Sự kiện hot
10 năm trước

Nghệ An: Liên tiếp xảy ra cháy rừng trong đợt nắng nóng

Trong vòng 1 tháng vừa qua, liên tiếp có hơn 14 vụ cháy rừng xảy ra tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Thời tiết nắng nóng kéo dài, kết hợp với hiệu ứng gió Phơn Tây Nam khiến cho những khu rừng nơi đây luôn nằm trong mức báo động, có thể bất ngờ bốc cháy bất cứ lúc nào.

Nửa tháng xảy ra hơn 14 vụ cháy rừng

Từ nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Nghệ An trải qua một thời gian dài nắng nóng gay gắt, trời không mưa, tình trạng khô hạn đã xảy ra. Nhiệt độ cao, cùng với gió Lào khô nóng “đặc trưng” của khu vực miền Trung, các hồ đập cạn kiệt nguồn nước khiến cấp dự báo cháy rừng tại khu vực này luôn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Các loại thực bì dưới tán rừng khô dày, rất dễ bén lửa gây ra cháy rừng và tốc độ tan tràn lửa rất nhanh, tạo ra những đám cháy lớn và gây khó khăn trong công tác cứu chữa.

Ngày 14/5, Nghệ An xuất hiện đám cháy đầu tiên tại một khu rừng sản xuất do UBND xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) quản lý. Đám cháy đã thiêu rụi 2,3ha rừng thông và bạch đàn. Địa phương đã huy động gần 300 người tham gia chữa cháy. Đây cũng là đám cháy duy nhất tại thời điểm này đã xác định được nguyên nhân là do người dân bất cẩn trong lúc đốt mùn cưa trong vườn dẫn đến cháy rừng.

Tiếp đó, ngày 21/5, lại thêm 3 cháy rừng khác, thiêu rụi 2,8ha rừng giang, nứa của Vườn quốc gia Pù Mát và 1,5ha rừng phòng hộ tại xã Tam Quang (Tương Dương); 1,3h rừng sản xuất thuộc xã Châu Khê (Con Cuông) và một số diện tích rừng sản xuất tại xã Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai).

Ngày 22/5, “giặc lửa” lan đến các khu rừng thuộc các xã Thượng Sơn (Đô Lương), Mỹ Thành, Công Thành (thuộc huyện Yên Thành) và Nam Xuân, Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn). Lửa đã thiêu chày hoàn toàn 8,5ha rừng và phải huy động tới hơn 1.500 người tham gia dập lửa, cứu rừng.

Từ ngày 23- 25/5, cháy lớn lại tiếp tục bùng phát tại huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương và Yên Thành. Ngày 25/5, anh Trần Bá Công (SN 1973), trú tại xã Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã dũng cảm quên mình dập lửa cứu rừng và bị tử vong.

Hiện tại, ở Nghệ An có hơn 30.000 ha rừng thông dễ cháy, trong đó vùng trọng điểm gồm 16.000ha. Tuy nhiên, hiện việc phát dọn thực bì mới chỉ triển khai được 5.000ha. 11.000ha rừng chưa có kinh phí để thực hiện nên nguy cơ cháy rừng luôn đe dọa. Tuy nhiên, do thực bì quá dày cộng với thời tiết khô nóng, thiếu trang thiết bị chữa cháy nên rất vất vả trong việc khống chế ngọn lửa.


Cháy rừng ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn, Nghệ An . Ảnh: Doãn Hòa

Nam Đàn bị thần lửa tấn công tứ phía

So với các địa phương trong toàn tỉnh, Nam Đàn là nơi bị “thần hỏa” ghé thăm liên tục nhiều nhất.

12 giờ ngày 1-6 một đám cháy lớn đã bùng phát tại khu rừng sản xuất thuộc xã Nam Lộc, Nam Tân, huyện Nam Đàn gây thiệt hại tới 70 ha rừng, trong đó có 50 ha rừng thông nhựa.

Để chữa các vụ cháy rừng, đã phải huy động năm nghìn lượt người tham gia chữa cháy, lực lượng chủ công là lực lượng quân sự, đội kiểm lâm cơ động, các chủ rừng, dân quân tự vệ, công an, biên phòng và nhân dân địa phương gần rừng. Đây là đám cháy gây thiệt hại lớn nhất từ đầu mùa nắng nóng tới nay.

Đám cháy rừng tại Nam Lộc đang tiềm ẩn nguy cơ tái phát thì ngay trong chiều 2/6, rừng tại xã Nam Thanh (Nam Đàn), Nghi Kiều ( huyện Nghi Lộc) lại bốc cháy.


Lực lượng quân sự tham gia chữa cháy. Ảnh: Doãn Hòa

Đến sáng ngày 3/6, một đám cháy từ phía Hương Sơn (Hà Tĩnh) bùng phát, cháy lan dữ dội sang vùng khe Sâu, địa bàn giáp ranh thuộc xóm 16, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, nâng tổng số vụ cháy tại huyện này lên sáu vụ cháy rừng thông chỉ trong ba ngày. Đám cháy lan nhanh trong khi công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn do gió thổi mạnh, nhiệt độ vẫn ở mức cao, lượng thực bì ở các đồi núi khá dày khiến ngọn lửa bốc cao tới 5-7m. Việc dập lửa bằng cành cây và các vật dụng khác hầu như không có hiệu quả.

Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày đám cháy mới được khống chế, ước tính thiệt hại gần 10 ha thông, keo. Ông Tô Bá Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: Ngoài lực lượng dân quân, thanh niên trên địa bàn xã, UBND huyện Nam Đàn đã huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an và nhân dân trong vùng đến chữa cháy. Tuy nhiên, do đám cháy xảy ra vào lúc thời tiết nắng nóng cùng với gió Tây Nam thổi mạnh nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn.

Sáng ngày 4/6, lại xảy ra 2 vụ cháy rừng thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Lĩnh, Nam Đàn. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy đông lực lượng dân quân, thanh niên, người dân trên địa bàn xã để dập tắt đám cháy. UBND huyện Nam Đàn đã huy động thêm các lực lượng quân đội, công an đến để chữa cháy.

Do đám cháy từ xã Nam Lĩnh chỉ cách khu di tích lăng mộ Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ khoảng hơn 1km nên chính quyền xã Nam Giang phải huy động lực lượng làm đường băng cản lửa, đảm bảo an toàn cho khu di tích.

Thượng tá Nguyễn Công Thiên - Chỉ huy trưởng, ban chỉ huy quân sự huyện Nam Đàn cho biết: “Do gió phơn Lào thổi mạnh, nhiệt độ cao và lượng thực bì dày khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Từ điểm chân núi lên tới vị trí xảy ra cháy cũng hơn 1km, đường núi dốc nên việc đưa nước lên dập lửa là không thể và chủ yếu dập lửa bằng cành cây, làm đường băng cản lửa”.

Đến khoảng 13h30 phút, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Hiện chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang thống kê thiệt hại từ vụ cháy.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, nắng nóng trên diện rộng tiếp tục kéo dài trong 3-4 ngày tới. Nhiệt độ đo được tại một số nơi như Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa, Tương Dương, Tây Hiếu, nhiệt độ cao nhất có khi lên tới 40-41 độ. Nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Đây là năm có số vụ cháy rừng nhiều nhất, diện tích rừng bị cháy nhiều nhất và đau xót hơn là đã có 1 người chết (ông Trần Bá Công, xã Bảo Thành - PV) và 3 người khác bị thương trong quá trình chữa cháy. Đây cũng là năm đầu tiên Nghệ An phải huy động một lực lượng lớn gồm sự phối hợp liên ngành giữa công an, quân đội, kiểm lâm và người dân các địa phương tham gia chữa cháy, cứu rừng”.

Hồ Hà
theo GĐ&XH

Từ khóa: