Sự kiện hot
12 năm trước

Ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài: Đề phòng rủi ro pháp lý

Để giảm thiểu rủi ro trong các hợp đồng quốc tế, doanh nghiệp cần am hiểu luật pháp và chủ động xây dựng hợp đồng trước khi đàm phán và ký kết.

Để giảm thiểu rủi ro trong các hợp đồng quốc tế, doanh nghiệp cần am hiểu luật pháp và chủ động xây dựng hợp đồng trước khi đàm phán và ký kết.

Rủi ro thường hay gặp nhất là tranh chấp về chất lượng, sở hữu trí tuệ và bảo hiểm. Ảnh: Đ.T

Khoản tiền 5 triệu USD mà Công ty Vinafood II bị phạt do không thực hiện được việc giao gạo cho đối tác nước ngoài; hay khoản phí do thua kiện lên đến 1,54 triệu USD mà Công ty Centrimex phải gánh vì từ chối nhận lô phân bón từ Đức… sẽ chưa phải là những khoản thua thiệt cuối cùng mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu, nếu doanh nghiệp còn lơ là trong việc phòng ngừa các rủi ro về mặt pháp lý khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Thơ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Nha Trang, rủi ro thường hay gặp nhất là những tranh chấp về chất lượng, sở hữu trí tuệ và bảo hiểm. Để tránh những rủi ro đó, ông Thơ khuyến cáo, trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp nên thẩm định năng lực tài chính, uy tín và cách giải quyết các tranh chấp trước đó của đối tác. "Cách thức xử lý tranh chấp trước đó của đối tác sẽ cho biết đối tác có thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp hay không", ông Thơ phân tích.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi ký được hợp đồng giá tốt đã không mấy quan tâm đến những vấn đề khác, mà hậu quả của việc xem nhẹ này có khi phải trả giá rất đắt. Luật sư Thơ nêu ra ví dụ là nhiều doanh nghiệp bị đối tác nước ngoài ép giá sau khi đã đầu tư khá nhiều vốn để sản xuất một mặt hàng mang tính chuyên ngành nào đó. Lúc đó, nếu đối tác "giở bài", doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải chấp nhận giá bán rẻ vì một lý do vu vơ nào đó, vì sản phẩm không thể bán cho bên thứ ba nào khác.

Nguyên nhân của tình trạng trên có thể bắt nguồn từ cách xây dựng hợp đồng theo kiểu truyền thống, đó là các bên ngồi với nhau đàm phán các điều khoản và cuối cùng đưa ra nội dung hợp đồng chung. Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước nội dung đàm phán nhằm chủ động trong quá trình đàm phán. Việc chủ động này cũng giúp doanh nghiệp lường trước những tình huống rủi ro có thể phát sinh khi đàm phán hợp đồng.

Bên cạnh đó, các luật sư lưu ý trường hợp đối tác cài vào văn bản hợp đồng những nội dung gây bất lợi khi thấy doanh nghiệp không có kinh nghiệm. Nếu doanh nghiệp không xem xét kỹ hoặc không có kinh nghiệm mà bỏ qua các điều khoản cài cắm này, rủi ro sẽ thể hiện ngay trên hợp đồng. Những trường hợp như vậy xảy ra rất nhiều trong các hợp đồng bảo hiểm.

Là người xử lý nhiều vụ kiện liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, Luật sư Phan Thùy Anh (Công ty Luật Vilaf Hồng Đức) nhấn mạnh: "Trong các hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp cần quan tâm đến phạm vi bảo hiểm và những điều khoản loại trừ, vì ngôn ngữ trong hợp đồng bảo hiểm thường trúc trắc, nếu doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ, thì sẽ khó đòi được quyền lợi khi tranh chấp xảy ra. Nếu doanh nghiệp không hiểu điều khoản nào, thì việc nên làm là yêu cầu bên bảo hiểm giải thích rõ nội dung đó".

Để giảm thiểu rủi ro khi ký kết hợp đồng, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần am hiểu luật pháp, quy định chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp lớn cần có bộ phận chuyên trách về luật để xử lý các tình huống phát sinh.

Còn trong tình huống đã xảy ra tranh chấp hợp đồng quốc tế, theo Luật sư Phan Trọng Đạt, Thư ký cho hàng loạt vụ tranh chấp quốc tế của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là phương thức được nhiều nhà kinh doanh trên thế giới lựa chọn bởi tính chuyên nghiệp.

"Điều lưu ý là, cần nêu rõ trong hợp đồng rằng, mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng sẽ được giải quyết bởi trung tâm trọng tài cụ thể, theo quy tắc tố tụng của trung tâm này, tuyệt đối không ghi là giải quyết bằng trọng tài hoặc tòa án, bởi như vậy sẽ dẫn đến hậu quả là cả trọng tài và tòa án đều không thể tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp", ông Đạt khuyến cáo.

Hải Hà
Theo Dau tu


Từ khóa: