Sự kiện hot
11 năm trước

Jack Wilshere bị "ném đá" vì tỏ ý kỳ thị Adnan Januzaj

Tiền vệ đội tuyển Anh và Arsenal Jack Wilshere đã gây tranh cãi lớn khi tuyên bố chỉ những cầu thủ người Anh mới xứng đáng để đại diện cho quốc gia.

Tiền vệ đội tuyển Anh và Arsenal Jack Wilshere đã gây tranh cãi lớn khi tuyên bố chỉ những cầu thủ người Anh mới xứng đáng để đại diện cho quốc gia.

Ý kiến trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều ngôi sao thể thao xứ sương mù, những người không sinh ra tại Anh, điển hình là ngôi sao cricket Kevin Pietersen.

Sinh ra tại Pietermaritzburg (Nam Phi) với cha là người bản địa còn mẹ là người Anh, Pietersen đã trở thành trụ cột của tuyển cricket Anh và chỉ còn thiếu một trận nữa để tròn 100 lần khoác áo đội tuyển. Anh là một trong những trường hợp đặc biệt như vậy, giống như cựu danh thủ bóng đá John Barnes mang gốc Jamaica và không được sinh ra tại Anh. Đây là hệ quả của quá khứ thống trị thuộc địa của Anh, những cuộc hôn nhân đa sắc tộc và gần đây nhất là làn sóng di cư mạnh mẽ.

Song Wilshere lại bày tỏ quan điểm ở cuộc họp báo trước trận gặp Montenegro ở vòng loại World Cup 2014: "Chỉ có người Anh mới chơi cho đội tuyển Anh. Nếu bạn sống ở đây năm năm thì cũng không có nghĩa bạn là người Anh."

Pietersen đã chỉ ra trường hợp của mình cũng như nhà vô địch Olympic ở các đường chạy trung bình Mo Farah: "Jack Wilshere, thật thú vị để biết cậu phân loại người nước ngoài ra sao? Liệu điều đó có bao gồm tôi, Andrew Strauss (cựu đội trưởng tuyển cricket Anh), Justin Rose (tay golf gốc Nam Phi), Chris Froome (nhà vô địch Tour de France) và Mo Farah?"

Trong cuộc đối thoại qua lại trên Twitter, Wilshere đã đính chính lại: "Để mọi chuyện được rõ, tôi chưa bao giờ nói 'sinh ra tại Anh'. Tôi chỉ nói rằng người Anh nên chơi cho tuyển Anh. Những người như Pietersen, Mo Farah và Wilf Zaha rất đáng được tôn trọng bởi họ đã làm đất nước này tự hào."

"Quan điểm của tôi trong bóng đá là không đồng ý với việc này: khi bạn đến một đất nước lúc đã trưởng thành và có thể chơi cho đội tuyển nước đó chỉ bởi bạn có hộ chiếu."

Song tiền vệ 21 tuổi này cũng đã khẳng định anh chỉ nói về môn thể thao của mình: "Với tất cả sự tôn trọng, câu hỏi là về bóng đá thưa anh Pietersen. Cricket, đua xe đạp, điền kinh không phải sở trường của tôi".

Câu trả lời trên vẫn chưa đủ để thỏa mãn Pietersen, khi cựu đội trưởng 33 tuổi này đáp trả: "Chẳng có gì khác cả. Điều này là về đại diện cho đất nước của mình! trong bất cứ môn thể thao nào!"

Câu chuyện của Wilshere diễn ra ngay trước thềm trận đấu quan trọng với Montenegro và còn vào lúc liên đoàn bóng đá Anh FA đang cân nhắc mời tài năng trẻ Adnan Januzaj vào tuyển.

Cầu thủ mới 18 tuổi này sinh ra tại Bỉ nhưng có thể chơi cho cả Albania, Kosovo, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và cả nước Anh dựa trên luật cư trú.

Wilshere tin rằng việc sở hữu những cầu thủ gốc ngoại quốc làm giảm đi tính sắc tộc của đội tuyển.

"Khi nói về tuyển Anh, bạn nhớ về những con người dũng cảm và không ngại va chạm. Chúng ta cần phải nhớ điều đó. Để là người Anh bạn cần phải sinh ra tại Anh."


Phát ngôn của Jack Wilshere khiến nhiều người không hài lòng. (Nguồn: PA)

Quan điểm của Wilshere được ủng hộ bởi cựu danh thủ Alan Shearer, người chia sẻ với đài BBC: "Tôi cũng đồng tình rằng để khoác áo đội tuyển, bạn cần sinh ra ở Anh. Adnan Januzaj có vẻ như là một tài năng trẻ xuất chúng, nhưng bạn mới sống ở đây năm năm không có nghĩa rằng bạn có thể chơi cho đội tuyển."

Trong khi đó, chủ tịch FA là Greg Dyke lại tuyên bố hôm 9/10 rằng Wilshere đã đi quá xa và nếu theo quan điểm của cầu thủ Arsenal thì Farah sẽ chẳng bao giờ tham gia đội điền kinh nước Anh tại Olympic London vừa qua.

"Ý tưởng một người không sinh ra ở đất nước này và không thể chơi cho chúng tôi là vô lý, nhưng họ cần phải ở đây bao lâu? Trước tiên bạn cần nhìn vào FIFA để xem luật của họ. FA đang xem xét những gì chúng tôi thấy là hợp lý."

Rất nhiều vận động viên sinh ra ở nước ngoài đại diện cho nước Anh rất nhạy cảm trước những ý kiến cho rằng họ thiếu cống hiến hơn những đồng nghiệp bản địa. Đây không chỉ là vấn đề của riêng thể thao Anh. Hồi đầu năm nay, vận động viên Fawad Ahmed gốc Pakistan đã đại diện cho Australia sau khi xin tị nạn tại đây.

Ở Wolrd Cup 2010, rất nhiều cầu thủ tuyển Đức như Ozil, Khedira, Klose, Poldoski ... đều không phải người gốc Đức thuần chủng.

Quốc Thịnh
theo Vietnam+

Từ khóa: