Các bậc cha mẹ không nên dùng cách gửi vân tay đọc các chỉ số thông minh của con em mình, bởi theo các chuyên gia, đây là việc làm hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Các bậc cha mẹ không nên dùng cách gửi vân tay đọc các chỉ số thông minh của con em mình, bởi theo các chuyên gia, đây là việc làm hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Trắc nghiệm năng khiếu qua vân tay
Chị Nguyễn Hoàng Liên (Xã Đàn, Hà Nội) băn khoăn: Hôm vừa rồi con gái tôi đem về nhà một tờ giấy thông báo của nhà trường về chương trình trắc nghiệm vân tay phát hiện năng khiếu và nâng cao chất lượng học tập cho học sinh tiểu học.
Theo tờ thông báo này của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội, chương trình trắc nghiệm vân tay sẽ cho ra những chỉ số: "Đánh giá khả năng tiếp thu bài của học sinh, phát hiện sớm năng khiếu học tập để có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời. Đánh giá 4 chỉ số phát triển gồm IQ là chỉ số thông minh, EQ là chỉ số cảm xúc, AQ là chỉ số chịu đựng áp lực và CQ là chỉ số sáng tạo. Nhận xét các tính cách bẩm sinh của trẻ kèm theo những khuyến nghị về cách ứng xử và phương pháp giáo dục phù hợp...".
Phần chú thích của bản thông báo có ghi kèm: "Quý cha mẹ học sinh vui lòng nộp phiếu đăng ký làm trắc nghiệm kèm theo phí làm test 2.700.000đ (hai triệu bảy trăm ngàn đồng) cho giáo viên chủ nhiệm...".
Chị Nguyễn Hoàng Liên cho biết, nhiều phụ huynh cùng bày tỏ băn khoăn với thông báo này, không biết nó có tác dụng thực sự không. Nếu bỏ ra 2,7 triệu đồng mà có được tất cả những chỉ số kia chính xác thì nhiều người sẵn sàng làm.
Vân tay chưa bao giờ được coi là một công nghệ gen.
Không căn cứ
Theo TS Nguyễn Thị Nga, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền, ở Việt Nam và cả trên thế giới, vân tay chưa bao giờ được coi là một công nghệ gen. Đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Vân tay không thể cho ra các chỉ số đặc tính trí tuệ của bất kỳ người nào. Để làm được điều đó, chỉ có cách kiểm tra gen thì mới xác định được. Hiện trên thế giới đã có chứng minh thư ADN giải mã gen cho con người nhưng Việt Nam chưa làm được.
Đồng quan điểm, GS Lê Đình Lương, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam thẳng thắn: Với tư cách là một người hiểu biết về công nghệ gen thì tôi không tin cách làm này. Nó hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Nó chỉ là một số kinh nghiệm được đúc rút, chưa được chứng minh bằng khoa học. Ví dụ như người ta nghiên cứu khoảng vài nghìn vân tay của các nhà toán học, nó có xu hướng thế này thì đưa ra kết luận là vân tay này có khả năng toán học... Giống như khi nhìn thấy trời có mây đen thì người ta dự báo là sẽ có mưa vậy. Còn ở góc độ công nghệ gen thì không thể công nhận cái đó là đúng hay có cơ sở được.
Để đọc được các khả năng qua công nghệ gen thì phải qua 2 bước: Quét toàn bộ hệ thống gen của một người. Quá trình này mất khoảng 2 - 3 tháng với chi phí là 5.000USD. Bước 2 là giải mã tất cả các kết quả đã quét. Khâu này mất ít thời gian hơn nhưng giá tiền thì không rẻ hơn, khoảng 5.000USD nữa. Từ đó người ta có thể đưa ra được những ưu nhược điểm của hệ gen. Ví dụ như với chuỗi gen này thì người đó có thể mắc những bệnh gì, cách đề phòng thế nào.
Theo ThS Phạm Mạnh Hà, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, việc đoán biết tâm lý, xu hướng, năng khiếu của con cái không quá khó khăn. Chỉ cần quan tâm, bỏ thời gian để ý là có thể biết năng khiếu của con mình. Việc gắn bó nuôi dưỡng chăm bẵm từ lúc nhỏ sẽ làm cha mẹ hiểu rõ con mình thích gì, có khả năng ở lĩnh vực nào. Không cần phải sử dụng đến những công nghệ đọc gen hay bất kỳ sự can thiệp nào khác.
Cách đây một vài năm thì giá mỗi lần đọc gen phải mất hàng tỷ đô la. Và hiện cũng mới chỉ có rất ít nơi có dịch vụ này, tiêu biểu nhất là một công ty ở Mỹ.
GS Lê Đình Lương
|
Tô Hội
Theo Bee