Sự kiện hot
7 năm trước

Ngày càng nhiều doanh nghiệp phải trả chi phí ngầm

Các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều phiền hà khi thực hiện các thủ tục thuế và hải quan mặc dù Chính phủ liên tiếp ra các văn bản cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Trong khi đó, gánh nặng thuế, phí ngày càng tăng khiến lợi thế nhân công giá rẻ đang mờ dần.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế. Ảnh: Minh Tuấn

Một khảo sát do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) được Hội tư vấn Thuế công bố tại Hội thảo về những thay đổi trong quy định thuế và hải quan do Eurocham tổ chức ngày 16/5 cho thấy các nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt ban hành Nghị quyết 19 trong 4 năm liên tiếp, đã đem lại nhiều kết quả tích cực, nhưng gánh nặng thuế phí vẫn đè nặng lên hoạt động.

Nhiều cải thiện về thủ tục thuế, hải quan

Theo đó, báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp với ngành thuế năm 2016 cho thấy nhiều chỉ tiêu có đánh giá tốt hơn năm 2014. Chất lượng, tính dễ tiếp cận của hệ thống chính sách, trình độ nghiệp vụ, văn hóa ứng xử của cán bộ thuế có chuyển biến tốt.

Về thủ tục hải quan, có trên 90% doanh nghiệp hoàn toàn hài lòng về việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan qua các trang web của ngành Hải quan cũng như qua các cuộc tập huấn hoặc đối thoại hải quan. Đa số các doanh nghiệp hải lòng với các phương thức tiếp cận thông tin khác như trực tiếp tới gặp, gọi điện, gửi công văn…

Cảm nhận của 86% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, cơ quan hải quan cung cấp thông tin thống nhất, 84% đánh giá thông tin là sẵn có, dễ tìm và 87% doanh nghiệp cho biết các biểu mẫu thủ tục hành chính hải quan dễ điền.

Nguồn: Hội tư vấn thuế

“Sạn” vẫn còn nhiều

Khảo sát năm 2016 cho thấy vẫn còn 55% doanh nghiệp từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế trong năm gần nhất. Con số này là 70% trong khảo sát năm 2014.

Có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Trong đó các doanh nghiệp FDI gặp nhiều phiền hà nhất, với tỷ lệ 53%. Tiếp đến là các doanh nghiệp dân doanh, với tỷ lệ 41%, trong khi đó các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có tỷ lệ gặp phiền hà thấp nhất, ở mức 30%.

Khảo sát cũng cho thấy, vẫn có 31% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hảu quan, cao hơn mức 28% ghi nhận trong năm 2015.

Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Thông thường, các doanh nghiệp phải mất 2 lượt đi lại giải trình với cơ quan thuế. Cá biệt có một số trường hợp phải đi lại giải trình trên 10 lần. Với phương thức kiểm tra trước, hoàn sau có một vài trường hợp phải đi lại tới 15, thậm chí 20 lần.

Đặc biệt, khảo sát năm 2016 cho thấy 34% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức, cao hơn mức 32% trong khảo sát năm 2014. Thậm chí, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI còn cao hơn, lên đến 44%.

Lợi thế nhân công giá rẻ sẽ không còn nhiều?

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nhận xét rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam chịu nhiều gánh nặng thuế phí so với các nước trong khu vực.

Dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Cúc cho biết tổng các khoản đóng góp về thuế, bảo hiểm/lợi nhuận ròng của Việt Nam năm 2014 là 35,2%, cao hơn 4,5 điểm % so với mức bình quân của ASEAN 6. Bên cạnh đó, bảo hiểm bắt buộc của Việt Nam cao hơn 2 lần so với ASEAN 6, tương ứng 23,7% so với 11%.

Năm 2016, do tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, nên tỷ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam tăng lên 39,34%, cao nhất trong số các nước ASEAN 6, trong đó bảo hiểm xã hội tăng lên 24,8%.

Theo bà Cúc, khảo sát của Hội tư vấn thuế cho thấy 100% doanh nghiệp Việt Nam trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bằng cách ký hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn lương tối thiểu. Ngược lại, 100% doanh nghiệp FDI nộp đủ tiền bảo hiểm xã hội theo quy định.

Sắp tới, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ theo thu nhập thực tế nên các doanh nghiệp FDI sẽ chịu chi phí tăng khi đầu tư vào Việt Nam, bà Cúc nhấn mạnh.

Nhận định về các quy định hải quan của Việt Nam, ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang – Rượu mạnh thuộc Eurocham, cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rất quan ngại đến khung pháp lý và cách thức thực thi quy định hải quan. Đặc biệt, khi sai sót hành chính được sử dụng là cơ sở đánh giá hoặc áp đặt mức phạt nặng mà không cần dựa trên nhưng quy tắc công bằng.

Điều này làm giảm lòng tin của các doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc quyết định đầu tư cũng như giảm quy mô hoạt động nếu môi trường không có lợi cho hoạt động kinh doanh”.

Minh Tuấn
Theo BizLIVE

Từ khóa: