Dịch vụ "mua hàng trả góp" được xem là chương trình thành công của các cửa hàng, siêu thị hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người đang lợi dụng chương trình này để lừa gạt, kiếm bộn tiền. Hậu quả dân nghèo phải hứng chịu.
Dịch vụ "mua hàng trả góp" được xem là chương trình thành công của các cửa hàng, siêu thị hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người đang lợi dụng chương trình này để lừa gạt, kiếm bộn tiền. Hậu quả dân nghèo phải hứng chịu.
Phải trả nợ cho món hàng người khác dùng
Hiện nay, chương trình "mua hàng trả góp" đã trở thành chương trình "đinh" của nhiều siêu thị, cửa hàng, nhằm kích cầu thị trường. Các chương trình này đánh trúng vào tâm lý của một số người tiền ít nhưng lại muốn sở hữu những vật dụng mình cần nên được khá nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên hiện nay, cũng có nhiều kẻ lợi dụng chương trình "mua hàng trả góp" để lừa gạt và không ít người bỗng nhiên lại phải tự trả nợ đối với món hàng người khác mua nhưng mình không được dùng.
Mới đây, vào một buổi chiều, những tiếng ồn ào tại gian hàng bán đồ điện tử ở siêu thị Big C khiến nhiều người phải chú ý. Đó là cuộc cãi vã của chị Hoàng Thị Hương (huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) với các nhân viên bán hàng. Đứng xem một lúc, chúng tôi cũng hiểu được nguyên do của sự ồn ào này. Cách đây hơn một tháng, chị Hương vào siêu thị để tham quan, xem các mặt hàng mới. Đi tới đi lui chừng hai ba vòng, thì có một phụ nữ nói giọng miền Bắc, tự xưng là Nguyễn Thị Hoa, người Hà Tĩnh bắt chuyện. Chị này kể hoàn cảnh của mình rất khó khăn, tuy nhiên, do số thành viên trong gia đình quá đông, tuổi đã lớn mà ngày nào cũng phải giặt áo quần cho tất cả mọi người nên rất mệt. Chị ta đến siêu thị, thấy chương trình bán hàng trả góp, trong khi chỉ cần trả trước 20% giá trị sản phẩm nên muốn mua một chiếc máy giặt.
Nhiều chương trình mua hàng trả góp trên thị trường.
Sau một hồi kể lể, người phụ nữ tên Hoa bảo "kết" chiếc máy giặt Panasonic có giá gần 20 triệu đồng, nhưng không đủ tiền, nếu mua trả góp phải có hộ khẩu ở thành phố, trong khi đó, chị ta quê ở Hà Tĩnh. Thế là Hoa đưa ra gợi ý, nếu chị Hương về nhà lấy hộ khẩu làm giấy tờ để chị ta có thể mua trả góp chiếc máy giặt đó thì sẽ "trả công"... 3 triệu đồng. Ban đầu, chị Hương cũng lần lữa, nhưng chị ta lại bảo: "Không có gì đâu, chị giúp em có máy giặt, em giúp chị có được tiền, em đâu có lừa gạt gì mà chị phải lo". Nghe nói vậy, chị Hương tin và hẹn ngày mai gặp lại để làm giấy tờ.
Sáng hôm sau, chị Hương và người phụ nữ tên Hoa lại gặp nhau. Việc làm giấy tờ khá nhanh, Hoa kêu người đến chở chiếc máy giặt đi và cảm ơn rối rít. Chỉ cần vài chữ kí mà lại được 3 triệu đồng, chị Hương rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau đó một tháng, chị Hương bất ngờ khi có giấy của cửa hàng gửi đến thông báo lên đóng tiền trả góp, mỗi tháng 1 triệu đồng, kéo dài trong vòng 18 tháng. Đến lúc này chị mới vỡ lẽ mình bị lừa. Chị liền đến cửa hàng hỏi thông tin về người phụ nữ tên Hoa nhưng tất cả mọi người đều không biết tin tức gì. Sau đó, chị Hương bảo mình không mua chiếc máy giặt, nhưng với những giấy tờ mình đã kí chị đành nuốt "trái đắng", mỗi tháng phải nộp tiền trả góp cho món hàng mình không được dùng.
Không chỉ thế, bọn lừa đảo hiện nay còn đi vào tận các bệnh viện, "mồi chài" những người khó khăn để lừa đảo. Cách đây khoảng nửa tháng, một sự việc hết sức đau lòng đã xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 1, người bị hại là chị Hoàng Việt Nga. Vợ chồng chị Nga có bốn đứa con, sống trong ngôi nhà cấp bốn ở huyện Hóc Môn. Hàng ngày, hai vợ chồng phải lượm ve chai để nuôi con. Do ham làm, nên đứa con thứ ba của anh chị mới hơn 6 tuổi trong một lần sốt cao nhưng không ai biết, khi phát hiện ra thì bé đã bị quá nặng, bệnh viện tuyến dưới chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị.
Đứng trước khu vực đóng viện phí mà chị Nga lo lắng vì mượn mãi mà số tiền vẫn không đủ để đóng. Trong khi đang hoảng loạn, một người phụ nữ đến hỏi thăm và cho biết tên Nguyên, quê ở Thái Bình vào Nam làm ăn đã lâu, cũng có con đang nằm viện ở đây. Gặp người cùng cảnh ngộ, chị Nga kể cho người phụ nữ này nghe về hoàn cảnh của mình. Chị ta bảo: "Thấy hoàn cảnh của chị đáng thương, thôi tôi nói thế này. Tôi muốn mua trả góp một cái ti vi màn hình phẳng, mà tiền không đủ, nên muốn mua trả góp nhưng không có hộ khẩu ở đây. Chị có hộ khẩu, nếu làm giấy tờ giúp, tôi sẽ trả cho 1,5 triệu đồng". Đang "buồn ngủ lại gặp chiếu manh", không một phút suy nghĩ, chị Nga đồng ý liền.
Ngay chiều hôm đó, chị Nga theo người phụ nữ tên Nguyên đến siêu thị làm giấy tờ mua chiếc ti vi. Vui vẻ khi có số tiền đóng viện phí cho con, chị Nga cảm ơn vì Nguyên đã giúp mình trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, hai ngày sau, khi chị Nga kể lại chuyện này cho những người đang nuôi con cùng phòng bệnh thì được mọi người khuyến cáo rằng, có thể chị đã bị lừa, nên đến siêu thị để hỏi lại cho chắc. Lo lắng, chị đến siêu thị hỏi thăm thì được biết, mỗi tháng, chị phải trả 1,5 triệu đồng. Lúc này, chị mới biết mình đã bị người phụ nữ tên Nguyên lừa gạt.
Coi chừng món lợi "trời cho"
Theo luật sư Nguyễn Thị Phi Nga, mặc dù đây là vấn đề liên quan đến yếu tố dân sự, nhưng lại có dấu hiệu lừa đảo nên có thể xử lý hình sự. Sự việc sẽ được đưa ra giải quyết nếu có bằng chứng và chứng cứ cụ thể.
|
|
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị lừa đảo với chiêu thức lợi dụng chương trình bán hàng trả góp của các cửa hàng, siêu thị. Theo anh Nguyễn Hoàng Anh, giám đốc siêu thị điện máy Hải Hương (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), cho biết, trong khoảng thời gian qua, siêu thị của anh phát hiện khá nhiều trường hợp bị lừa đảo như trên. Hầu hết tất cả bọn lừa đảo đếu có cùng một chiêu thức "đánh vào lòng tham" của mọi người. Bọn lừa đảo đều dùng chiêu muốn mua trả góp nhưng không có hộ khẩu ở thành phố, nếu giúp thì chúng sẽ chi tiền hoa hồng "tươi" một đến vài triệu đồng. Cũng bởi vì tham nên nhiều người đã bị "sập bẫy".
Theo anh Hoàng Anh, bọn lừa đảo thường chọn những người phụ nữ ở các huyện ngoại thành, có trình độ nhận thức thấp, gia đình nghèo. Những người phụ nữ này ít được tiếp xúc với các thông tin đại chúng, các chương trình khuyến mại, kích cầu của các siêu thị, cửa hàng. Mặc dù chương trình bán hàng trả góp hiện nay khá phổ biến, nhưng đối với những phụ nữ ở vùng huyện thì vẫn còn khá mới. Bên cạnh đó, kẻ gian đã lợi dụng lòng tin người của những người này để thực hiện hành vi lừa đảo.
Từ trước đến nay, nhiều khách hàng bị lừa đảo đến thông báo với siêu thị, nhưng về phía siêu thị cũng chỉ biết phải thu đầy đủ số tiền mà khách hàng đã kí kết trên giấy tờ. Tuy nhiên, có một số trường hợp, siêu thị cũng có "du di" bởi hoàn cảnh của người đó quá khó khăn. Nhìn chung, những người phụ nữ là nạn nhân hầu hết là người nghèo, do đó, khi đã "sập bẫy" của bọn lừa đảo, họ không có đủ khả năng để trả nợ.
Anh Hoàng Anh thừa nhận, hiện nay, chương trình "mua hàng trả góp" của siêu thị điện máy Hoàng Hương nói riêng và các siêu thị, cửa hàng khác nói chung đều có thủ tục khá dễ dàng. Chỉ cần có bản photocopy hộ khẩu, CMND là có thể tham gia chương trình. Bên cạnh đó, một phần lỗi không nhỏ là do các nhân viên bán hàng không làm hết trách nhiệm của mình, tư vấn cho khách hàng biết về tình trạng lừa đảo. Anh cho biết, trong thời gian vừa qua, vì nhận được quá nhiều thông tin khách hàng của mình bị lừa, nhiều siêu thị, cửa hàng yêu cầu nhân viên tăng cường tư vấn về các thủ đoạn lừa đảo lợi dụng chương trình "mua hàng trả góp". Do đó, trong khoảng một tháng trở lại đây, siêu thị điện máy Hoàng Hương chưa nhận được một trường hợp mới nào bị lừa đảo.
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Hoàng Anh còn đưa ra lời cảnh báo đối với mọi người: "Mặc dù các cửa hàng, siêu thị tăng cường tư vấn cho khách hàng, nhưng có thể nói rằng, điều đầu tiên, khách hàng cần phải cảnh giác với những chiêu trò của bọn lừa đảo. Không nên quá tham lam vì những món tiền "tươi" có giá trị lớn mà dùng giấy tờ của mình để mua hàng giúp người khác. Đặc biệt, chỉ nên dùng giấy tờ, kí mua đối với món hàng mà mình cần thiết".
Theo Nguoiduatin