Sự kiện hot
10 năm trước

“Hối lộ” bằng vàng mã trong mùa Vu lan

Theo tín ngưỡng truyền thống thì tháng bảy (Âm lịch) là tháng của người âm (tháng cô hồn) và ngày rằm tháng bảy là ngày "xá tội vong nhân". Đây cũng là dịp người dân tổ chức Lễ Vu lan (báo hiếu cha mẹ) nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và ông bà tổ tiên.

Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp văn hóa truyền thống, Lễ cúng cô hồn cùng Lễ Vu lan đang bị chi phối bởi yếu tố mê tín dị đoan, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó. Điều đó được thể hiện qua tục đốt vàng mã.


Rất nhiều mặt hàng vàng mã được bày bán trong Tháng cô hồn. Ảnh Songmoi.vn

Khoảng thời gian từ mồng 10 đến ngày rằm tháng 7 (Âm lịch), không khó để bắt gặp trong các con ngõ to, ngõ nhỏ, phố lớn, phố bé của TP. Hà Nội nghi ngút khói do người dân đốt đồ hàng mã cúng các vong linh.

Trong dịp này, nhà nhà lại sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh. Nhà nào sắm ít nhất thì cũng vài bộ quần áo, mấy xấp tiền vàng (hàng mã), nhà “chơi sang” thì sắm cả ôtô Mercedes, Camry, nhà lầu, xe máy… cho “người âm”, tốn đến tiền triệu, thậm chí đến cả vài chục triệu đồng.

Đảo một vòng qua phố Hàng Mã, chúng tôi thấy nơi đây bày bán đủ các mặt hàng mã từ biệt thự cao tầng, siêu xe ôtô, xe máy tay ga, ti vi, tủ lạnh đến điện thoại di động đời mới…, thậm chí năm nay còn xuất hiện cả mặt hàng hộ chiếu, thẻ visa, vé máy bay…


Những con ngựa có giá 600.000 - 800.000 đồng/con. Ảnh 24h

Chị Phương, chủ một cửa hàng lớn ở chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 7 (Âm lịch) là chị đã phải đi sắm sửa đủ mọi thứ đồ mã, thứ nào không có thì chị đặt người ta làm. Chẳng hạn như quần áo chúng sinh, chị thường phải đặt loại to kiểu của lính lê dương ngày xưa, vì chị nghe đồn khu chợ này ngày xưa là bãi tha ma chôn xác những người lính da đen, vì vậy quần áo đốt cho người âm cũng phải là loại “đặc chủng”. Tính sơ sơ, số tiền chị Phương sắm vàng mã năm nay cũng lên tới gần 10 triệu đồng, chị bộc bạch: “Đốt nhiều để các cụ, các vong ở đây còn phù hộ cho buôn bán lời lãi, mình cũng không biết người âm có nhận được nhà lầu, xe hơi không nhưng thôi thì cứ đốt cho tâm thanh thản”.


Các mặt hàng quần áo, mã vẫn tiếp tục được hoàn thiện để đưa ra thị trường. Ảnh Khampha.vn

Ông Hùng ở phố Lò Đúc lại có cách cúng Lễ Vu lan khác với chị Phương. Ông có 2 đứa con đã phương trưởng, đều ra ở riêng, trong ngày Lễ Vu lan, ông gọi các con mang cháu về quây quần cùng cha mẹ làm lễ cúng cho ông bà, tổ tiên. Trong ngày lễ, nhà ông rộn ràng tiếng cười nói, mỗi người một việc: dâu cả thì sắp lễ, dâu hai thì xào nấu, cháu lớn thì cắm hoa, còn bà Lan vợ ông thì ngồi kể cho những đứa cháu nhỏ nghe về sự tích ngày Lễ Vu lan, tạo nên một không khí quây quần thật đầm ấm. Bà Lan cho biết, gia đình bà chỉ sắm vàng mã với số lượng vừa phải, đủ để cúng theo phong tục truyền thống, còn lại là đặt lễ bằng tiền thật. Cúng lễ xong thì cả nhà quây quần bên mâm cơm, ôn lại những chuyện cơ hàn ngày xưa, chia sẻ những thành quả gặt hái được của con cháu cùng những niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Sau đó, bà Lan mang số tiền thật đã cúng đi làm từ thiện. Bà cho rằng, xã hội còn nhiều người nghèo khổ hơn mình, sự phô trương lãng phí là điều không nên.

Không chỉ ở gia đình ông Hùng mà trong hầu hết các gia đình người Việt trong cả nước, Lễ Vu lan là dịp để con cháu được quây quần bên bố mẹ, ông bà thể hiện lòng biết ơn, tôn kính công lao sinh thành, dưỡng dục của các bậc sinh thành đối với bản thân mình. Đây cũng là dịp để ông bà, cha mẹ chia sẻ tình cảm yêu thương, bảo ban, dạy giỗ con cháu biết kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ ngay khi họ còn sống, một lòng hướng tâm làm nhiều việc thiện cho xã hội, cho quê hương, đất nước…

Với ý nghĩa như vậy, việc sắm thật nhiều vàng mã để đốt cho người âm trong tháng cô hồn hay Lễ Vu lan như nhiều gia đình đang làm là điều không nên, bởi vừa gây ra lãng phí tiền của, vừa mất đi ý nghĩa thiêng liêng, tốt đẹp của một phong tục truyền thống của người Việt ta xưa.

Hạ Ly
theo Xây dựng

Từ khóa: