Sự kiện hot
12 năm trước

Khi các cầu thủ Euro bị bệnh... "chim sệ cánh"

Nhiều ngôi sao bóng đá ở kỳ Euro này bị bệnh “chim sệ cánh” vì chính gánh nặng vinh quang của bản thân và các CLB.

Nhiều ngôi sao bóng đá ở kỳ Euro này bị bệnh “chim sệ cánh” vì chính gánh nặng vinh quang của bản thân và các CLB.

Cơn lốc yếu

Màn trình diễn không thể tệ hại hơn của Robben khi đội tuyển Hà Lan gặp Đan Mạch chỉ được thanh minh phần nào khi Robben có được một kỷ lục trong cuộc đời cầu thủ của mình: Thêm 1,5 giờ tại Euro trong trận đấu đầu tiên, cầu thủ này đã có tròn 150 giờ thi đấu trong mùa bóng 2011 – 2012.

Barry - “máy quét” của đội tuyển Anh đã không thể tham dự EURO 2012.

Không chỉ Robben mà rất nhiều các cầu thủ, các ngôi sao Hà Lan đã có một mùa giải vinh quang và... kiệt sức. Van Persie - vua phá lưới, cầu thủ xuất sắc nhất Giải Ngoại hạng Anh... quả thực đến “đỡ bóng còn chẳng nổi” khi đứng trước khung thành của Đan Mạch.

Huntelaar (vua phá lưới Bundesliga) còn không có được một cơ hội nào rõ rệt trong cả một trận đấu dài 90 phút. Những “chú chim sệ cánh” trong màu áo da cam quá nhiều, họ đều là trụ cột của các CLB hàng đầu châu Âu và khi đến với Euro năm nay, sự mệt mỏi đã thể hiện rõ trong lối chơi.

Điểm sáng duy nhất bên phía Hà Lan ở trận đấu ra quân chính là Sneijder cũng đã mất đi 50% sức mạnh khi không có được một cú sút xa (sở trường của cầu thủ này) chính xác nào. Sneijder rõ ràng là mệt mỏi khi Inter hiện này vẫn đang sử dụng lối chơi mà người hâm mộ gọi là “lối chơi 1 người”, sự thăng trầm, hay dở của Inter được dồn hết lên vai cầu thủ số 10 của Hà Lan, Sneijder bị “sệ cánh” cũng là điều dễ hiểu.

Bùng phát dịch

Đội Đức sau cuộc cách mạng về lối chơi đang sở hữu đội hình đồng đều và nhiều ngôi sao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, 7 cầu thủ Bayer Munich đá chính cho đội tuyển Đức vừa phải chịu đựng một mùa giải dài nhất trong cuộc đời: Họ vào đến tận hai trận chung kết (Champions League và Cúp Quốc gia). Chính vì thế, chiến thắng tất cả 1 – 0 của họ trước Bồ Đào Nha không mang dấu ấn của các ngôi sao (cho dù Gomes có ghi bàn).

“Sự bành trướng của các CLB sẽ giết chết Euro”.

Ở một đội bóng hiếm ngôi sao và những ngôi sao ấy lại quá lớn như Bồ Đào Nha, căn bệnh này mới thực sự là nỗi ám ảnh. Nhìn Ronaldo thi đấu vật vờ trong trận đấu vừa qua, người ta có thể hoàn toàn thông cảm cho kỳ phùng địch thủ Messi của CR7. Khi Messi qua 2 lần cùng Argentina thi đấu ở Copa America và World Cup không ghi nổi một bàn thắng, nhiều người đã cho rằng đó là trò đùa của số phận, nhưng nói thật ra đó là di chứng của bệnh... “chim sệ cánh”. Ngôi sao thứ hai của Bồ Đào Nha là Nani cũng quá khốn khổ sau cả một mùa giải chạy đua cùng Man đỏ trước sự cạnh tranh của Man xanh.

Những cầu thủ của đội hình tỷ đô xứ bò tót cũng khó lòng thoát khỏi căn bệnh trầm kha này. Lối đá ti qui – taca của Barca trong cả một mùa giải dài dằng dặc, đầy căng thẳng sẽ khiến 7 cầu thủ của họ trong đội tuyển Tây Ban Nha vác những đôi chân rã rời đến Ba Lan.

Với tuyển Anh thì căn bệnh này không cần khám cũng đã thấy “biểu hiện lâm sàng” rồi. “Người không phổi” Lampard thậm chí còn không đến nổi vòng chung kết kỳ này sau một mùa giải “bầm giập” để mang về chiếc Cúp Champions League cho tỷ phú Roman Abramovich, “máy quét” Barry cũng không đủ sức phục vụ tuyển Anh. “Người không phổi” và “máy quét” còn thế thì những Rooney, Walcott... mùa giải này khó có thể có thể lực sung mãn sau một năm chạy như điên trên các sân cỏ nước Anh...

theo Dân Việt

Từ khóa: