Giá vé gửi xe máy lên tới 50.000 đồng/chiếc; ôtô là 200.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn theo lễ hội như vẽ chân dung, hàng quán rong la liệt khắp nơi cũng được dịp vô tư hét giá, “móc túi” người đi ngắm hoa.
Giá vé gửi xe máy lên tới 50.000 đồng/chiếc; ôtô là 200.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn theo lễ hội như vẽ chân dung, hàng quán rong la liệt khắp nơi cũng được dịp vô tư hét giá, “móc túi” người đi ngắm hoa.
Gửi xe: Vừa “bị chém” vừa... ăn mắng
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp lễ tết hội hè là dịch vụ trông giữ xe lại tha hồ hốt bạc. Điểm hẹn phố hoa Hà Nội 2012 cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi các bãi đỗ xe tự phát mọc lên nhan nhản, thu giá "cắt cổ" mà không hề bị kiểm soát.
Các bãi đỗ xe luôn trong tình trạng quá tải, giá cao.
Để tạo không gian cho du khách thưởng hoa, ban tổ chức đã cấm các phương tiện giao thông lưu thông phía đường Đinh Tiên Hoàng. Sau đêm khai hội, lưu lượng người đổ về khu vực bờ hồ khá đông đúc. Nhân cơ hội này, các bãi đỗ xe mọc lên khắp các tuyến đường Cầu Gỗ, Đinh Lễ, Hàng Khay, Hàng Bài, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng... thu giá cao gấp vài chục lần.
Giá mỗi xe máy từ 20.000-50.000 đồng/chiếc; xe đạp 5.000-10.000 đồng/chiếc nhưng sau đó cũng không có đất gửi. Ôtô phải gửi từ vòng ngoài xa lắc với mức giá khiến nhiều người “hết hồn” từ 100.000-200.000 đồng/chiếc. Mặc dù với giá “khét lẹt” như vậy song muốn xem hoa, người dân vẫn phải cắn răng móc hầu bao để trả. Nếu cằn nhằn, ngay lập tức sẽ... ăn mắng.
Tại khu vực phố Cầu Gỗ, buổi sáng trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội hoa, du khách đã phải nhăn mặt trả 30.000 đồng/xe máy. Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, giá vé đã lên mức “cắt cổ” là 50.000 đồng/xe. “Chặt chém” là vậy song những người trông giữ xe vẫn tỏ vẻ “ta đây không cần” và buông những lời lẽ khó nghe.
Vé giữ xe này có giá 30.000 đồng/chiếc.
Đang loay hoay tìm chỗ gửi xe tại khu vực phố Đinh Lễ, anh Hưng (Cầu Diễn, Từ Liêm) dò hỏi: “Gửi xe ở đây bao nhiêu tiền?”. Ngay lập tức nhân viên trông xe sẵng giọng: “30.000 một xe, không gửi thì đi chỗ khác”.
“Đi khắp lượt từ phía Hàng Bài về đây, chỗ nào cũng hét giá vài chục nghìn đồng một chiếc xe máy. Thôi thì cũng đành ngậm ngùi vào gửi, chẳng lẽ đến nơi rồi mà không được vào ngắm hoa”- anh Hưng nói.
Nhiều bạn trẻ do lường trước được nạn "chặt chém" này nên đã chọn cách đi xe bus; các gia đình có con nhỏ thì chọn taxi tuy phải mất khá nhiều thời gian đi bộ để vào được phố hoa.
Các dịch vụ “ăn theo” thả sức tung hoành
Dịch vụ ký họa chân dung....
Nhân cơ hội cả năm mới có một lần này, hàng loạt dịch vụ ăn uống, vẽ tranh chân dung, gánh hàng rong, bói toán.... tự tung tự tác khắp nơi, chèo kéo du khách gây phản cảm.
Tại khu vực trưng bày sản phẩm bên cạnh quảng trường tượng đài vua Lý Thái Tổ, các hoạt động vẽ tranh chân dung diễn ra khá tấp nập. Tỏ vẻ rất hào hứng với hoạt động này, người dân đổ xô lại, kẻ đứng người ngồi quây thành vòng tròn trong vòng tròn ngoài náo loạn cả khu. Giá mỗi bức chân dung khoảng 30.000-50.000 đồng.
Và dịch vụ ăn uống dịp lễ hội cũng "bóp chặt" khách tham quan.
Phía đường Cầu Gỗ, Tràng Tiền là nơi tập trung đông đúc các dịch vụ ăn uống với la liệt hàng quán, bánh rán rong, hoa quả rong... Điển hình, một bát phở lõng bõng toàn nước với vài sợi phở và “điểm xuyết” thêm miếng thịt có giá 40.000-60.000 đồng. Mệt nhoài sau một hồi ngắm hoa, các thượng đế dù không muốn nhưng vẫn phải chi một mức giá “khủng” để lo cho cái dạ dày của mình.
Như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Hà Nội diễn ra các sự kiện nào đó thì dường như nạn "chặt chém" du khách lại ngang nhiên diễn ra gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Lực lượng bảo vệ nếu có đi kiểm tra cũng chỉ nhắc nhở qua loa, sau đó khi bóng họ lẩn khuất thì... đâu lại vào đấy. Chỉ có du khách vừa đi tham quan vừa ấm ức vì bị “móc túi” công khai.
Lương Kết - Dương Hải - Trang Chang
Theo Lao dong