Đáng nói, trên thị trường ĐCTE hiện nay vẫn tồn tại khá nhiều sản phẩm nhập lậu, chưa được cơ quan chức năng kiểm tra đủ điều kiện về đảm bảo an toàn. Không những vậy, mặt hàng này còn đang bị loạn giá, mỗi nơi bán một giá, thậm chí có nơi mức lợi nhuận gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Khó kiểm soát hàng lậu
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, về cuối năm, lượng hàng cấm và hàng ngoại nhập không có chứng từ chứng minh nguồn gốc tuồn về thành phố để tiêu thụ đang có xu hướng tăng lên.
Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng ĐCTE. Ảnh: X.L
Chỉ trong một tuần từ ngày 14 - 21.12, các đội QLTT TPHCM đã phát hiện và tạm giữ 208.076 sản phẩm hàng hóa vi phạm. Trong số này, có một lượng không nhỏ là ĐCTE, đặc biệt là máy chơi game mà phần lớn có xuất xứ Trung Quốc. Chỉ riêng Đội QLTT 6B vừa kiểm tra hàng chuyển từ container sang xe tải đã tạm giữ 55.880 gói đồ chơi xếp hình của Trung Quốc.
Khảo sát thị trường ĐCTE tại TPHCM cũng cho thấy, mặc dù đã có quy định lấy mẫu kiểm nghiệm và phải dán tem hợp quy CR đối với mặt hàng này, nhưng trên thực tế, tại các cửa hàng kinh doanh vẫn có nhiều sản phẩm không có nhãn phụ, dán tem hợp quy, trên bao bì chỉ ghi tiếng Trung Quốc.
Đáng nói là quy định này sau một thời gian được các lực lượng triển khai kiểm tra thì nay hầu như các cửa hàng kinh doanh ĐCTE vẫn ngang nhiên, công khai kinh doanh các loại sản phẩm nhập lậu, không dán tem hợp quy. Hiện nay, cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm đến việc sản phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm mẫu đảm bảo an toàn cho trẻ em hay không.
Tại Hà Nội, từ 1 - 20.12, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, thu giữ một lượng lớn đối với mặt hàng ĐCTE. Tối ngày 14.12, Đội 6, Cảnh sát môi trường - Công an TP.Hà Nội phối hợp với Đội 1 QLTT TP.Hà Nội kiểm tra tại số nhà 91, tổ 5 Gia Quất - Long Biên, phát hiện 12 thùng chứa ĐCTE do Trung Quốc sản xuất là hàng nhập lậu được đưa từ Lạng Sơn về để tiêu thụ.
Ngày 15.12, Đội QLTT số 11 - Chi cục QLTT TP.Hà Nội đã phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Tây Hồ phát hiện xe ôtô BKS 14P -4412 trên đường chở hàng từ Quảng Ninh về Hà Nội có dấu hiệu khả nghi. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện 264 hộp mỹ phẩm các loại và 721 túi ĐCTE do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, không có chứng nhận hợp quy.
Ngày 17.12, Đội QLTT số 8 - Chi cục QLTT TP.Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA81) và Đội cảnh sát điều tra tội phạm - Công an kinh tế huyện Gia Lâm bắt giữ 5 xe hàng chưa rõ nguồn gốc giấy tờ. Trên xe, ngoài mặt hàng quần áo thời trang, lực lượng kiểm tra còn phát hiện ĐCTE không có hóa đơn chứng từ được nhập từ Trung Quốc.
Những ngày gần Noel, không khí tại các tuyến phố kinh doanh ĐCTE ở Hà Nội diễn ra sôi động, náo nhiệt. Rất nhiều phụ huynh mua sắm đồ chơi cho con em mình. Dạo qua một vòng phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân..., hầu hết các loại ĐCTE bày bán ở đây do nước ngoài sản xuất.
Một phần trong số mặt hàng ĐCTE được gắn dấu hợp quy - CR, tuy nhiên khi hỏi rõ về dấu hợp quy, chủ hàng đều có chung trả lời dấu này do cơ sở sản xuất, nhập khẩu gắn vào.
Tuy nhiên, rất nhiều dấu hợp quy rách nát, in nhòe, không có số seri... Theo chị Hồng Nhung - chủ cửa hàng số 2 Lương Văn Can - cho biết: “Mấy ngày hôm nay, các mặt hàng ĐCTE tiêu thụ tốt hơn so với cùng thời điểm tháng 11. Các mặt hàng ĐCTE rất đa dạng phong phú về chủng loại và mẫu mã. Từ nay đến Tết Nguyên đán, sức mua của mặt hàng này chắc chắn sẽ duy trì ở mức cao”.
Ông già Noel cũng chuyển... hàng lậu
Ngay cả các điểm đang kinh doanh dịch vụ ông già Noel đến nhà trao quà cho bé cũng chuẩn bị sẵn một lượng lớn các loại ĐCTE với mức giá từ 50.000 - 500.000đ/món.
Thị trường dịch vụ chuyển quà của ông già Noel tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu sôi động từ sau ngày 20.12. Bất kỳ phụ huynh nào chỉ cần nhấc máy điện thoại, dịch vụ chuyển quà đã có thể sẵn sàng phục vụ từ giá tiền đồ chơi, chủng loại đồ chơi, lời đề tặng. Trong số này vẫn còn khá nhiều sản phẩm ĐCTE không có tem hợp quy, không nhãn phụ tiếng Việt.
Duy nhất chỉ có các siêu thị, cửa hàng lớn kinh doanh ĐCTE có giá trị cao là quan tâm đến việc lựa chọn nguồn hàng, chỉ kinh doanh sản phẩm có dán tem hợp quy. Đại diện cơ sở sản xuất và lắp ráp ĐCTE Hưng Phát, quận 11, TPHCM cho biết: Hiện việc kiểm tra lấy mẫu để dán tem hợp quy lên sản phẩm có chi phí bình quân khoảng 2.000.000đ/mẫu đồ chơi.
Trong khi đó, mặt hàng ĐCTE có rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm. Những DN thực hiện đúng việc kiểm nghiệm và dán tem hợp quy như quy định sẽ mất thêm chi phí cho sản phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm nhập lậu vẫn ngang nhiên kinh doanh trên thị trường hiện nay không phải tốn chi phí này, giá bán sẽ rẻ và cạnh tranh hơn.
Không những chưa đảm bảo an toàn cho trẻ em, mà thị trường đồ chơi còn đang bị loạn về giá. Cùng một loại sản phẩm, nhưng tại các điểm kinh doanh mỗi nơi “hét” một giá khác nhau, có khi chênh lệch vài chục nghìn đồng đối với mỗi sản phẩm.
Chẳng hạn mẫu ĐCTE nhím bắt đạn, tại các điểm kinh doanh đồ chơi ở các khu dân cư giá chỉ từ 15.000 – 20.000đ/con, nhưng tại các điểm kinh doanh gần trường học, khu vui chơi giá này đã bị đẩy lên 30.000 - 50.000đ/con. Chính sự đa dạng, phong phú về mẫu mã sản phẩm đã khiến thị trường ĐCTE hiện nay bát nháo, không quản lý nổi về độ an toàn lẫn giá cả.
Xuân Long - Mộng Thoa
Theo Lao dong