Sự kiện hot
11 năm trước

IAEA: trừng phạt Iran không tác dụng gì

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thừa nhận các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran không có tác động nào và Iran vẫn làm giàu uranium như trước đây.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thừa nhận các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran không có tác động nào và Iran vẫn làm giàu uranium như trước đây.


Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano.
Ảnh: Reuters

“Chúng tôi đang xác minh hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Iran và chúng tôi không thấy có bất cứ tác động nào. Họ vẫn đang sản xuất uranium 5% và 20% với tốc độ như cũ - tổng giám đốc Yukiya Amano phát biểu tại Paris - Theo như chúng tôi quan sát thì tiến độ sản xuất luôn ổn định và có sự tăng dần về số lượng”.

Trong báo cáo hằng quý về chương trình hạt nhân Iran phát hành trước đó, IAEA cho biết Iran đã hoàn thành quá trình lắp đặt các máy ly tâm tại nhà máy dưới lòng đất Fordow và sẵn sàng chuẩn bị tăng gấp 3 lần sản lượng uranium 20% sản xuất tại đây.

Ý kiến của ông Amano tiếp nối quan điểm của giới phân tích rằng những áp lực kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Iran không thể làm thay đổi lộ trình hạt nhân của nước này.

Ông Amano nói “khó mà dự đoán được” liệu Iran và IAEA có đạt được tiến bộ trong vòng đàm phán sắp tới tại Iran vào ngày 13-12 hay không. IAEA và Iran đã tổ chức nhiều cuộc họp trước đây nhưng không gặt được kết quả gì.

Nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) dự định nhóm họp tại Brussels hôm nay 21-11 để cân nhắc các chiến lược với Iran sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast ngày 20-11 nhắc lại điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công trong các cuộc đàm phán với P5+1 là quyền làm giàu uranium của Iran phải được công nhận.

Trong diễn biến khác, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố báo cáo cảnh báo nếu Mỹ quyết định tấn công Iran thì nền kinh tế thế giới sẽ thiệt hại gần 2.000 tỉ USD trong ba tháng đầu tiên.

Theo FAS, các cấm vận của Mỹ và phương Tây gây thiệt hại đến kinh tế Iran và thế giới, nhưng nếu xảy ra chiến tranh thì tổn thất lớn hơn. FAS cho rằng một chiến dịch đánh bom sẽ tốn 1.200 tỉ USD, còn nếu Mỹ quyết định san bằng các cơ sở hạt nhân sẽ tốn thêm 700 tỉ USD.

Báo cáo trên được thực hiện dựa trên các yếu tố: thiệt hại thị trường tài chính, giá dầu tăng, chi phí quân sự và an ninh, thiệt hại cơ sở hạ tầng do giao tranh và những chi phí khác nếu xảy ra chiến tranh. Do vậy FAS đề xuất các bên cần tiếp tục đàm phán để tìm ra giải pháp là cách “ít tốn kém nhất”.

Tấn Khoa
theo TTO, Reuters, Xinhua, PressTV

Từ khóa: