Sự kiện hot
12 năm trước

Kỳ vọng tháng 11

Tỷ giá hạ nhiệt, giá vàng trong nước chỉ còn cách giá thế giới 300.000-500.000 đồng/lượng và mức tăng CPI tháng 10 thấp nhất từ đầu năm đến nay đang hỗ trợ cho chứng khoán. Trong khi đó dường như những thông tin tiêu cực đã phản ánh vào sự chiết khấu của giá cổ phiếu. Giới đầu tư đang kỳ vọng chứng khoán tháng 11 sẽ có chuyển biến tích cực.

Tỷ giá hạ nhiệt, giá vàng trong nước chỉ còn cách giá thế giới 300.000-500.000 đồng/lượng và mức tăng CPI tháng 10 thấp nhất từ đầu năm đến nay đang hỗ trợ cho chứng khoán. Trong khi đó dường như những thông tin tiêu cực đã phản ánh vào sự chiết khấu của giá cổ phiếu. Giới đầu tư đang kỳ vọng chứng khoán tháng 11 sẽ có chuyển biến tích cực.

Tháng 3-2011 chứng khoán phục hồi sau khi tỷ giá thị trường tự do rơi từ 22.000 đồng/đô la Mỹ về 21.000 đồng và tiếp đó là dưới 21.000 đồng/đô la Mỹ. Trước đó không lâu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ quản lý thị trường vàng theo hướng hạn chế và tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng.

Hiện tại có những sự trùng hợp của chuyển động vĩ mô so với tháng 3: thứ nhất tỷ giá liên ngân hàng đã rớt mạnh từ 21.900 đồng về 21.300 đồng/đô la Mỹ và sẽ còn giảm nếu NHNN tiếp tục can thiệp linh hoạt; thứ hai NHNN đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và theo những quy định mới sẽ chỉ có Công ty SJC đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng, đồng thời hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ bị thu hẹp. Khi ấy sự chênh lệch giá vàng nội - ngoại sẽ không còn và dòng tiền đầu cơ có thể rời bỏ vàng để chảy vào chứng khoán.

Thực tế giá cổ phiếu đã ở mức rất thấp và cho dù kết quả kinh doanh quí 3 của một số doanh nghiệp không sáng sủa, những người đang nắm giữ cổ phiếu đã không còn trong tình trạng cố bán ra bằng được. Lập luận của họ: nếu doanh nghiệp có lãi, làm sao cổ phiếu có giá 4.000-5.000 đồng. Chưa kể nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi, vẫn chia cổ tức bằng tiền mà giá cũng chỉ 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra năm nay doanh nghiệp lỗ, nhưng năm sau hoặc năm sau nữa có thể có lãi. Nhìn về tương lai trong vòng 6-12 tháng tới, VN-Index có lẽ sẽ không còn ở vùng 400 điểm.

Vậy điều gì đang cản trở thị trường lên điểm? Giới nghiên cứu cho rằng đó là dòng tiền, hay nói cách khác là các tổ chức nội đang đứng ngoài thị trường. Các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong nước tiếp tục “ôm” tiền mặt (tự doanh) gửi ngân hàng hưởng lãi. Một số công ty có các khoản phải thu lớn bắt buộc bán giải chấp thu hồi nợ. Thí dụ dư nợ hiện tại của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) là 1.430 tỉ đồng và sẽ giảm xuống 1.000 tỉ đồng vào cuối năm. Nếu khách hàng của TLS trả được nợ bằng cách trả tiền cho công ty thì không có gì để nói. Nhưng nếu nhà đầu tư không còn gì để trả, TLS chắc chắn phải giải chấp để dư nợ bớt đi hơn 400 tỉ đồng. Một vài công ty khác không hỗ trợ tài chính trực tiếp cho khách hàng như TLS, nhưng lại đứng ra làm trung gian để ngân hàng cho nhà đầu tư vay tiền bằng cách thế chấp cổ phiếu. Việc giải chấp cũng vẫn xảy ra khi ngân hàng thu nợ đến hạn và công ty chứng khoán được lệnh phải bán cổ phiếu.

Trong khi đó, các quỹ nước ngoài đã ngừng giải ngân khoảng tám tháng nay. Trong các bản báo cáo dành cho quỹ ngoại, các tổ chức nước ngoài đều cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa ở đáy và theo họ tiền đồng có thể mất giá thêm 5% nữa cho đến giữa năm sau. Bốn năm đi xuống vừa qua của VN-Index dường như chưa kết thúc một khi niềm tin vào giá trị đồng nội tệ chưa thật sự vững chắc. Thực ra, làm sao các quỹ đầu tư có thể gọi thêm vốn khi lạm phát năm nay ở mức hai con số và năm sau được dự báo ở mức 10%? Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) dự đoán CPI tháng 11 có thể tăng nhẹ trở lại ở mức 0,6% so với tháng 10 và tháng 12, theo chu kỳ mùa vụ, có thể tăng khoảng 1%.

Một lý do khác khiến các tổ chức đầu tư thận trọng là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2012 được dự báo ở mức 12-15%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Sự kiểm soát ngặt nghèo tín dụng và cung tiền là bài học kinh điển mà quốc gia nào cũng phải trải qua để chống lạm phát. Điều này có nghĩa chính sách vĩ mô đang vận hành đúng hướng. Tuy nhiên, nó cũng phát đi tín hiệu chứng khoán chưa có động lực cao để tăng trưởng.

Có chăng kỳ vọng tháng 11? Có lẽ nên hiểu kỳ vọng ở đây là sự khó có thể giảm sâu hơn được nữa của cổ phiếu nói chung và sẽ có sự phân hóa cũng như tăng trưởng đối với những doanh nghiệp biết vượt qua khó khăn. Những đơn vị trong ngành lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất xuất khẩu nông lâm thủy hải sản đang hoạt động ổn định với lợi nhuận cao đang và sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Kỳ vọng như vậy sẽ giúp thu hút dòng tiền nhàn rỗi thực sự chảy vào chứng khoán, tuy có thể chậm chạp, nhưng là sự chậm chạp chắc chắn. 

Lưu Hảo
Theo TBKTSG

Từ khóa: