Sự kiện hot
10 năm trước

Khó khăn trong bố trí đất xây trường học ở huyện đảo Phú Quốc

Những năm qua, trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều trường học phải di dời, giải tỏa để “nhường chỗ” cho các công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng tại đây.


Tuyến đường Dương Đông-An Thới tại Phú Quốc. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Điều đáng nói là nhiều trường học sau khi di dời phải mượn đất của người dân để xây dựng tạm, nay sắp đến hạn phải trả mà chính quyền địa phương vẫn chưa bố trí được đất để xây dựng cố định.

Trường tiểu học Cửa Dương 2 (xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc) bị giải tỏa để xây dựng tuyến đường Dương Đông-Bãi Thơm. Năm 2010, sau khi giải tỏa, trường phải xây dựng tạm bợ trên phần đất mượn của người dân để lấy chỗ cho học sinh học tập. Đến hết năm học 2014-2015, trường phải trả lại đất cho dân.

Trường tiểu học Cửa Dương 2 hiện có 6 phòng được xây dựng theo kết cấu lắp ghép lợp bằng mái tôn, trong 6 phòng đó, 4 phòng dành cho học sinh tiểu học, một phòng dành cho các em mẫu giáo và một phòng để thiết bị.

Hiện tại, 150 em học sinh của trường (bao gồm 1 lớp mẫu giáo) đang phải học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất lụp xụp, thiếu thốn, không có sân bãi để các em vui chơi và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Căn phòng có diện tích 24m2 là nơi làm việc của toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường, mỗi khi họp hành lại phải kéo nhau ra hành lang vì không có chỗ ngồi.

Thầy Huỳnh Văn Dũng, Hiệu trưởng trường tiểu học Cửa Dương 2 cho biết do là nhà lắp ghép nên vào mùa khô các phòng học đều rất nóng nực, còn vào mùa mưa thì tiếng ồn rất lớn làm giảm chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng học tập của các em.

Trường rất khó khăn trong việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cũng như là phong trào trường học xanh-sạch-đẹp. Trong khi đó chỉ còn một năm học nữa là hết thời hạn mượn đất, thầy và trò đang lo lắng không biết sẽ dạy và học ở đâu.

Thực trạng hiện nay của trường tiểu học Cửa Dương 2 cũng khiến cho các bậc phụ huynh có con em theo học tại đây không khỏi lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Trang, xã Cửa Dương, có con đang theo học tại trường cho biết: “Xung quanh trường học trên đó toàn là rừng, con tôi đi học thường xuyên bị muỗi đốt. Với lại con nít nên cũng thường xuyên đùa giỡn với bạn bè, trong khi tại trường toàn là đá, cống, mương… là cha mẹ nên tôi cũng rất lo lắng. Tôi mong làm sao có cái trường tươm tất, sạch sẽ, an toàn cho con mình đi học thì tôi mới yên tâm.”

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, trên địa bàn huyện hiện có hai trường học đã di dời hiện đang mượn đất của dân để xây tạm, chưa được tái lập trường và nhiều xã chưa có trường mầm non. Thời điểm xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện Phú Quốc, có nhiều trường, điểm trường nằm trong khu quy hoạch phải di dời.

Nhưng các nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án nên chưa lường trước được thời gian phải di dời trường, dân cư sẽ tập trung vào khu vực nào, vì vậy chưa đưa vào quy hoạch sử dụng đất và phát triển trường học cho phù hợp.

Mặt khác, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học chưa cập nhật kịp thời với quy hoạch phân khu đô thị Dương Đông và An Thới vừa được phê duyệt và công bố ngày 13/6/2014.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc đã có tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp học của huyện.

Điều này cũng có nghĩa là đến giờ này, các cấp có thẩm quyền mới chỉ dừng lại ở việc cho phép Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới trường, lớp học cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Còn thời gian bổ sung quy hoạch, địa điểm xây dựng trường, thời gian xây dựng… thì vẫn chưa ai biết.

Trong khi đó, thời điểm bước vào năm học 2014-2015 đã cận kề, thầy và trò trường tiểu học Cửa Dương 2 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất, đối mặt với nỗi lo không biết hết năm học này thầy sẽ dạy ở đâu, trò sẽ học ở đâu?.

Bùi Trường Giang
theo Vietnam+

Từ khóa: