Sự kiện hot
6 năm trước

Lào Cai: Lộ tẩy những dấu hiệu sai phạm to đùng tại dự án Chợ văn hóa – Bến xe khách Sa Pa?

Những sai phạm động trời trong quá trình thực hiện dự án Chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa và sự mập mờ tại dự án Đồi Thông đã đầy người dân vào tình trạng kiện tụng kéo dài.

Liên quan những kiến nghị của người dân ở thị trấn về những uẩn khúc trong quá trình thu hồi đền bù, tái định cư tại dự án Chợ văn hóa – Bến xe khách Sa Pa, Bí thư huyện ủy huyện Sa Pa kiên quyết chỉ đạo xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân có diện tích đất bị thu hồi.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Hài, Bí thư huyện ủy Sa Pa cho biết: “Quan điểm của huyện là giải quyết dứt điểm những tồn đọng tại dự án Chợ văn hóa - bến xe khách Sa Pa trên tình thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo lợi ích của người dân cao nhất".

Tuy nhiên đến nay người dân thuộc diện bị thu hồi để thực hiện dự án tại thị trấn Sa Pa vẫn không đồng tình ủng hộ với cách làm việc của UBND huyện Sa Pa chủ đầu tư dự án này.

Dựa vào hồ sơ tài liệu và quá trình tìm hiểu, phóng viên Pháp luật Plus được biết: Năm 2004, quy hoạch chi tiết dự án chợ văn hóa  - bến xe khách Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 213/2004/QĐ-UB, ngày 4/5/2004.

Toàn bộ dự án có tổng diện tích là 68,2ha, chủ đầu tư là UBND huyện Sa Pa. Khu vực thực hiện dự án nói trên nằm ở đầu thị trấn Sa Pa, tiếp giáp ngã ba Quốc lộ 4D và đường vào thị trấn.

Tiếp đến, ngày 30/9/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2527/QĐ-CT, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng chợ văn hóa – bến xe khách thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa”, chủ đầu tư dự án vẫn là UBND huyện Sa Pa.

Trụ sở UBND tỉnh Lào Cai nơi xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa dẫn tới việc người dân không đồng tỉnh ủng hộ kiện tụng kéo dài.

Trụ sở UBND tỉnh Lào Cai nơi xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa dẫn tới việc người dân không đồng tỉnh ủng hộ kiện tụng kéo dài.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 72 tỷ 495 triệu đồng. Diện tích triển khai hơn 30,11ha, trong đó hợp phần xây dựng chợ và bến xe chỉ có 1,26ha.

Tuy nhiên, do không có kinh phí, dự án không được triển khai đúng tiến độ. Chưa đầy chín tháng sau, ngày 20/6/2005, bằng Quyết định số 1485/QĐ-UBND, dự án bất ngờ được UBND tỉnh Lào Cai giao cho một nhà đầu tư là Công ty TNHH xây lắp Cương Lĩnh (công ty Cương Lĩnh) theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Quỹ đất được giao cho nhà đầu tư tự kinh doanh (đất dịch vụ, nhà ở liền kề và biệt thự nhà vườn) để thu hồi vốn là hơn 10,6ha.

Sau khi đã hoàn chỉnh hạ tầng, diện tích này được định giá khoảng 94 tỷ đồng. Đó là giá đất được tính tại thời điểm tháng 7/2004.

Lào Cai: Lộ tẩy những dấu hiệu sai phạm

Khu đất và nhà cấp 4 của ông Đoàn Văn Mạc trước khi bị cưỡng chế.
Khu đất và nhà cấp 4 của ông Đoàn Văn Mạc trước khi bị cưỡng chế.

Việc UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số 84/CV-UB, ngày 3/2/2004 giao đất cho Công ty Cương Lĩnh theo hình thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật vì thời điểm đó Luật Đất đai 2003 chưa có hiệu lực, việc áp dụng vẫn phải căn cứ Luật Đất đai 1993 và các văn bản liên quan.

Lúc này, chủ đầu tư và nhà đầu tư tiến hành các công đoạn đầu tiên là kiểm đếm, định giá đền bù GPMB đã xuất hiện nhiều khúc mắc.

Nhiều diện tích không được đo đạc chính xác, xác định chủ hộ sở hữu đất dựa trên hợp đồng mua bán điện…Đơn vị được chấp thuận đầu tư vào dự án là công ty Cương Lĩnh được giao dự án không qua đấu thầu, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Điều này trái với Luật Đất đai 2003, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP. Công ty Cương Lĩnh cũng không được cấp thẩm quyền đánh giá năng lực đầu tư.

Việc UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định 1485/QĐ-UBND, ngày 20/6/2005 căn cứ vào Điều 23 - Nghị định số 04/2000/NĐ-CP, ngày 11/2/2000 là trái pháp luật vì tại thời điểm ban hành, Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực pháp luật (ngày 1/7/2004).

Tiếp đến ngày 29/8/2008, UBND tỉnh Lào Cai lại bất ngờ ban hành Quyết định số 2404/QĐ-UBND về việc chuyển giao thực hiện dự án từ Công ty Cương Lĩnh cho Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai (công ty VIDIFI).

Theo tìm hiểu của phóng viên Pháp luật Plus, Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai (công ty VIDIFI) là một công ty mới được cấp đăng ký kinh doanh ngày 21/1/2008, thời điểm đó đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc là ông Vũ Cương Lĩnh.

  Thông tin về Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai (công ty VIDIFI).   (Ảnh: Internet.)

Thông tin về Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai (công ty VIDIFI)
(Ảnh: Internet.)

Mặc dù mới được thành lập và đăng ký kinh doanh, chưa hề có kinh nghiệm thực hiện các dự án nhưng không hiểu vì lý do gì UBND tỉnh Lào Cai vẫn vô tư giao dự án cho công ty VIDIFI Lào Cai.

Nghiêm trọng hơn ngày 19/9/2011, tại Quyết định số 2361/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Vịnh khi đó là nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai hiện nay ông Nguyễn Văn Vịnh là Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị Đồi Thông và giao thẳng cho công ty VIDIFI thực hiện mà chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa lập dự án.

Được biết, tổng diện tích dự án Đồi Thông là 63ha, bao gồm hơn 30ha dự án chợ văn hóa – bến xe khách đã quy hoạch trước đó.

Cũng theo Quyết định số 2361/QĐ-UBND thì mục đích của quy hoạch chi tiết khu đô thị Đồi Thông này là “hình thành một khu đô thị với chức năng chính là khu nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng, cửa hàng thương mại, nhà hàng đi kèm bảo đảm các yêu cầu, tiêu chí dịch vụ.

Với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu phát triển của một đô thị trong giai đoạn trước mắt cũng như tương lai”.

Điều đáng bàn tại quyết định số 2361/QĐ-UBND, trong số gần 33ha quy hoạch mở rộng làm khu đô thị, có hơn 4,2ha dành cho nhà đầu tư phân lô, bán nền, xây biệt thự, nhà vườn với mục đích kinh doanh thương mại; hơn 10ha cũng giao cho doanh nghiệp xây dựng khu du lịch sinh thái.

Như vậy, sau lần quy hoạch lại này, tổng diện tích đất ở thương mại được UBND tỉnh Lào Cai giao cho nhà đầu tư là hơn 15ha.

Diện tích này được nhà đầu tư chia thành 272 lô biệt thự nhà vườn, 226 lô nhà liền kề với mục đích thương mại, nguồn vốn đầu tư vẫn được lấy từ nguồn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) Chợ văn hóa – bến xe khách Sa Pa.

Đến lúc này, công trình chợ văn hóa và bến xe khách Sa Pa, thuộc dự án cùng tên, được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt từ năm 2004, vẫn nằm trên giấy.

Ngoài ra, tại Quyết định 2361/QĐ-UBND ngày 19/9/2011, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Đồi Thông gồm 63ha (bao gồm cả 30ha dự án chợ - bến xe khách Sa Pa) nhưng điều chỉnh giảm quỹ đất xây dựng trường học từ 14.500m2 còn 3.722m2 nhằm tăng diện tích đất xây dựng nhà ở thương mại.

Căn cứ vào quyết định này, UBND huyện Sa Pa đã tự ý tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của nhiều hộ gia đình nằm ngoài chỉ giới 30ha dự án chợ - bến xe khách.

Nên nhớ rằng, Quyết định 2361/QĐ-UBND mới chỉ là quyết định phê duyệt quy hoạch dự án, tỉnh Lào Cai chưa lập dự án, chưa có quyết định phê duyệt dự án....!

Trụ sở UBND huyện Sa Pa nơi xảy ra việc cưỡng chế thu hồi giải phóng mặt bằng dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách thị trấn Sa Pa có nhiều uẩn khúc cần được làm rõ.
Trụ sở UBND huyện Sa Pa nơi xảy ra việc cưỡng chế thu hồi giải phóng mặt bằng dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách thị trấn Sa Pa có nhiều uẩn khúc cần được làm rõ.

Như vậy có thể thấy rằng, từ UBND tỉnh Lào Cai đến UBND huyện Sa Pa chủ đầu tư dự án đã cố tình "đánh lận con đen", mập mờ giữa hai dự án để tiến hành thu hồi đất của người dân nhưng không nhận được sự ủng hộ đồng tình của người dân thị trấn Sa Pa nằm trong diện bị thu hồi dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Để làm rõ những phản ánh, kiến nghị của người dân về những uẩn khúc trong việc UBND huyện Sa Pa mập mờ giữa hai dự án xây dựng chợ - bến xe khách Sa Pa và dự án Đồi Thông để tiến hành thu hồi cưỡng chế đất của người dân, ngày 20/9/2018  phóng viên Pháp luật Plus đã đến trụ sở UBND tỉnh Lào Cai, Sở giao thông xây dựng tỉnh Lào Cai, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lào Cai để liên hệ làm việc.

Ngày 21/9/2018, ông Phùng Đức Hòa, Trưởng phòng thẩm định đấu thầu - Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết: “ Dự án Chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa do UBND huyện Sa Pa làm chủ đầu tư nên hồ sơ tài liệu anh em (tức –PV) cứ xuống liên hệ với UBND huyện Sa Pa sẽ cung cấp đầy đủ thông tin.

Bản thân dự án này thực hiện từ lâu rồi vừa rồi đồng chí trưởng ban cũ đã chuyển công tác. Sở kế hoạch đầu tư chỉ là 1 quy trình nhỏ về thẩm định dự án chứ Sở kế hoạch đầu tư cũng không liên quan gì đến việc đền bù giải phóng mặt bằng cả.

Phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về giấy chứng nhận đầu tư dự án Chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa và dự án Đồi Thông lúc này ông Hòa cho biết: “Dự án chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa do UBND huyện Sa Pa làm chủ đầu tư đã quyết toán với Sở Tài chính đưa vào sử dụng từ lâu rồi còn dự án san gạt, mặt bằng xây dựng hạ tầng chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa lại là 1 dự án khác, chúng tôi không có hồ sơ tài liệu để cung cấp kể cả dự án Đồi Thông...”.

Phóng viên đề nghị được tiếp cận giấy đăng ký kinh doanh của Công ty VIDIFI Lào Cai, lúc này ông Hòa lại lấy lý do: “Ở phòng chúng tôi không có mà ở phòng khác nên anh em sang liên hệ văn phòng và mong anh em (tức –PV) thông cảm...”!

Mặc dù phóng viên đã đến tận trụ sở đặt lịch và nội dung liên hệ làm việc từ ngày 20/9/2018 tại trụ sở UBND tỉnh Lào Cai, Sở giao thông xây dựng tỉnh Lào Cai tuy nhiên phóng viên Pháp luật Plus đã nhiều lần liên hệ làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác từ lãnh đạo tỉnh Lào Cai.

Tiếp đến ngày 1/10/2018 trao đổi qua điện thoại với phóng viên Pháp luật Plus, ông Vương Trình Quốc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Về dự án chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa và dự án Đồi Thông, việc này tôi phải xin ý kiến của Ban tuyên giáo, Thường vụ tỉnh Ủy cho ý kiến rồi sẽ báo lại sau”.

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đối với quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huện Sa Pa trong việc cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Bùi Thị Huyền.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đối với quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huện Sa Pa trong việc cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Bùi Thị Huyền.

Việc UBND huyện Sa Pa tiến hành cưỡng chế đất của một số hộ dân khi chưa đền bù thỏa đáng không nhận được sự đồng tình ủng hộ nên người dân đã khởi kiện quyết định hành chính đến Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đang thụ lý đã được Tòa án nhân tỉnh Lào Cai ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Cụ thể, ngày 17/9/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã ra quyết định số 98/2018/QĐ-BPKCTT đã đình chỉ thi hành quyết định hành chính số 999/QĐ-UBND ngày 7/9/2018 của Chủ tịch UBND huyện Sa Pa về việc cưỡng chế thu hồi đất với bà Bùi Thị Huyền tại địa chỉ tổ 2B, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là người khởi kiện trong vụ án hành chính thụ lý số 50/2018/TLST-HC ngày 2/8/2018 đối với Chủ tịch UBND huyện Sa Pa người bị khởi kiện trong vụ án này.

Vì vậy Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 69 của Luật tố tụng hành chính, Buộc Chủ tịch UBND huyện Sa Pa phải tạm đình chỉ việc thi hành quyết định số 999/QĐ-UBND ngày 7/9/2018 về việc cưỡng chế thu hồi đất.

Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ những lình xình tại Dự án chợ văn hóa bến xe khách Sa Pa, nếu phát hiện những sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đinh Quyết
Theo Pháp luật Plus

Từ khóa: