Sự kiện hot
10 năm trước

Mô hình Bác sĩ gia đình: Thiết thực, đa dạng theo yêu cầu của người dân

PGS. TS Nguyễn Phương Hoa- Phó chủ nhiệm Bộ môn Y học gia đình (Đại học Y Hà Nội) cho biết, bác sĩ gia đình là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách liên tục, toàn diện cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và cho cả gia đình họ, kể cả lúc có bệnh hay lúc khỏe mạnh.

PGS. TS Nguyễn Phương Hoa- Phó chủ nhiệm Bộ môn Y học gia đình (Đại học Y Hà Nội) cho biết, bác sĩ gia đình là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách liên tục, toàn diện cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và cho cả gia đình họ, kể cả lúc có bệnh hay lúc khỏe mạnh.


Theo các chuyên gia, mô hình Bác sĩ gia đình sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Ảnh: Dương Ngọc

Bác sĩ gia đình có khả năng chăm sóc hầu hết các nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân, nếu vấn đề vượt ngoài khả năng, họ có trách nhiệm lựa chọn các bác sĩ chuyên khoa khác phù hợp để tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân. Các thầy thuốc chuyên khoa khác sẽ phối hợp với bác sĩ gia đình cùng chăm sóc sức khỏe để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, tiết kiệm nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Bác sĩ gia đình với sự kết hợp chức năng của một bác sĩ lâm sàng với bác sĩ dự phòng và nhà tâm lí, đáp ứng khoảng 90% các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, thích hợp làm việc tại các phòng khám thuộc hệ thống y tế công và tư nhân ở mọi tuyến từ Trung ương đến cơ sở (trạm y tế xã), đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để giải quyết các vấn đề sức khỏe/bệnh mà người dân trong cộng đồng thường gặp. Các bác sĩ gia đình thường chiếm được lòng tin của người bệnh do gần gũi, tiếp xúc thường xuyên và ở tất cả các giai đoạn sức khỏe ngay từ khi chưa mắc bệnh đến khi bệnh nhân đã ổn định. Chính điều này đặt người thực hành y học gia đình vào tuyến y tế ban đầu, nơi được xem là điểm tiếp xúc đầu tiên của hệ thống y tế với người bệnh, với cộng đồng dân cư.

Trong Đề án Giảm tải của Bộ Y tế nêu rõ: “Phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Xây dựng và phát triển mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với mạng lưới cơ sở y tế sẵn có để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục cho cá nhân, gia đình...”.

Trước mắt, Bộ Y tế đã thành lập thí điểm mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác. Bộ đang hoàn thiện những cơ chế chính sách tổ chức thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình. Làm việc với các liên bộ để ra được những cơ chế thuận lợi thực hiện các phòng khám bác sĩ gia đình, thúc đẩy bác sĩ gia đình phát triển. Đó là cơ chế khám chữa bệnh qua phòng khám bác sĩ gia đình có thể thanh toán thẻ bảo hiểm, có thể chuyển tuyến khi cần thiết.

Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Bác sĩ gia đình hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về, mang tính nhất thời, còn bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao, bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình. Khi các cơ chế được xây dựng và ban hành, bác sĩ gia đình sẽ có các dịch vụ mới và thiết thực theo yêu cầu ngày càng đa dạng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời; chăm sóc sức khỏe các thành viên khi gia đình có tang lễ; dịch vụ chăm sóc y tế cho các sự kiện lớn: Hội nghị, hội thảo; chăm sóc sau sinh; đến khám tại trường học. Nếu khám dịch vụ y tế tư, phòng khám sẽ tự định giá, nhưng với dịch vụ tại bác sĩ gia đình thì dù là tư nhân đầu tư thì các mức giá cũng phải qua phê duyệt”.

Thiện Ân
theo GĐ&XH

Từ khóa: