Sự kiện hot
12 năm trước

Không ai mua cổ phần VNI, vì sao?

10% cổ phần của CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI) được chào bán, nhưng không NĐT nào đăng ký mua, vì sao?

10% cổ phần của CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI) được chào bán, nhưng không NĐT nào đăng ký mua, vì sao?

VNI có vốn điều lệ 500 tỷ đồng

Không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá, đồng nghĩa với kế hoạch bán toàn bộ 10% vốn tại CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI) ngày hôm nay (29/2) của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) bất thành. Trong khi đó, VNI là doanh nghiệp đầu tiên trong lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của TKV trong năm 2012 tại 4 doanh nghiệp, với tổng giá trị 216,8 tỷ đồng.

Cụ thể, ngoài VNI, TKV sẽ thực hiện bán phần vốn tại 3 doanh nghiệp khác là CTCP Đường cao tốc BECD (Trung Lương - Cần Thơ, TKV tham gia 10,5 tỷ đồng, chiếm 10%), CTCP Khu kinh tế Hải Hà (TKV tham gia 47,8 tỷ đồng, chiếm 01%) và Quỹ Đầu tư Việt Nam (TKV tham gia 48 tỷ đồng). Với dự án BECD, TKV đã hoàn tất các thủ tục và báo cáo Thủ tướng quyết định cho thoái vốn (dự kiến bàn giao vốn cho Cục Quản lý đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải).

Trước đó, TKV đã hoàn tất thoái vốn tại 4 doanh nghiệp. Một là CTCP Vonfram Đắc Nông, TKV tham gia 10,87 tỷ đồng, chiếm 29%, giá chuyển nhượng 15,66 tỷ đồng. Hai là CTCP Cảng Hà Tĩnh, TKV tham gia 16,2 tỷ đồng, chiếm 36%, giá chuyển nhượng 16,2 tỷ đồng, bằng giá trị sổ sách sau khi trả cổ tức. Ba là CTCP Bất động sản Hà Tây, TKV tham gia 4 tỷ đồng, chiếm 40%, giá chuyển nhượng 4,6 tỷ đồng. Bốn là CTCP Quốc tế Long Thành, TKV tham gia 7,5 tỷ đồng, giá chuyển nhượng 7,5 tỷ đồng, sau khi Công ty trả cổ tức 1,7 tỷ đồng.

VNI có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, TKV là một trong những cổ đông sáng lập bên cạnh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, nắm 20% vốn) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama, nắm 10% vốn). Sau TKV, Lilama cũng sẽ tiến hành thủ tục thoái toàn bộ vốn tại VNI.

Trước đó, TKV đã tổ chức buổi roadshow cho cuộc đấu giá tại VNI. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, đó mới chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin, chưa có một dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, đủ tầm trong việc kiếm tìm đối tác thực sự có nhu cầu mua và có cam kết mua trước khi diễn ra đấu giá, giống như cách làm tại nhiều cuộc IPO lớn. Đơn vị tư vấn ở đây là CTCK SHS, theo hợp đồng ký với TKV cũng chỉ đảm nhận dịch vụ tư vấn thủ tục, chứ không làm đại lý hay bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, đây là 1 lô bán cổ phần không nhỏ (50 tỷ đồng mệnh giá) và giá giao dịch cổ phiếu VNI trên thị trường đang xấp xỉ với giá bán đấu giá (cũng bằng giá mua tại thời điểm IPO lần đầu VNI).

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế công tác bán vốn này, ông Trần Đình Dũng, Phó phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp và bảo lãnh phát hành SHS cho rằng, phần vốn đem bán trên vẫn chưa đủ lớn để hấp dẫn NĐT. Bởi ngay trong và sau cuộc roadshow bán vốn tại VNI, có không ít tổ chức tài chính quan tâm muốn mua lại phần vốn này, nhưng còn e ngại vì muốn mua với tư cách cổ đông chiến lược, tỷ lệ nhiều hơn thế.

Với khoản lãi ước đạt 37 - 38 tỷ đồng trong năm 2011, lại có cổ đông lớn, đại diện VNI cho rằng, TKV sẽ không khó thoái vốn tại VNI, vấn đề là cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV cho hay, TKV đang làm theo đúng lộ trình của một cuộc đấu giá thông thường. Còn về cách thức tổ chức nhằm đảm bảo tính thành công cho các đợt thoái vốn sắp tới, TKV đang nghiên cứu xem xét.

 Diệu Minh
Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: