Sự kiện hot
5 năm trước

Làm sao để doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn?

Sáng 2/4, tòa soạn báo Thanh Niên đã tổ chức buổi hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” với mong muốn là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với các tổ chức xã hội, giữa doanh nghiệp với các quỹ đầu tư cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau.

Buổi hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế. Đây là dịp để các doanh nghiệp có dịp trao đổi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn chia sẻ các khó khăn, đề xuất các giải pháp để tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.

Cùng với tiến trình hội nhập của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng ngày một lớn mạnh. Nếu trước đây, các doanh nghiệp trong nước được ví là “đội thuyền thúng” thì giờ đây, nhiều công ty trong nước không chỉ dẫn dắt thị trường nội địa mà còn vững vàng tiến ra thế giới; gọi hàng trăm triệu USD vốn từ các quỹ nước ngoài; không ít công ty trở thành đối tác chiến lược của các thương hiệu lớn của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật và Châu Âu…

Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế.

Theo đại diện Quỹ đầu tư Creed Group, Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, chăm chỉ, bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển do đó các đối tác Nhật sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín để đầu tư, “Nếu bạn không có uy tín sẽ bị đào thải”.

Để phát triển doanh nghiệp và huy động vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc An Gia Investment cho rằng, cần xây dựng niềm tin. Phải khiến đối tác tin tưởng, dựa trên sự hợp tác chân thành. Một khi đã có được sự tin tưởng lẫn nhau thì quá trình gọi vốn sẽ trở nên dễ dàng.

“Thời gian qua NHNN đã tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tham gia nhiều chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở KHĐT, nhiều thủ tục hành chính đã được cải thiện, có thủ tục chỉ cần đi một lần là hoàn thành. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải khi tham gia đầu tư trong nước vẫn là các thủ tục hành chính.

Trải qua 33 năm từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ. Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần, đưa kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

Phan Vượng – Anh Hào

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: