Sự kiện hot
11 năm trước

Mua nhà từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Khó!

Dantin - Những người mua nhà theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho biết khi mua nhà đã thanh toán cho chủ đầu tư 20%-30% giá trị căn hộ nhưng chưa chắc được ngân hàng cho vay. Địa phương thì không dám xác nhận cá nhân chưa có nhà ở vì không có thông tin.

Dantin - Những người mua nhà theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho biết khi mua nhà đã thanh toán cho chủ đầu tư 20%-30% giá trị căn hộ nhưng chưa chắc được ngân hàng cho vay. Địa phương thì không dám xác nhận cá nhân chưa có nhà ở vì không có thông tin.


Nhiều người có nhu cầu nhà ở vẫn khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ.

Rắc rối điều kiện!

Ở dự án chung cư Green Hills của khu đô thị mới Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Tp.HCM, nhân viên của dự án giới thiệu với chúng tôi một căn hộ sắp hoàn thiện, diện tích 65 m2 và giá bán 13,5 triệu đồng/m2.

“Do dự án đã có liên kết với NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nên khách hàng sẽ vay được tiền từ NH này. Chủ đầu tư có thể hỗ trợ làm thủ tục vay tiền nhưng ít nhất khách hàng phải có vốn đối ứng 30% giá trị căn hộ, có giấy xác nhận của cơ quan hay chính quyền địa phương về tình trạng chưa có nhà ở thì NH mới xem xét. Bước đầu, khách hàng thanh toán cho chủ đầu tư 30% giá trị căn hộ, sau đó NH sẽ giải ngân 70% còn lại” - nhân viên của dự án Green Hills tư vấn. “Sau khi ký hợp đồng mua bán nhà nhưng nếu vì lý do nào đó NH không cho vay thì sao?”. Nghe chúng tôi thắc mắc, nhân viên này khuyến cáo: “Các anh nên tiến hành các thủ tục vay tiền trước và khi nào NH thông báo cho vay mới ký hợp đồng”.

Theo chỉ dẫn của nhân viên dự án Green Hills, chúng tôi đến BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn (TP.HCM), trình bày rằng đang ở chung nhà với cha mẹ, muốn mua nhà ở riêng nên cần vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng. Nhân viên của BIDV cho biết: Cá nhân có chung hộ khẩu với cha mẹ và cha mẹ đã có nhà ở thì không thuộc đối tượng được vay; cá nhân chưa có nhà ở nhưng có chung hộ khẩu với cha mẹ thì cần phải có giấy xác nhận cha mẹ chưa có nhà mới được xem xét.

Nhân viên của BIDV còn tư vấn thêm: “Giả sử anh là đối tượng được vay thì ngoài việc thẩm định thu nhập, năng lực tài chính, NH còn phải thẩm định chất lượng dự án, uy tín của chủ đầu tư… mới quyết định cho vay. Kế tiếp, NH - người mua nhà - chủ đầu tư ký cam kết 3 bên. Theo đó, NH cam kết cho vay và giải ngân theo từng đợt. Chủ đầu tư phối hợp NH quản lý căn hộ. Người mua nhà và chủ đầu tư cam kết hợp tác với NH thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản thế chấp là căn hộ được hình thành trong tương lai”.

Trong khi đó, tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Gia Định (Tp.HCM), một nhân viên tiết lộ: Hầu hết khách hàng không vay được tiền với lãi suất 6%/năm là vì chính quyền địa phương không dám xác nhận họ chưa có nhà ở. Đó là chưa kể phải có hợp đồng mua bán nhà mới được NH xem xét. Tuy nhiên, NH có thể từ chối cho vay nếu qua thẩm định xét thấy căn hộ mà khách hàng đã mua thuộc dự án không tốt; chủ đầu tư có thể kéo dài thời gian thi công hoặc giao nhà trễ trong nhiều năm trong khi khách hàng không biết lúc nào mới có sổ hồng. Nếu chẳng may trong thời hạn vay tiền, khách hàng mất khả năng trả nợ thì NH ôm “sô”.

Thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới được vay!

Đến NH Công Thương Chi nhánh 9 (Tp.HCM), chúng tôi được nhân viên tín dụng tư vấn là nếu đã lọt vào đối tượng được vay tiền thì NH cũng chỉ cho vay 50% giá trị căn hộ nhưng sau khi khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư 50% giá trị căn hộ, NH mới giải ngân số tiền cho vay. Tiêu chí tài chính mà NH Công Thương đặt ra đối với mỗi cặp vợ chồng có 2 con nhỏ là chi phí 2,5 triệu đồng/người/tháng; các chi phí phát sinh thêm khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng cộng với mỗi tháng bên vay phải trả cho NH cả vốn và lãi hơn 3 triệu đồng. Tính ra, thu nhập hộ gia đình gồm 4 nhân khẩu phải chứng minh thu nhập 15 triệu đồng/tháng mới được NH cho vay.

Do số tiền cho vay là của Chính phủ nên nhiều ý kiến cho rằng không thể trách cứ NH đưa ra điều kiện vay quá khắt khe vì nếu không thu hồi được vốn thì NH sẽ “lãnh đủ”. Nhiều chủ đầu tư không hợp tác với NH vì không chấp nhận mua lại căn hộ khi người vay mất khả năng trả nợ. Từ đó, NH không thể xử lý được tài sản thế chấp và không dám cho vay. Mặt khác, NH cũng không dám liên kết với chủ đầu tư để cho vay nếu năng lực hoạt động của chủ dự án quá yếu…

Ngân hàng chậm giải ngân

Báo cáo của NHNN cho thấy, 2 tháng qua ngành NH đã nỗ lực thực hiện gói hỗ trợ tín dụng để đưa nguồn vốn 30 ngàn tỷ đồng lãi suất thấp (tối đa 6%/năm), thời hạn vay dài (tối thiểu 10 năm với cá nhân, thời gian vay hỗ trợ tối đa 5 năm với DN) tới đúng đối tượng.

Cụ thể, trong tháng đầu tiên triển khai chương trình (tháng 6/2013) các NHTM đã giải ngân 3,46 tỷ đồng cho 19 khách hàng cá nhân và 34,3 tỷ đồng cho 1 khách hàng DN. Tuy nhiên, tới 13/8, tốc độ giải ngân đã nhanh hơn, số khách hàng cá nhân được cam kết cho vay là 219 khách hàng, tổng số tiền 65,57 tỷ đồng. Trong số đó, đã có 208 khách hàng được giải ngân với dư nợ 48,92 tỷ đồng.

Giải ngân mạnh nhất trong thời gian qua là NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với số vốn giải ngân được 19,5 tỷ đồng cho 78 khách hàng trong tổng số 23,8 tỷ đồng cam kết cho vay.

Kế đến là NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giải ngân cho 71 khách hàng vay, số tiền 17,11 tỷ đồng. “Nổ” phát súng đầu tiên khi thông báo triển khai ngay chương trình gói vay hỗ trợ lãi suất rẻ sau khi NHNN công bố, nhưng tới nay NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới giải ngân được 5,46 tỷ đồng cho 25 khách hàng, trong khi số vốn cam kết vay là 10,05 tỷ đồng.

Tuy nhiên, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam (Agribank) lại là đơn vị có tốc độ giải ngân nhanh nhất, đạt gần 100%. Số tiền cam kết cho vay của Agribank 2 tháng qua là 6,9 tỷ đồng và số giải ngân lên tới 6,847 tỷ đồng cho 34 khách hàng.

NHTMCP Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) hai tháng qua cũng cam kết cho vay 2,7 tỷ đồng với 11 khách hàng, nhưng tới nay chưa giải ngân cho khách hàng nào. Giải thích điều này đại diện MHB cho biết: Hồ sơ duyệt vay của số khách hàng trên đã xong nhưng vì khách hàng hiện đang dùng tiền cá nhân để thanh toán tiền mua nhà, chưa muốn dùng tới vốn ngân hàng để giảm lãi phải trả nên ngân hàng vẫn chưa giải ngân các khoản vay này.

Với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, tới thời điểm này mới có 3 doanh nghiệp (2 thuộc BIDV và 1 thuộc Agribank) sau hơn hai tháng triển khai đã ký hợp đồng tín dụng với các NH với tổng số tiền 708 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 1 doanh nghiệp thuộc BIDV tại Huế được giải ngân 34,3 tỷ đồng, còn Agribank đang làm thủ tục để được ký hợp đồng tín dụng với một doanh nghiệp tại Cần Thơ với số tiền 50 tỷ đồng. Số NH còn lại sẽ hoàn thành việc thẩm định dự án vay của DN trong tháng 8/2013.

Như vậy, qua hai tháng triển khai mới chỉ có 83,22 tỷ đồng trong tổng số 30.000 tỷ đồng được giải ngân cho các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện vay.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất, chiếm 29,25% tỷ trọng toàn quốc, theo sát phía sau là Hà Nội với 28,58%, Vĩnh Phúc 11,85%, Tp.HCM 10,51%, còn lại 19,81% ở các tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, sở dĩ Đà Nẵng là địa phương đạt tỷ trọng giải ngân cao nhất vì các cơ quan, ban ngành tại đây được đánh giá một trong những địa phương dẫn đầu về quan tâm giải quyết các chương trình, chính sách nhà ở cho người dân, người thu nhập thấp.

T.S (tổng hợp)

Từ khóa: