Sự kiện hot
11 năm trước

Lo lắng vì sổ liên lạc điện tử bị tin tặc tấn công

Sự việc gần 180 học sinh Trường tiểu học Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) phải nghỉ học vì tin nhắn giả mạo đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại về sự an toàn của sổ liên lạc điện tử.

Sự việc gần 180 học sinh Trường tiểu học Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) phải nghỉ học vì tin nhắn giả mạo đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại về sự an toàn của sổ liên lạc điện tử.

Theo lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), việc sử dụng sổ liên lạc điện tử hiện nay đều do thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh, chưa phải chủ trương bắt buộc của ngành nên các trường chưa quản lý sát sao.


Tin nhắn giả mạo do tin tặc đột nhập hệ thống sổ liên lạc điện tử Trường tiểu học Hạ Đình gửi cho phụ huynh học sinh. Ảnh: TL

Nghỉ học oan

“Các trường nên hạn chế sử dụng sổ liên lạc điện tử và thông báo mọi thông tin trên website của nhà trường. Như vậy, phụ huynh vừa đỡ tốn tiền và tiện lợi hơn”.

Ông Quách Tuấn Ngọc
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT)

Sáng 10/9, nhiều phụ huynh vẫn chưa hết băn khoăn về việc sổ liên lạc điện tử của Trường tiểu học Hạ Đình bị tin tặc tấn công. Trước đó, hàng trăm phụ huynh bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ hệ thống liên lạc điện tử của trường với nội dung cho học sinh nghỉ học ngày 6/9: “Trường Hạ Đình thông báo: Ngày mai 6/9 học sinh toàn trường được nghỉ học do nhà trường bận công việc đột xuất. Thứ hai, 9/9 học sinh đi học bình thường”. Ít phút sau, phụ huynh lại tiếp tục nhận được tin nhắn với nội dung nhà trường thu thêm một số khoản phí. Cụ thể: “Trường Hạ Đình tiến hành nâng cấp một số thiết bị phục vụ cho dạy học, đề nghị phụ huynh đóng góp 200.000 đồng/học sinh + 1,2 triệu đồng (gồm tiền học, bán trú, sổ liên lạc điện tử…)”. Do một số phụ huynh nghi ngờ nên đã gọi điện cho cô giáo và biết sự thật. Tuy nhiên, thời gian gấp rút và số lượng học sinh đông nên vẫn có 180 học sinh nghỉ học oan.

Theo thông tin ban đầu, kẻ gian đã đăng nhập vào hệ thống của Trường tiểu học Hạ Đình với địa chỉ IP tĩnh là 58.187.71.23 và 123.16.240.120. Trên cơ sở này, đối tượng truy cập và sử dụng số điện thoại liên lạc của phụ huynh để gửi các tin nhắn. Thậm chí, trong chiều 5/9, kẻ xâm nhập còn xuất toàn bộ danh sách học sinh trường Hạ Đình ra ngoài, nhập danh sách này vào trường Ngôi Sao và sửa lại một số số điện thoại nhằm mục đích riêng. Hiện cơ quan công an đang điều tra, truy tìm kẻ xâm nhập vào hệ thống sổ liên lạc điện tử của Trường tiểu học Hạ Đình để tung tin thất thiệt.

Sau sự việc của Trường tiểu học Hạ Đình, nhiều phụ huynh lo lắng việc tin tặc tấn công có thể gây ảnh hưởng cho học sinh trong quá trình học tập. Chị Nguyễn Thị Chín, một phụ huynh học sinh tại Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) cho biết: “Mỗi tháng tôi nộp 50.000 đồng để duy trì sổ liên lạc điện tử. Thi thoảng nhà trường mới nhắn lịch nghỉ học, nộp tiền, thái độ học tập và tiếp thu bài của con, điểm số… Nhìn chung, sổ liên lạc điện tử khá tiện lợi. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp bị giả mạo như sự việc xảy ra ở trường Hạ Đình thì chúng tôi rất bất ngờ và có thể còn bị lừa nhiều thứ nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến các cháu”.

Sẽ đề xuất cách quản lý

Sổ liên lạc điện tử là hệ thống thông tin nhằm tăng cường việc quản lý chất lượng giáo dục tại các trường học đồng thời nhằm tăng cường việc trao đổi và cung cấp thông tin giữa nhà trường và gia đình về tình hình học tập, rèn luyện của học sinh hàng ngày, hàng tuần, thông qua các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin. Phụ huynh nhận tin nhắn tự động về kết quả học tập của con em mình thông qua điện thoại di động hoặc có thể tra cứu thông tin học tập trực tuyến thông qua website của trường.

Đây là lần đầu tiên một trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân xảy ra tình trạng bị hacker tấn công vào sổ liên lạc điện tử. Để đề phòng các động thái tiếp theo của đối tượng đột nhập, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã nhắc nhở các nhà trường thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn quận chủ động có phương pháp bảo mật tài khoản, bảo vệ máy tính của đơn vị, tuyệt đối không cho người không có trách nhiệm liên quan được biết mật khẩu tài khoản đơn vị mình. Trong trường hợp phát hiện những thông tin nghi ngờ, các nhà trường phải báo cáo ngay với cấp quản lý và đơn vị cung cấp dịch vụ để kịp thời có phương án xử lý.

Còn theo Phòng Kế hoạch công nghệ thông tin (Sở GD&ĐT Hà Nội), hiện nay hệ thống sổ liên lạc điện tử chủ yếu hoạt động dựa trên thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh chứ chưa phải là chủ trương bắt buộc của ngành. Vụ việc lần này cũng là lời cảnh báo về tác hại của việc lơ là bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của các cơ sở giáo dục.

Trả lời PV Báo GĐ&XH ngày 10/9, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc sử dụng sổ liên lạc điện tử hiện nay đều do thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh nên hiện nay chưa hình thành quy định gì. Đấy là hoạt động nảy sinh của nhà trường khi các dịch vụ trên Internet nở rộ. Ngay sau sự việc này, Cục sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT có cách quản lý sổ liên lạc điện tử. Để làm được, trước mắt phải lấy số liệu của các tỉnh xem cách làm như thế nào, tiện ích ra sao, số tiền bao nhiêu… Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ ra các quy định về quản lý, chẳng hạn: phải đăng kí lấy dữ liệu như thế nào, ai đứng ra quản lý thông tin…

Lương Mỹ
theo GĐ&XH

Từ khóa: