Trong năm 2023, đã có hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo. Đặc biết là vào những ngày cuối năm 2023, trên mạng internet và các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo "ăn theo" Tết dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Theo đó, dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần cũng là thời điểm tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… của người dân để chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian này, nhu cầu vé máy bay để người dân về quê và đi du lịch tăng mạnh dẫn đến khan hiếm, nhất là vé có giá tốt và thời điểm tốt. Chiêu trò của bọn lừa đảo là lập những trang Facebook giả mạo đại lý bán vé, công ty du lịch hay lập những tài khoản mạo danh nhân viên hãng hàng không. Nhiều cò mồi được tung ra với vai trò làm sao cho hành khách tin tưởng và đặt mua vé.
Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân nên trực tiếp đặt vé máy bay qua website chính thức của hãng hàng không và đại lý bán vé uy tín hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài của các hãng. Nếu đã lỡ mua vé qua các kênh chưa thật sự tin tưởng thì nhờ nhân viên của hãng kiểm tra lại các thông tin về hành khách và hành trình bay.
Bên cạnh đó, cứ đến những ngày cận tết, dịch vụ đổi tiền lẻ lại bắt đầu hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa: “Đổi tiền”, “Đổi tiền lẻ mới”,… là có hàng trăm hội nhóm, hàng nghìn bài đăng quảng cáo dịch vụ đổi tiền.
Qua tìm hiểu, dưới mỗi bài đăng dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội sẽ có phí đổi khác nhau, dao động từ 2-15% tùy vào mệnh giá tiền cần đổi. Phí quy đổi này không có một mức giá chung, mà tùy thuộc vào người đăng bài.
Đơn cử, trên nhóm “Đổi tiền lẻ mới”, tài khoản có tên H.H cho biết: “Càng những ngày cận Tết, nhu cầu đổi tiền mới càng cao, đồng thời cũng công khai phí đổi. Với tiền có mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng thì phí đổi sẽ là 50.000 đồng/1triệu. Còn khi đổi tiền với mệnh giá 50.000 đồng sẽ mất phí 40.000 đồng/1 triệu. Với khách hàng ở gần thì H.H sẽ giao nhận tận tay. Còn khách ở xa thì phải chuyển khoản trước, sau đó H.H mới gửi tiền đổi cho khách.
Xuất hiện nhiều chiêu lừa việc làm thêm trên mạng dịp cận Tết 2024
Thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ: Tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn...
Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Thực tế, đã có nhiều người dân bị dính bẫy lừa đảo của các nhóm đối tượng.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, song các đối tượng liên tục thay đổi hình thức nên khiến cho nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Cơ quan này khuyến nghị người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng; đồng thời cần đặc biệt lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP.
Dùng mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tài sản
Ngày 9/12, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP.HCM, cho biết thời gian gần đây xuất hiện tình trạng tội phạm dùng các loại mã độc đánh cắp thông tin, mã hóa dữ liệu của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt là giả mạo các ứng dụng trực tuyến tăng cao vào dịp cuối năm 2023.
Theo PA05, các đối tượng sử dụng ngụy trang hợp lý để dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng mã độc, như: giả danh Công an khu vực yêu cầu đăng ký định danh mức 2 VneID; cập nhật thông tin bảo hiểm xã hội (BHXH) trên ứng dụng VssID để được hưởng quyền lợi bảo hiểm lao động ở mức cao; giả mạo nhân viên ngân hàng đề nghị tạo tài khoản ngân hàng mới, mở thẻ tín dụng để được hưởng hạn mức ưu đãi…
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng lỗ hổng trên một số trang mạng điện tử có đuôi .gov.vn hay .com.vn để cài backlink dowload ứng dụng (app) làm nạn nhân tưởng nhầm đây là ứng dụng của các trang mạng chính thống của cơ quan Nhà nước. Do vậy, nhiều người dân yên tâm, chủ quan tải và cài đặt trên điện thoại (smart phone) hoặc máy tính của cá nhân và công ty.
Khi đó, mã độc lây nhiễm trên thiết bị, các đối tượng sẽ giám sát hoạt động của thiết bị. Khi nạn nhân mở ứng dụng trong danh sách mục tiêu, nó sẽ hiển thị giao diện đăng nhập giả mạo chèn lên giao diện thật để đánh lừa người dùng tương tác đăng nhập. Khi thông tin đăng nhập của người dùng vào ứng dụng Internet Banking sẽ được mã độc gửi về cho đối tượng.
Với các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android, mã độc có thể không cần người dùng cấp quyền truy cập danh bạ, camera, micro… vẫn có thể can thiệp vào hệ thống điện thoại.
Lừa đảo bán xe xịn giá rẻ khiến nhiều người sập bẫy
Gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện phương thức lừa đảo mới, với mục tiêu là những người tiêu dùng ham mua xe giá rẻ. Cụ thể, các đối tượng tạo lập các trang Facebook giả mạo các cơ quan nhà nước như: “Cục Hải quan thanh lý xe”, “Xe thanh lý đợt 1/2023 Hải quan chính ngạch”…; liên tục chạy quảng cáo và đăng tải những hình ảnh, video về những sản phẩm xe chất lượng nhưng giá bán chỉ bằng 1/3, 2/3 giá thị trường, nhằm tiếp cận tối đa số lượng người dùng có nhu cầu mua xe hoặc quan tâm đến thị trường xe.
Nhiều đối tượng lừa đảo đã giăng bẫy "mua xe xịn giá rẻ" trên mạng với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ giá gốc
Tiếp đó, đối tượng nhắn tin trực tiếp với những tài khoản tương tác thông qua Messenger hoặc Zalo, Telegram. Để tăng độ uy tín, các đối tượng còn làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước về việc thanh lý xe hoặc các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe.
Trong quá trình trao đổi, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng gửi ảnh căn cước công dân để làm giấy tờ xe (cavet, đăng kiểm, bảo hiểm, biển số); yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc 20% giá trị xe và nhiều khoản phí khác để giữ xe; xin địa chỉ nhà để giao xe tận nơi, thời gian thường trong thời gian 3 - 6 ngày tùy khoảng cách. Số tiền yêu cầu nạn nhân “đặt cọc” một khoản tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng nhằm “giữ xe”.
Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc, các đối tượng sẽ lập tức chặn mọi liên lạc với các nạn nhân. Trong một vài trường hợp khác, các đối tượng sẽ lấy đủ các loại lý do để yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ.
"Lấy lại tiền đang bị treo trên mạng" và bị lừa đảo lần 2
Một trong số nhiều nạn nhân của chiêu trò này là chị N.T.M kể rằng chị đã từng bị một nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, thông báo tiền của chị “đang bị treo trên mạng”, chưa thể lấy ra được ngay, đồng thời yêu cầu chị đóng thêm các khoản phí để lấy lại số tiền. Sau đó, dù đã nộp đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, nhưng với mong muốn nhanh chóng lấy lại tiền, chị M. lại nhờ đến những đối tượng trên mạng mạo danh luật sư để giúp mình lấy lại tiền ngay.
Các đối tượng mạo danh luật sư làm tại các Văn phòng Luật sư có thật và uy tín, đưa ra cho nạn nhân những lời đảm bảo có thể lấy lại được số tiền vừa mất. Để tạo lòng tin, các đối tượng còn đưa ra các thông tin dịch vụ thông báo "số tiền đang bị treo trên mạng", có khả năng liên kết với các ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp dịch vụ "lấy lại tiền". Đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển phí dịch vụ thì mới thực hiện. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng lại liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân tiếp tục thêm chuyển tiền. Nếu nạn nhân không chuyển, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên.
Có thể thấy, đây là một chiêu trò lừa đảo có hệ thống, hoàn toàn không hoạt động trong phạm vi tại Việt Nam; nên việc truy vết và triệt phá các đường dây lừa đảo của cơ quan gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các tài khoản nhận tiền 100% là tài khoản ảo, chính chủ nhưng không phải người sử dụng (bán tài khoản) hoặc chúng làm tài khoản của những người bị mất giấy tờ cá nhân.
Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin đưa ra khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là những người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội.
“Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, … để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai. Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Tiến Hoàng/KTDU