Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Hành vi lừa đảo trong giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến

Việc bán hàng trực tuyến giúp cho cả người bán và người mua tiết kiệm được thời gian, chi phí thanh toán... Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng người tiêu dùng đặt mua hàng online trên livestream TikTok, Facebook, khi nhận về nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, gây bất an cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.

Chủ động
Hành vi lừa đảo trong giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, sự bùng nổ của công nghệ, nhất là với phương thức kinh doanh qua mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng, ngoài những mặt tích cực, Internet và thương mại điện tử đều có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn như việc vi phạm pháp luật trên website, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội về không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng…

Chỉ cần ngồi gần máy tính hay cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh là dù bất cứ ở đâu người tiêu dùng cũng có thể lướt web để đặt mua món đồ mong muốn và sau đó sẽ được giao đến tận tay. Nếu so với hoạt động mua bán truyền thống tại cửa hàng, mua sắm online tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn rất nhiều.

Cùng đó, các mặt hàng đa dạng từ quần áo mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ điện tử điện thoại, máy tính... cũng đều có thể mua sắm online. Không những thế, người tiêu dùng còn có thể thoải mái so sánh các sản phẩm, các thương hiệu khác nhau, giá cả, chất lượng và trực tiếp trao đổi với người bán để hiểu rõ hơn về sản phẩm. Thế nhưng, tình trạng giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn diễn ra ngày càng nhiều, nhất là khi nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng cao.

Theo giám đốc của một công ty là đại lý phân phối của một số thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, nhiều trang thương mại điện tử đăng bán sản phẩm mỹ phẩm của những thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ bất ngờ. Cùng một sản phẩm chúng tôi nhập về, có khi giá ở những gian hàng này chỉ bằng 1/3. Đây rất có thể là các sản phẩm giả, kém chất lượng.

Nếu sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, khách hàng không những mất tiền mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị các phản ứng trên da như nóng rát dưới da, nổi mụn trứng cá, nám... Dùng trong thời gian dài có thể kéo theo nhiều bệnh lý về da nguy hại cho sức khỏe.

Các chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử cho hay, hiện nay có tình trạng nhiều đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Hơn nữa, các đối tượng sẽ đăng bán sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động.
Trước thực trạng nhiều shop ảo có dấu hiệu lừa đảo ngày càng tràn lan trên không gian mạng đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong quản lý. Nhằm tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch trên không gian mạng, Bộ Công Thương đã quyết liệt thực hiện nhiệm vụ về thanh tra, kiểm tra cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Trong 3 quý 2023 gỡ bỏ/khóa 6.112 gian hàng với 19.319 sản phẩm vi phạm. Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook tại Hà Nội, Gia Lai... Qua đó đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm trang sức mỹ ký thời trang được livestream bán trên mạng xã hội tại 3 cửa hàng ở Lào Cai. Kiểm tra chuỗi kinh doanh xe đạp điện của Công ty Hamachi, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm xe vi phạm...

Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong công ty  TNHH hai thành viên trở lên

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 - 5 năm tới. Hơn nữa, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới quản lý thị trường địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Đại úy Phạm Khánh Hòa, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó có hình thức lừa đảo giả mạo các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vì thiếu cảnh giác, không ít người vẫn mắc bẫy.

Công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua sàn thương mại điện tử thường gặp khó khăn do người bị hại thường e ngại tố giác tội phạm hoặc khó cung cấp chứng cứ vi phạm tội của đối tượng. Chưa kể, các đối tượng thường dùng sim rác gọi điện, nhắn tin, đăng ký tài khoản mạng xã hội khi phạm tội.

Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn thông báo được nhận quà tặng trúng thưởng hoặc tuyển cộng tác viên việc nhẹ lương cao... Nếu muốn tìm hiểu, có thể gọi điện thoại trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử để xác minh thông tin.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nghi vấn lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử (xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, phối hợp rà soát, gỡ bỏ thông tin sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật. Đặc biệt, tăng cuờng chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: