Sự kiện hot
6 năm trước

‘Mỗi năm, Việt Nam thất thu khoảng 170 tỷ USD từ khối DN FDI do hoạt động chuyển giá’

ĐBQH đoàn Bình Dương Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh nghịch lý: càng lỗ, doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất; mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân thông tin, hiện đang tồn tại nghịch lý là càng lỗ, doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Tại buổi thảo luận diễn ra sáng nay (ngày 31/10) của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nhân - ĐBQH tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh: “Hiện tại đang diễn ra nghịch lý là các doanh nghiệp FDI càng lỗ thì càng mở rộng sản xuất. Thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 cho thấy, khối doanh nghiệp FDI xuất hiện đến 46% danh sách, nhưng số tiền thuế nộp lại chỉ chiếm 37% và đang có xu hướng giảm dần”.

Ông Nhân cho biết, theo ước tính của các chuyên gia Oxfam, mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá. Ở một góc nhìn khác, chỉ tiêu tăng trưởng được tổng hợp từ nhiều yếu tố - trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu FDI giúp Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào, do đó lợi nhuận từ con số này rất thấp, dù thu 20% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trên con số này thì vẫn không đáng là bao, thậm chí sẽ bằng 0 nếu doanh nghiệp FDI báo lỗ.

“80% còn lại dĩ nhiên được doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc. Số 20% thu được từ đây cùng các khoản khác đang gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách. Đó là lý giải vì sao nền kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia và hiệu quả của nền kinh tế không cao”, ông Nhân giải thích.

Ngoài ra, ĐBQH tỉnh Bình Dương còn đề cập đến một trong những mục tiêu thu hút FDI là để hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo thống kê thì 80% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5 - 6% là sử dụng công nghệ cao. Dù vậy, các công đoạn thực hiện ở Việt Nam chủ yếu là khâu lắp ráp.

Điều đó khiến xếp hạng hiệu quả chuyển giao công nghệ của Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu tụt xuống thứ 103 vào năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm. Vị trí này thấp hơn nhiều so với Malaysia ở thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonexia thứ 39 và Campuchia thứ 44.

“Trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép chuyển lỗ, hoàn thuế để tái đầu tư... Thì chúng ta lại khắt khe với chính người nhà của mình, người đồng cam cộng khổ và có nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước. Đó là khi Viettel vỡ mộng vì bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác việc xin ưu đãi thuế giống Samsung, hay như khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển công nghệ của gốm sứ Minh Long không được đáp ứng chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính...”, ông Nhân dẫn chứng.

Ông đề nghị có giải pháp quản lý chặt chẽ, đấu tranh chống chuyển giá, rà soát, sửa đổi lại các chính sách về ưu đãi đầu tư FDI, không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải chọn lọc hơn (ưu tiên các lĩnh vực đã có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sẵn lộ trình...) để các doanh nghiệp khu vực này đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế đất nước...

N.Lê
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: