Sự kiện hot
6 năm trước

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đào tạo những ngành gì?

62 năm qua, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – hay còn gọi với cái tên thân thuộc “trường Đoàn” - đã trở thành một đại điểm gần gũi, quen thuộc của các cán bộ Đoàn, những người đã và đang cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho phong trào thanh thiếu nhi cả nước.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đào tạo những ngành gì?

Thành lập năm 1956, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh niên cho tổ chức Đoàn và các tổ chức chính trị xã hội khác. Với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam luôn năng động, sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng như phong trào thanh thiếu niên trên cả nước.

Từ ngày ra đời đến nay, Trường đã nhiều lần được đổi tên. Đến ngày 26/7/1995, xuất phát từ yêu cầu nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ cán bộ Đoàn có trình độ đại học, Ban Thường vụ TW Đoàn đã quyết định thành lập Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trường Cán bộ Thanh thiếu niên Trung ương và Viện Nghiên cứu thanh niên.

Sau nhiều năm tích cực chuẩn bị, ngày 10/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc nâng cấp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thành cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, mở ra thời kỳ phát triển mới của Học viện. Tính đến thời điểm này, đã có 06 khóa sinh viên đại học chính quy và 02 khóa sinh viên hệ Đại học vừa học vừa làm đã và đang theo học tại Học viện.

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Học viện cho biết: “Hiện nay, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đang đào tạo hệ đại học chính quy với 3 chuyên ngành: Công tác thanh thiếu niên, Công tác xã hội, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.Các chương trình đào tạo tại Học viện được thiết kế hiện đại trên cơ sở kế thùa các chương trình tiên tiến trong nước và quốc tế, vừa đảm bảo kiến thức nền tảng, định hướng ngành rộng, cung cấp các kiến thức nền tảng và cốt lõi, đồng thời chú trọng các hoạt động nghiên cứu, phát triển kỹ năng làm việc và tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng của người học trong hội nhập quốc tế và đặc biệt chú trọng đến năng lực thực hành nghề nghiệp”.

Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh 2018 này, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới của xã hội nói chung và Học viện nói riêng, Học viện sẽ chính thức tuyển sinh thêm ba ngành mới, gồm: Luật, Quan hệ công chúng và Quản lý nhà nước. Như vậy, cùng với 3 ngành đào tạo Đại học đã có, từ năm 2018, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam sẽ có tổng cộng 6 ngành đào tạo trình độ Đại học.

Khi đến đăng ký xét tuyển thí sinh và phụ huynh được chào đón và phục vụ như thế nào?

Khi đến làm thủ tục đăng ký xét tuyển, các bạn thí sinh và phụ huynh sẽ được các chuyên viên tuyển sinh và các bạn tình nguyện viên tiếp đón và hướng dẫn làm thủ tục nộp hồ sơ.

Đối với các thí sinh còn phân vân chưa biết chọn ngành nghề nào, các chuyên viên tuyển sinh sẽ cùng các em trao đổi, tư vấn dựa vào kết quả học tập và điểm trúng tuyển các năm trở lại đây để cùng các em xác định ngành nghề phù hợp với tính cách, sở thích và năng lực của mỗi em.

Bên cạnh đó, các sinh viên thuộc diện chính sách, gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh viên khá, giỏi sẽ quan tâm tới các chương trình học bổng rất đa dạng trích từ quỹ học bổng của Học viện, Hội Cựu cán bộ Đoàn Việt Nam và các tổ chức khác có liên quan.

Hình thức xét tuyển vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam năm 2018 như thế nào?

Năm 2018, Học viện sẽ mở rộng hình thức xét tuyển đa dạng hơn trước, với hai phương thức: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển qua học bạ THPT.

Cụ thể, đối với phương thức tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia, Học viện sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi môn Toán, Ngữ văn để xét tuyển.

Còn đối với phương thức xét tuyển qua học bạ, học viện tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT (áp dụng đúng năm tốt nghiệp) với điểm xét tuyển là: tổng điểm trung bình chung 3 môn theo tổ hợp xét tuyển 3 năm THPT >= 6.0.

Theo TS. Nguyễn Hải Đăng, thì “Xét học bạ tạo điều kiện cho thí sinh là học sinh THPT có quá trình học tập tốt, có năng lực, thành tích trong công tác Đoàn, là cán bộ lớp, bí thư chi đoàn, ban chấp hành Đoàn trường, năng nổ trong công tác Đoàn khi còn học phổ thông”.

Tiêu chí phụ để ưu tiên trong xét tuyển là giải thưởng đạt được trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi... từ cấp trường trở lên.

Để có cơ hội trúng tuyển vào trường cao, thí sinh tham khảo điểm trúng tuyển vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam từ năm 2012 - 2017. Thông tin chi tiết về mã ngành, cách thức nộp hồ sơ xét tuyển, thủ tục nộp lệ phí, thí sinh xem tại: www.vya.edu.vn.

Huy Pham

Theo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: