Sự kiện hot
13 năm trước

Lợi nhuận ngân hàng khá khả quan

Mặc dù gặp không ít khó khăn trong năm tài chính 2011, nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn rất khả quan.

 Mặc dù gặp không ít khó khăn trong năm tài chính 2011, nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn rất khả quan.

Sức ép lãi suất bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2011, khi chi phí đầu vào có xu hướng tăng. Đáng chú ý là, trong 2 quý giữa năm nay, trước sức ép lạm phát tăng vượt cả mục tiêu kỳ vọng, dẫn đến lãi suất thực mà ngân hàng phải trả cho người gửi tiền cao hơn nhiều so với mức trần cho phép (14%/năm), thậm chí không ít ngân hàng nhỏ đã đưa ra mức lãi suất tiền gửi lên đến 20 - 21%/năm.


Tín dụng được xem là hoạt động mang lại nguồn thu chính của hệ thống ngân hàng

Mặt bằng lãi suất tăng khiến chi phí đầu vào bị đội lên, trong khi cửa vốn đầu ra bị thu hẹp dần theo chủ trương kiểm soát tăng trưởng dư nợ dưới con số 20% của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2011, đồng thời hạn chế cho vay phi sản xuất và buộc các ngân hàng phải giảm tỷ lệ dư nợ cho vay ở lĩnh vực này về dưới 16% vào cuối năm nay.

Trong khi tín dụng được xem là hoạt động mang lại nguồn thu chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam, thì trong gần 1 năm qua, đã bị thu hẹp dần. Với chỉ tiêu dư nợ được tăng trưởng dưới 20%, song đến thời điểm này, không phải tất cả các ngân hàng đều đã sử dụng hết “room”, nhất là với những ngân hàng lớn có vốn khả dụng dồi dào.

Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 23/9/2011 tăng 9,82% so với cuối năm trước, nhưng lại giảm 1,07% so với cuối tháng trước. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến thời điểm trên tăng 8,16% so với cuối năm trước, nhưng lại giảm 0,94% so với tháng trước đó, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,49%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2,27%.

Tuy gặp không ít khó khăn trong năm tài chính 2011 do chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát lạm phát như mục tiêu đề ra 15%, chi phí đầu vào tăng, cửa vốn đầu ra phải hạn chế, nhưng hoạt động của ngành ngân hàng vẫn được đánh giá tốt hơn các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.

Tính đến ngày 30/9/2011, lợi nhuận trước thuế thu về của riêng ngân hàng mẹ Sacombank (chưa bao gồm các công ty con trực thuộc) ước đạt 2.174 tỷ đồng (chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2011 là 2.800 tỷ đồng), mục tiêu kỳ vọng có thể đạt 3.000 tỷ đồng.

Tương tự, 9 tháng đầu năm 2011, lãi trước thuế của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đạt hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 77% kế hoạch năm. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) cũng cho biết, tính đến ngày 30/9, lợi nhuận trước thuế mà Ngân hàng thu về đã đạt 473 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch cả năm.

Là một trong những ngân hàng cổ phần quy mô và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra 4.000 tỷ đồng trong năm nay, 6 tháng đầu năm 2011, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) chỉ mới đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, để bảo đảm an toàn trong hoạt động, Ngân hàng đã có chiến lược tăng nguồn thu từ dịch vụ, giảm tỷ trọng thu từ tín dụng ở nhiều năm qua. Riêng các hoạt động tín dụng năm nay, Techcombank cũng tiến hành cơ cấu lại bằng cách tập trung cho vay khách hàng tốt, có cơ cấu tài chính lành mạnh, ưu tiên các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh.

Trên thực tế, đến thời điểm này, không phải ngân hàng nào cũng đã đạt được lợi nhuận khả thi, thậm chí, còn nhiều đơn vị chưa thực hiện được phân nửa. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị và Kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), với mục tiêu đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, khi đánh giá kết quả kinh doanh, cũng như lợi nhuận của ngân hàng, cần có một quan điểm toàn diện, thay vì chỉ nhìn vào con số.

“Một ngân hàng có mức lợi nhuận cao chưa hẳn là tốt, để có mức lợi nhuận như vậy có thể ngân hàng đã chấp nhận một cơ cấu tài sản có độ rủi ro cao. Do đó, khi xét đến chỉ tiêu lợi nhuận, cần phân tích lợi nhuận trong mối quan hệ với các chỉ tiêu quản lý khác”, TS. Lê Thẩm Dương phân tích
Vân Linh
Theo Báo đầu tư

Từ khóa: