Sự kiện hot
6 năm trước

Mumuso Việt Nam có thể phải chịu phạt như nào?

Mumuso Việt Nam dù tự nhận là thương hiệu bán lẻ hàng tiêu dùng phong cách thời trang Hàn Quốc cũng như vô tư quảng cáo những sản phẩm kinh doanh của mình gắn mác “Made in Korea”, thế nhưng qua kiểm tra, có tới hơn 99% loại hàng hóa của doanh nghiệp này nhập từ Trung Quốc.

 Liên quan đến sự vụ này, Luật sư Trần Thái Bình, Công ty luật LNT & Partners cho rằng Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa dối khách hàng.  

mumuso viet nam co the phai chiu phat nhu nao

Khách hàng tại một sự kiện bán hàng của Mumuso (Nguồn: mumuso.com.vn)

Thưa luật sư, Bộ Công Thương vừa ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. Theo đó, dù tự quảng cáo và rao bán hàng hóa, mỹ phẩm Hàn Quốc nhưng kết quả kiểm tra cho thấy, có 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Vậy, hành vi này của Mumuso Việt Nam có vi phạm pháp luật? Vì sao?

Luật sư Trần Thái Bình: - Căn cứ theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật cạnh tranh.

Cụ thể là vi phạm do cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về nguồn gốc hàng hóa cung cấp (Điều 10.1(a) Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).

Bên cạnh đó là sử dụng cụm từ Mumuso, giá chỉ từ 22.000 đồng, Korea,… nhất là dùng chữ Korea (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm dẫn đến việc khiến khách hàng hiểu lầm rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến Hàn Quốc.

Đây là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, đưa thông tin mập mờ không rõ ràng và gây nhầm lẫn cho khách hàng (Điều 39.1, 45.3 Luật cạnh tranh 2004, Điều 8.9, 8.12 Luật quảng cáo 2012).

Nếu nói hành vi này của Mumuso Việt Nam là lừa dối khách hàng thì có “oan” không, thưa luật sư?

- Pháp luật Việt Nam không định nghĩa rõ thế nào được xem là lừa dối khác hàng. Tuy nhiên trên thực tế, theo phóng sự của Đài MBC (một trong những đài truyền hình lớn tại Hàn Quốc) thì rất nhiều dòng chữ tiếng Hàn trên các sản phẩm của Mumuso đều vô nghĩa, ngay cả chính bản thân người Hàn Quốc cũng không đọc được những dòng chữ được in trên bao bì sản phẩm.

Hành vi này có thể xem như Mumuso Việt Nam đã lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ để đánh lừa người tiêu dùng Việt Nam, khiến người tiêu dùng tin rằng những sản phẩm do Mumuso cung cấp là có xuất xứ từ Hàn Quốc, hành vi này của Mumuso Việt Nam chính là hành vi lừa dối khách hàng.

mumuso viet nam co the phai chiu phat nhu nao

Các sản phẩm rao bán trên trang web của Mumuso (Nguồn: mumuso.com.vn)

Hiện nay, pháp luật quy định và xử lý như thế nào về các trường hợp thông tin mập mờ sai sự thật gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng? Không thực hiện đăng ký nhượng quyền?

- Như đã nêu ở trên, việc cung cấp thông tin mập mờ, sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo pháp luật Việt Nam.

Điều 66.1(đ), Nghị định 185/2013 (xử phạt hành chính trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) nêu rõ, đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng; và buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Điều 28.4, Điều 33.2 Nghị định 71/2014 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh) cũng thể hiện rõ Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng; có khả năng bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; và buộc cải chính công khai.

Điều 51.5 Nghị định 158/2013 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo): Đối với quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng: phạt 50 – 70 triệu đồng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc cải chính thông tin.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công thương, Mumuso Việt Nam đã không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu MUMUSOKR, theo đó vi phạm quy định pháp luật tại Điều 17 Nghị định số 15/VBHN-BCT 2014.

Hành vi này theo quy định tại Điều 94.3(a) Nghị định 185/2013 (xử phạt hành chính trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng): sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo qui định pháp luật, đối với một số vi phạm qui định pháp luật, nếu đã xử phạt hành chính rồi, mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự.

Luật sư có lời khuyên gì cho người tiêu dùng thích mua hàng có mác “made in Korea” có giá rẻ nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc thực sự của sản phẩm?

- Người tiêu dùng Việt Nam nói chung thường có tâm lý chuộng các nhãng hàng ngoại quốc, nhất là từ các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn hay Châu Âu. Mumuso Việt Nam đã đánh vào tâm lý này và với mức giá rẻ và cạnh tranh.

Đáng tiếc là việc phát hiện vi phạm trên là từ các hãng thông tin nước ngoài chứ không phải là cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam.

Theo tôi, đối với người tiêu dùng Việt Nam, trong khi chờ cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp như Mumuso, thì nên tập có thói quen tìm hiểu kĩ về nguồn gốc, giá cả thị trường, các nhà phân phối chính thức trước khi mua sản phẩm, không những để bảo vệ lợi ích, sức khỏe của mình mà còn góp phần làm cho những doanh nghiệp gian dối như Mumuso không có khả năng phát triển tại Việt Nam.

Ngoài ra, không phải cứ sản phẩm nước ngoài là đều tốt cả, cũng nên cân nhắc các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, vừa có nguồn gốc rõ ràng, được quản lý đầy đủ, và cũng có giá cả cạnh trạnh.

Tóm lại, hãy là một người tiêu dùng thông minh.

Chân thành cám ơn luật sư!

Ngày 25/5/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1809/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có tổng số 2.257/2.273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được Công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Thịnh Châu 

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: