Kết thúc huy động vốn bằng vàng sớm hơn thời hạn, nhiều ngân hàng chuyển hướng gom vàng dưới hình thức giữ hộ, trả lãi cao.
Kết thúc huy động vốn bằng vàng sớm hơn thời hạn, nhiều ngân hàng chuyển hướng gom vàng dưới hình thức giữ hộ, trả lãi cao.
Tại phòng giao dịch Ngân hàng Phương Đông ở Hà Nội, nhân viên cho biết, đang triển khai song song dịch vụ giữ hộ và huy động vàng thông qua chứng chỉ ngắn hạn. Lãi suất hai hình thức này tương đương nhau, kỳ hạn 1 - 2 tháng là 1,7% một năm, còn 3, 6, 9 và 11 tháng, lãi suất 2%.
Nhân viên này thông tin, mỗi kiểu gửi có một lợi thế khác nhau dù lãi suất gửi vàng và lợi tức giữ hộ không có nhiều chênh lệch. Gửi theo chứng chỉ, khách hàng không bị giới hạn số lượng vàng, nhưng cũng không được rút trước hạn. Còn nếu gửi theo hình thức giữ hộ vàng, lợi suất tương đương với chứng chỉ, nhưng số lượng vàng gửi phải từ 1 lượng trở lên, nếu rút trước hạn hưởng lãi không kỳ hạn.
Một số ngân hàng đã chấm dứt huy động chứng chỉ vàng, chỉ nhận giữ hộ với mức lợi tức cao nhất vượt 4% một năm. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.
Tại một số ngân hàng khác, dịch vụ giữ hộ vàng cũng nở rộ từ tháng 3, với lợi tức cao tương đương với gửi chứng chỉ vàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng kết thúc sớm chương trình huy động vàng dưới hình thức chứng chỉ ngắn hạn mà chuyển sang giữ hộ có trả lãi.
Nhân viên Ngân hàng hợp nhất SCB chi nhánh Hà Nội cho biết, nhà băng này đã kết thúc chương trình huy động chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng từ ngày 31/3. Với các sổ vàng đáo hạn tiếp tục gửi, ngân hàng sẽ chuyển đổi cho khách sang hình thức giữ hộ, hưởng lợi tức. Kỳ hạn giữ hộ của nhà băng này khá dài, gồm 3 mức 12, 15 và 18 tháng. Mức cao nhất 4,6% áp dụng với định kỳ thanh toán 18 tháng, cho số vàng gửi từ 18 tháng. Nếu gửi 1 tháng, lợi tức nhận được chỉ 4,05%, rút trước hạn không được hưởng lãi suất, nhân viên này chia sẻ.
Còn tại Ngân hàng Nam Á, theo lời cán bộ tư vấn, gửi và giữ hộ, chỉ khác nhau về tên gọi. Còn mức lãi suất nhận được vẫn như nhau, cao nhất là 3,7% một năm với các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng. Những kỳ hạn dài hơn, lãi phổ biến 1,8% một năm. Trước đó, lãi suất gửi vàng kỳ hạn 1 - 2 tháng tại ngân hàng này là 4% một năm.
Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng áp dụng lãi suất gửi vàng lên tới 3% một năm. Riêng dịch vụ giữ hộ vàng tại ngân hàng này, mức lợi suất được nhận dao động từ 2 đến 2,1%. Ngân hàng Đông Á cũng áp dụng lãi suất giữ hộ vàng 12 tháng là 3% một năm, 1 tháng 2,95%, rút trước hạn không tính lãi.
Về nghi vấn một số nhà băng huy động vàng lãi cao để làm tài sản thế chấp vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho rằng cũng có khả năng, nhưng không hoàn toàn đúng. Theo ông, trên thị trường tài chính ngân hàng, nhiều người cứ cho rằng phải có tài sản đảm bảo, mới vay được vốn liên ngân hàng, song thực tế không phải. Tài sản chỉ là bước cuối cùng quan trọng nhất vẫn là uy tín cũng như sức khỏe của ngân hàng đi vay vốn, lãnh đạo này chia sẻ.
Còn việc các ngân hàng chuyển sang giữ hộ vàng có trả lợi tức thay cho huy động, lãnh đạo một ngân hàng quy mô lớn bày tỏ, có thể là cách để các đơn vị lách quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì theo quy định, đến 1/5 tới, các ngân hàng phải ngưng huy động vàng, nên việc đổi tên từ "huy động" và "giữ hộ" cũng có khả năng là cách để vẫn thu hút được vốn vàng mà không vi phạm, lãnh đạo này cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB chia sẻ, thường các ngân hàng huy động vàng bằng phát hành chứng chỉ ngắn hạn với hai mục đích chính: Để trả các khoản đã huy động trước đó, hoặc để chuyển thành VND. Hiện nay, việc chuyển đổi vốn thành VND đã bị cấm, nên có thể nói các ngân hàng đang thu hút vốn vàng để chi trả các khoản huy động đến hạn trước đó, ông chia sẻ.
Không bình luận chuyện nhiều đơn vị giữ hộ vàng trả lợi tức cao, lãnh đạo này chia sẻ, thông thường, khi đem vàng đi cất trữ, người có vàng sẽ phải nộp phí giữ vàng. Còn bây giờ, nhiều ngân hàng lại sẵn sàng giữ vàng cho khách, với lợi tức cao tương đương, thậm chí hơn lãi suất huy động chứng chỉ ngắn hạn.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, việc các ngân hàng huy động vàng theo chứng chỉ với mức lãi suất như trên cũng là bình thường, vì đến nay, chưa có quy định trần lãi suất huy động với kim loại quý này.
Trước đó, hồi tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11 yêu cầu các ngân hàng chấm dứt cho vay bằng vàng, việc huy động ngừng trước ngày 1/5/2012. Trong thời gian thực hiện văn bản này, các nhà vẫn được huy động vàng dưới hình thức chứng chỉ ngắn hạn. Lúc đầu, một số đưa về dưới 1% nhưng sau đó, có thời điểm lãi suất huy động bị đẩy lên gần 4,6%.
Theo VNE