Sự kiện hot
12 năm trước

Mất bạc triệu vì mua sim đẹp không được sang tên

Đóng phí cam kết đều đặn từ một đến 2 năm với tổng số tiền lên đến cả chục triệu đồng, song hết kỳ hạn, nhiều người mua sim đẹp bỗng trắng tay vì không được sang tên chính chủ.

Đóng phí cam kết đều đặn từ một đến 2 năm với tổng số tiền lên đến cả chục triệu đồng, song hết kỳ hạn, nhiều người mua sim đẹp bỗng trắng tay vì không được sang tên chính chủ.


Cuối tháng 10 năm 2009, anh Dương Văn Đức (Hà Nội) mua một chiếc sim tam hoa 8 của đại lý sim thẻ trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội). Do vẫn nằm trong thời hạn cam kết của nhà mạng nên sim không thể sang tên chính chủ cho anh Đức. Theo đó, anh và chủ cửa hàng giao kèo bằng một bản hợp đồng viết tay với nội dung: ngoài số tiền 500.000 đồng mua ban đầu, anh Đức phải thanh toán phí cam kết hàng tháng là 300.000 đồng. Đến tháng 5/2011, anh sẽ được sang tên chính chủ chiếc sim đó.


Người tiêu dùng mua sim đẹp cam kết từ các đại lý cần cảnh giác. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc

Anh Đức đóng đều đặn mỗi tháng 300.000 đồng, tính đến tháng 5/2011, tổng số tiền lên đến hơn 5 triệu đồng. Hết thời hạn, anh Đức quay lại đại lý trên đường Tây Sơn để được sang tên chính chủ. Tuy nhiên, đi lại nhiều lần mà anh không gặp được người đã bán sim và ký giao kèo với mình. "Mua sim từ đại lý, hợp đồng chính chủ với nhà mạng không phải tên Dương Văn Đức nên giờ mình không thể tự đi cấp lại được, mất cả đống tiền mà vẫn bị phụ thuộc", anh Đức than phiền.

Đem sự việc chia sẻ với cộng đồng sim số đẹp trên mạng, anh Đức nhận được nhiều comment. Song đại đa số thành viên buôn sim đều cho rằng tự bản thân người mua nên cẩn thận với việc mua sim đẹp cam kết từ các đại lý. Bởi hợp đồng giao kèo viết tay không có giá trị sang tên chính chủ sim khi đưa ra nhà mạng. Do vậy, nếu gặp chủ cửa hàng làm ăn gian lận, trốn tránh không chuyển nhượng thì người tiêu dùng rất dễ "tiền mất tật mang".

Gặp tình cảnh tương tự, chị Thùy Anh, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội từng bị mất trắng 4 triệu đồng khi mua chiếc sim cam kết đuôi bốn số 5 từ một địa chỉ chuyên kinh doanh sim số đẹp trên mạng. Khi mua, chị phải trả trước một triệu đồng. Số tiền còn lại được thanh toán dần cho 10 tháng còn lại của hợp đồng mà chủ sim đã ký với nhà mạng. Cũng nhận được lời hứa sẽ được sang tên chính chủ song hết kỳ hạn, chị không thể liên lạc được với người đã bán chiếc sim đó.

Hai tháng sau, sim của chị đã được sang tên cho một người khác. Thấy không thể sử dụng được sim, chị lấy máy khác gọi vào số điện thoại đuôi bốn số 5 thì được đầu dây bên kia cho hay họ đã mua với giá 8 triệu đồng. "Cùng một số mà họ bán cho 2 người để lấy tiền, nhưng chẳng có bằng chứng gì nên lúc đó cũng không làm gì được", chị Thùy Anh bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Hưng, người có thâm niên 5 năm trong lĩnh vực buôn sim thẻ cho biết, hiện nay, việc mua bán sim đang trong thời gian cam kết diễn ra rất phổ biến. Người tiêu dùng cũng thích hình thức này vì giá thường rẻ hơn nhiều so với mua bán trực tiếp. Tuy nhiên, khi đang trong hạn hợp đồng với nhà mạng thì bên mua và bên bán không tên sang tên chuyển nhượng cho nhau. Chính lỗ hổng này khiến một vài người kinh doanh sim đẹp lợi dụng để lừa khách.

Hiện nay Viettel, EVN Telecom, VinaPhone, MobiFone... đều thực hiện việc bán sim đẹp theo cam kết cho khách hàng. Việc mở số đẹp này được nhà mạng giải thích là để người dùng di động có thể sở hữu được dải số theo mong muốn. Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh tận dụng chính sách này, tranh thủ tung tiền ra để gom sim đẹp. Vì vậy, đại bộ phận khách có nhu cầu dùng số đẹp, vẫn phải mua qua kênh đại lý vì không tìm được số mình cần.

Theo quy định của nhà mạng, khách mua loại sim này phải nộp trước một khoản tiền và cam kết sử dụng trong khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian cam kết, nếu khách hàng thực hiện bán, chuyển nhượng cho người dùng khác trong vòng một tháng, sim đó sẽ bị chặn 2 chiều, sau đó bị chấm dứt hợp đồng và bị thu hồi số.

Đại diện một mạng di động lớn chia sẻ, thời gian gần đây, bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng nhận được khá nhiều phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến sim cam kết. Nhiều người mua sim đẹp cam kết của đại lý với giá rẻ hơn nhưng khi muốn sang tên chính chủ lại gặp rắc rối. Đa số các hợp đồng mua bán đều thông qua hình thức viết tay.

Theo đại diện này, các hãng viễn thông chỉ có thể cung cấp lại sim mới cho khách hàng là chủ thuê bao đứng tên trong hợp đồng và biên bản cam kết sử dụng sim số đẹp của nhà mạng.


Hồng Anh - Xuân Ngọc
        
Vnexpress

Từ khóa: