đề xuất của liên ngành TP Hà Nội đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống và xe tải từ 2 tấn trở xuống tại các tuyến phố hạn chế dừng đỗ trong 4 quận nội thành nêu trên là 40.000 đồng/lượt (1 lượt tối đa không quá 2 tiếng đồng hồ). Các tuyến phố còn lại trong 4 quận trên có mức thu 30.000 đồng/lượt... Đáng chú ý, mức phí trông giữ xe ô tô hợp đồng theo tháng tại các tuyến phố hạn chế dừng đỗ trong 4 quận nội thành như trên được đề xuất điều chỉnh theo 2 phương án mới, mức cao nhất dành cho xe ô tô con (xe 9 chỗ ngồi trở xuống) lên tới 3, 5 triệu đồng/ tháng...

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XIV (nhiệm kỳ 2011-2016) dự kiến diễn ra từ 5 - 9/12, tờ trình về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số quy định thu phí, lệ phí (trong đó có các loại phí, lệ phí trên) sẽ được xem xét thông qua.

Từ 1/1/2012 Hà Nội điều chỉnh giờ làm

Liên quan đến các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô, ngày 21/11, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo lên Thường trực Thành ủy việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội nhằm giảm ùn tắc giao thông. Theo đó phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội như sau:

Nhóm 1: Nhóm sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, học sinh THPT: thời gian bắt đầu học từ 6h30, kết thúc sau 19h00; Nhóm 2: Học sinh các trường THCS, Tiểu học, mẫu giáo, mầm non: thời gian bắt đầu từ 7h30, kết thúc vào 17h30; Cán bộ công chức(cả Trung ương và Hà Nội): bắt đầu làm việc từ 8h, kết thúc vào 17h00; Nhóm 3: Nhóm các trung tâm thương mại, dịch vụ(trừ ngân hàng, tài chính): bắt đầu từ 9h, kết thúc sau 19h; Nhóm các cơ quan, đơn vị quân đội và nhóm công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp theo ca: giữ nguyên không thay đổi. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2012 và thực hiện tại 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm.


Võ Hải
Theo Giadinh

Từ khóa: