Sự kiện hot
13 năm trước

Hớ hênh quản trị rủi ro

Câu hỏi đặt ra hiện nay là công ty chứng khoán có thực hiện quy trình quản lý rủi ro không, nếu không thì khi công ty chứng khoán vỡ nợ, ai sẽ bị ảnh hưởng?

Cho vay gấp nhiều lần vốn tự có, kinh doanh lỗ nặng vẫn cho vay tràn lan là hiện tượng đang xảy ra tại nhiều công ty chứng khoán. Câu hỏi đặt ra hiện nay là công ty chứng khoán có thực hiện quy trình quản lý rủi ro không, nếu không thì khi công ty chứng khoán vỡ nợ, ai sẽ bị ảnh hưởng?

Nhà đầu tư trên một sàn giao dịch chứng khoán ở TPHCM. 

Bị quỵt nợ, kêu ai?

Một người làm trong một công ty chứng khoán cỡ nhỏ cho biết trong năm qua, công ty bị mất hơn 3 tỉ đồng vì khách hàng quỵt nợ. Số chứng khoán mà các khách hàng này cầm cố đã không thể bán ra thị trường vì thanh khoản không có. Mỗi phiên, các cổ phiếu trên chỉ có vài trăm đơn vị được đặt mua thì con số mấy trăm ngàn hay cả triệu cổ phiếu mà công ty chứng khoán đặt lệnh làm sao bán?

Một vị lãnh đạo của một công ty chứng khoán lớn khẳng định chuyện này không có gì lạ. Hiện nhiều công ty đang phải đối mặt với các khoản nợ khó đòi của nhà đầu tư, có những con số còn lớn hơn nhiều so với con số nêu trên. Song có một thực tế là đối với các nhà đầu tư lớn, nếu không cung cấp tài chính thêm thì họ sẽ không mở tài khoản đầu tư ở công ty chứng khoán đó. Mà nếu chỉ kiếm được các hợp đồng hợp tác đầu tư nhỏ thì không đủ để trang trải chi phí. Nên dù biết có rủi ro nhưng các công ty chứng khoán vẫn làm liều.

Nhiều công ty chứng khoán hiện nay hoạt động với nhiều nét của một tổ chức tín dụng, tức là có huy động, có cho vay. Vốn nhiều khi chính là tiền của nhà đầu tư do chưa tách tài khoản của nhà đầu tư ra khỏi tài khoản tổng của công ty chứng khoán. Lãi suất vay khoảng 22-24%/năm. Ngoài ra, cũng có một số công ty chứng khoán vay tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư lớn, rồi lại đem cho nhà đầu tư khác vay qua hợp đồng hợp tác đầu tư để hưởng chênh lệch lãi suất.

Một chuyên gia chứng khoán cho biết hoạt động quản trị rủi ro ở các công ty chứng khoán không được nhà nước kiểm soát chặt như bên ngân hàng, vì vậy khi công ty chứng khoán gặp rủi ro thanh toán thì hậu quả sẽ rất khó lường do nguồn tiền huy động, cho vay ở các công ty cũng rất lớn.

Cơ quan quản lý vẫn còn nương tay

“Quan điểm của chúng tôi là quyết liệt tái cơ cấu thị trường để các công ty chứng khoán hoạt động lành mạnh hơn. Công ty nào vi phạm nặng quá có thể đình chỉ kinh doanh ngay từ bây giờ”, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Phạm Hồng Sơn nói với báo giới. Ủy ban mới đây cũng đã công bố danh sách 12 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%, trong đó có 5 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120% - mức có thể bị vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định hiện hành.

Tuy tuyên bố mạnh mẽ như vậy nhưng Ủy ban Chứng khoán dường như vẫn còn nương tay với những trường hợp vi phạm quy định. Chẳng hạn như đến nay, đã hơn ba năm kể từ ngày có quy định phải tách bạch tiền nhà đầu tư ra khỏi tài khoản tổng của công ty chứng khoán nhưng nhiều công ty vẫn không thực hiện mà cũng chẳng thấy ai bị xử lý.

Các chuyên gia cho rằng Ủy ban nên kiểm soát hoạt động của các công ty chứng khoán chặt hơn, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để pháp luật không bị xem thường như lâu nay. Hiện số công ty chứng khoán lỗ trong chín tháng đầu năm đã lên đến 65 công ty, chiếm hơn 60% số lượng công ty chứng khoán. Nếu các công ty này vẫn tiếp tục các hoạt động cho vay quá mạo hiểm thì khả năng vỡ nợ, phá sản là khó tránh. Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng nên có quy định về tín dụng chứng khoán. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và công ty chứng khoán để đưa ra các tiêu chí cho vay.

Một cách làm khác là ngân hàng trực tiếp quản lý khoản cho vay đầu tư chứng khoán vì các quy định về quản trị rủi ro ở ngân hàng chặt chẽ hơn ở công ty chứng khoán. Hơn nữa Ngân hàng Nhà nước cũng có thể kiểm soát được dòng vốn đang lưu thông trên thị trường, tránh hiện tượng cho vay tràn lan như hiện nay.

Thông tư 226/2010/TT-BTC ra đời vào năm ngoái quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính bắt đầu có hiệu lực từ 1-4 năm nay. Theo đó, nếu tỷ lệ vốn khả dụng (vốn mà chủ sở hữu có thể chuyển thành tiền trong vòng 90 ngày so với tổng giá trị tài sản rủi ro) dưới 180%, công ty sẽ phải báo cáo hai lần một tháng, dưới 150% sẽ phải báo cáo một tuần một lần và dưới 120% sẽ phải báo cáo hàng ngày. Và công ty chứng khoán sẽ bị đưa vào diện kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120-150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong ba tháng liên tục. Khi đó công ty sẽ phải có phương án khắc phục như bán bớt tài sản có độ rủi ro cao, cắt giảm chi phí hoạt động, cắt giảm nhân sự, đóng cửa chi nhánh, rút bớt nghiệp vụ, dừng trả cổ tức, không được tăng vốn, thậm chí là sáp nhập với công ty khác.

Đặc biệt, nếu tỷ lệ vốn khả dụng xuống dưới 120% hoặc công ty chứng khoán không khắc phục được bằng những biện pháp trên, công ty sẽ rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, các hoạt động của công ty sẽ bị giám sát chặt chẽ với hàng loạt hoạt động bị cấm.

Thanh Thương
Theo TBKTSG

Từ khóa: