Được trao bộ đồng phục Kebaya dành riêng cho tiếp viên nữ, điều đó đồng nghĩa với việc nhận mức lương tháng tối thiểu tương đương 56 triệu đồng, và trở thành một trong 7.000 tiếp viên của hãng hàng không Singapore. Đây là một nghề mơ ước của các cô gái chân dài ở đảo quốc Sư tử.
Được trao bộ đồng phục Kebaya dành riêng cho tiếp viên nữ, điều đó đồng nghĩa với việc nhận mức lương tháng tối thiểu tương đương 56 triệu đồng, và trở thành một trong 7.000 tiếp viên của hãng hàng không Singapore. Đây là một nghề mơ ước của các cô gái chân dài ở đảo quốc Sư tử.
Được mặc trang phục Kebaya, học viên phải trải qua nhiều môn học cơ bản về kỹ năng sống.
Có mặt trong thị trường hàng không của Việt Nam từ 20 năm nay, giới doanh nhân, khách lữ hành Việt chẳng ai xa lạ với hình ảnh những cô gái chân dài của hãng hàng không Singapore với nụ cười thật quyến rũ, duyên dáng trong chiếc xà rông Kebaya gọn gàng bó sát thân hình, tôn lên vẻ đẹp quý phái, sang trọng, đầy sức sống. Thế nhưng đằng sau vẻ đẹp từ cung cách phục vụ và ngoại hình ấy là cả một quá trình nỗ lực tuyển chọn, đào luyện, sàng lọc đầy vất vả trong lò luyện các cô gái chân dài cho hãng bay Singapore mà phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu.
Các cô gái Kebaya
Tuổi thấp nhất 18, đạt chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index) ở mức chuẩn, cao trên 1,58m… là những yêu cầu cơ bản để có thể trở thành một tiếp viên hàng không của hãng bay Singapore nếu trải qua bốn tháng đào tạo đạt chuẩn tại trung tâm Huấn luyện bay (SIA) với các môn học về kiến thức ẩm thực, thao tác phục vụ, quản lý hành khách, phong cách ăn mặc – ứng xử, kỹ năng giao tiếp, thao tác thiết bị an toàn, cứu thương…
Để có được tố chất đầy đủ của một tiếp viên hàng không chỉ trong bốn tháng, phần việc đào tạo ở SIA là một mấu chốt quan trọng. Có mặt trong lớp học của buổi sáng hôm ấy tại SIA, giảng viên Patrick Seow tại trung tâm huấn luyện bay nói với tôi: “Chúng tôi đào tạo và muốn các bạn tiếp viên trở thành một cầu nối, tiếp thị hình ảnh của Singapore với thế giới thông qua nụ cười, trang phục, các thao tác, cử chỉ… Khi họ đã khoác lên mình bộ đồng phục Kebaya, thì vai trò lúc đó không còn là một người phục vụ đơn thuần, mà là một hình ảnh của con người và đất nước Singapore”.
Ở SIA, những chi tiết nhỏ như câu chuyện bộ xà rông Kebaya cũng được chú trọng giới thiệu để các học viên hiểu được bộ trang phục họ sẽ dùng khi trở thành tiếp viên của hãng bay Singapore. Qua bốn lần thay đổi kiểu dáng, màu sắc, đến năm 1968, xà rông Kebaya ra đời chất liệu gồm 65% polyester và 35% cotton và giữ nguyên kiểu dáng cho đến nay. Một lối thiết kế được giới thời trang thẩm định là lịch lãm, không lỗi thời, hoàn hảo và phù hợp với công việc, cũng như chức năng của một tiếp viên.
Giảng viên Patrick Seow cho biết: “Các bạn ở đây khi đã được tuyển chọn vào đội ngũ tiếp viên hàng không, ngoài khoá đào tạo cơ bản ban đầu kéo dài trong bốn tháng, các bạn ấy sẽ được phục vụ trên các chuyến bay. Sau thời gian một năm kinh nghiệm, các tiếp viên đó được tuyển chọn một lần nữa thông qua sự đánh giá của đồng nghiệp, của tiếp viên trưởng về các tố chất cá nhân như cung cách và thái độ phục vụ hành khách, dựa trên các tiêu chí đó để đánh giá mức độ đóng góp cho hãng bay, và phải trải qua một cuộc phỏng vấn riêng để chọn ra những người có năng lực có thể làm tiếp viên trưởng, hoặc làm tiếp viên phục vụ trong các khoang hạng thương gia trên những chuyến bay đường dài”.
Chuyên gia phục vụ
Với hơn 100 đường bay quốc tế đến 200 thành phố của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 42 triệu khách đi và đến Singapore hàng năm, là hãng bay đầu tiên đưa vào khai thác siêu phẩm ngành hàng không là Airbus A380, bởi vậy đội ngũ chân dài phục vụ cho hãng bay này luôn phải được cập nhật các kiến thức cần thiết, đủ đẳng cấp để có thể phục vụ các thượng đế hạng thương gia trong những chuyến bay đường dài.
Một trong những kiến thức không thể thiếu đó là cung cách phục vụ rượu vang. Một đồng nghiệp chuyên trách trong lĩnh vực hàng không cho biết, hãng bay Singapore là một trong những hãng bay tập trung khá chuyên sâu vào lĩnh vực rượu vang phục vụ trên máy bay khi mỗi năm mời chuyên gia thẩm định khoảng 600 loại vang khác nhau trên thế giới để chọn ra các loại vang phù hợp để phục vụ hành khách. Những loại vang này không quá hiếm đến mức không đủ số lượng phục vụ hơn 6.000 suất ăn hàng ngày trên các chuyến bay, cũng không quá bình dân đến mức gây thất vọng với khách hàng khi đã chọn dịch vụ bay của hãng.
Để có thể nói chuyện về rượu vang, trở thành một chuyên viên phục vụ vang trên máy bay (Air Sommelier), các cô gái chân dài của Singapore Airlines có hẳn những giờ học riêng về bộ môn này. Phòng học rượu vang ở SIA luôn bận rộn với các lớp huấn luyện, giảng viên Damon – người phụ trách giảng dạy các Air Sommelier cho Singapore Airlines, cho biết: “Đây là nơi tập hợp sự đam mê, ham muốn học hỏi, và khát vọng cầu toàn của các tiếp viên bởi lớp học về vang không bắt buộc, các tiếp viên được tự do lựa chọn môn học này để có thêm kiến thức phục vụ những lữ khách sành về rượu vang trên các chuyến bay. Các tiếp viên sẽ được học qua lý thuyết vào ban sáng, cách phối hợp các loại rượu vang với món ăn, và 3 giờ chiều hàng ngày sẽ được thử vang để tích luỹ kinh nghiệm về lĩnh vực này. Các học viên khi đạt chuẩn các kiến thức về rượu vang sẽ được đính một chùm nho trên ngực áo để phân biệt với các tiếp viên khác”.
Các học viên trong lớp học về rượu vang tại SIA.
Lớp học rượu vang lúc nào cũng đông đúc các tiếp viên theo học, nhưng trong tổng số khoảng 7.000 tiếp viên của hãng bay này, có chưa đến 100 tiếp viên được vinh dự đeo chùm nho trên ngực áo, điều đó cho thấy để trở thành một Air Sommelier cũng không dễ chút nào.
Giảng viên Patrick Seow nói thêm: “Chúng tôi không chỉ huấn luyện các tiếp viên trở thành nhân viên có ích cho hãng bay, mà còn đào luyện họ trở thành một con người hoàn thiện, biết sử dụng những kiến thức và sự ân cần để phục vụ hành khách tốt, biết nở nụ cười đúng lúc, đúng thời điểm. Nụ cười với các tiếp viên của chúng tôi là một thế mạnh, một điểm nhấn dễ gây ấn tượng đẹp với khách hàng, nhưng nếu sử dụng thế mạnh ấy sai thời điểm thì nó sẽ gây ra tác dụng ngược…”
Với nền tảng được giáo dục, đào tạo bài bản từ thể chất đến các kiến thức phục vụ, bao gồm cả tâm lý học, các cô gái chân dài của hãng bay Singapore thường được các hãng hàng không khác săn đón mời về hợp tác.
Nhìn trong danh sách các giải thưởng thường niên của Skytrax World Airport Awards – một Oscar của ngành hàng không và du lịch thế giới, luôn thấy hãng bay của Singapore có tên trong nhóm danh sách dẫn đầu. Và không ai có thể phủ nhận rằng chính nhờ đội ngũ những cô gái chân dài được đào luyện tốt từ trung tâm huấn luyện bay đã góp phần không nhỏ đưa tên tuổi của hãng bay này luôn đứng trong các vị trí dẫn đầu của ngành dịch vụ hàng không thế giới.
Lam Phong
Theo SGTT