Sự kiện hot
11 năm trước

Ngược đời hàng hiệu “núp bóng” hàng Trung Quốc

Mấy ngày qua, người tiêu dùng và các tín đồ hàng hiệu bị choáng về lô hàng nhãn hiệu Gucci và Dolce&Gabbana nhập về từ Trung Quốc bị bắt tại khách sạn Sheraton (Q.1, TP Hồ Chí Minh). Sau vụ việc gây chấn động này, người ta mới vỡ lẽ đây không phải lần đầu tiên hàng hiệu vào Việt Nam theo cách này.

Mấy ngày qua, người tiêu dùng và các tín đồ hàng hiệu bị choáng về lô hàng nhãn hiệu Gucci và Dolce&Gabbana nhập về từ Trung Quốc bị bắt tại khách sạn Sheraton (Q.1, TP Hồ Chí Minh). Sau vụ việc gây chấn động này, người ta mới vỡ lẽ đây không phải lần đầu tiên hàng hiệu vào Việt Nam theo cách này.

Thật giả lẫn lộn

Ngày 2/11, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện container hàng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tạ Giang Linh nhập qua cảng Cát Lái có nhiều nghi vấn. Doanh nghiệp này khai báo nhập khẩu 189 carton chứa túi xách, thắt lưng, vòng đá xuất xứ Trung Quốc, trị giá trên 50 triệu đồng. Công ty này tự áp mã và tính thuế nhập khẩu, thuế GTGT trên 13,6 triệu đồng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế 100% lô hàng thì phát hiện toàn bộ số hàng nêu trên mang nhãn hiệu nổi tiếng Gucci, có xuất xứ từ Italia, Brazil và Pháp, không phải hàng xuất xứ từ Trung Quốc như khai báo. Số hàng thực nhập gồm 10 mục hàng: gần 660 đôi giày nam, nữ; 447 túi xách, ví; hàng trăm thắt lưng, khăn choàng, cavat… Trị giá hàng vi phạm trên 4 tỉ đồng, ẩn lậu thuế gần 1,6 tỉ đồng. Đại diện Công ty này đã thừa nhận hành vi khai báo sai hàng hóa nhập khẩu, nhưng đưa ra lí do phía nước ngoài gửi "nhầm" hàng và xin nộp phạt, tái xuất toàn bộ lô hàng. Tuy nhiên, vụ việc có dấu hiệu hình sự nên Cục Hải quan TP.HCM đã được chuyển hồ sơ sang Viện KSND thành phố xử lý.

Khi vụ việc này còn chưa lắng dịu thì ngày 27/11, 4 xe tải đang nhả hàng tại tầng hầm của khách sạn Sheraton Sài Gòn (số 88 Đồng Khởi, P.Bến Nghé, Q.1), mang hàng trăm thùng áo quần, túi xách, dây nịt, giày dép mang các nhãn hiệu Gucci, Dolce&Gabbana…bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46) ập vào bắt quả tang. Khi bị bắt, ông Lê Hồng Đức (34 tuổi, ngụ Q.1, nhân viên xuất nhập khẩu của Công ty Nam Đế) đã xuất trình với cơ quan công an hồ sơ chứng từ nhập khẩu của lô hàng này ghi xuất xứ từ… Trung Quốc. Điều đáng nói, số hàng trên được khai trong tờ khai hải quan với giá chỉ từ vài chục ngàn đến gần 150 ngàn đồng/món trong khi nhãn hàng này bán ra thị trường từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng/món. Số hàng này được vận chuyển từ một cảng ở Hồng Kông về cảng ICD Phước Long (Q.9) và đã được thông quan trót lọt với thủ tục khai báo như trên, với tổng số thuế nộp chỉ chưa đến 27 triệu đồng. Theo cơ quan chức năng, 4 xe tải chở số hàng trên từ container ở  quận Thủ Đức đưa về lưu trữ tại kho ở khách sạn do chủ hàng thuê nhiều năm nay để trữ hàng.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ thời trang Milano-Gucci (tọa lạc số 88 Đồng Khởi, P.Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) khẳng định hàng nhập về đều do công ty trực tiếp liên hệ với chính hãng thời trang ở Ý chọn lựa mẫu mã, chủng loại và thương lượng giá cả. Sau đó, công ty giao toàn bộ việc ký hợp đồng mua hàng, vận chuyển bằng đường biển, khai báo hải quan nhập khẩu hàng... cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Đế (trụ sở trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3). Theo quy định, lô hàng này phải được vận chuyển từ Ý về thẳng Việt Nam, không quá cảnh ở Hồng Kông nhưng do Công ty Nam Đế không thực hiện đúng quy trình vận chuyển, trị giá hàng hóa ghi không đúng với giá trị thực nên công ty đã từ chối nhận về kho. Tuy nhiên, vẫn không hiểu vì sao lô hàng này lại được vận chuyển về kho và bị công an phát hiện.

“Móc túi” khách hàng

Theo trung tá Bùi Thanh Nguyên - Đội phó Đội 6, PC46 thì nếu tung ra được thị trường, những chiếc quần áo hàng hiệu này nghiễm nhiên có mặt tại những cửa hàng thời trang sang trọng giá bán vài triệu đến vài chục triệu/sản phẩm. Giá trị của lô hàng hiện chưa xác định nhưng nếu quy theo giá trị hàng hiệu có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. “Dù khai báo lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng từ bao bì đến mẫu mã sản phẩm đều không hề có ghi bất cứ một chữ Trung Quốc nào”. Ông cho biết thêm hiện cơ quan này vẫn đang tạm giữ 4 xe tải và toàn bộ số hàng từ khách sạn Sheraton để kiểm tra, phân loại. “Muốn biết nguồn gốc thật sự của lô hàng thì phải chờ giám định mới biết kết quả”-ông Nguyên nói.

Điều các cơ quan chức năng và dư luận đặc biệt quan tâm là lô hàng này là hàng giả từ Trung Quốc hay hàng “xịn” xuất xứ từ Ý khai man là hàng Trung Quốc. Trong trường hợp thứ nhất thì khách hàng đã bị lừa mua phải hàng dỏm có giá cắt cổ. Trường hợp thứ hai thì các mặt hàng này “né” được khoản thuế cao hơn 40%. Dĩ nhiên, khi người dùng cắn răng chịu mức giá ngất ngưởng của các sản phẩm này thì đã bao gồm cả phần thuế đã bị “đánh cắp”. Chị Nguyễn Thị M. (Q.1, TP HCM ) là khách quen của cửa hàng Gucci & Milano cho biết rất bức xúc sau vụ việc hàng hiệu được khai là hàng Trung Quốc nhập về Việt Nam. Vì để sở hữu những mặt hàng có thương hiệu này, số tiền bỏ ra không phải là nhỏ. Việc mua và sử dụng hàng hiệu không chỉ đơn giản là vì có tiền mà còn khẳng định vị thế và đẳng cấp.. “Dù là hàng nhái hay hàng lậu trốn thuế, nếu ra thị trường thì chúng tôi đều chịu thiệt thòi vì phải trả những giá quá đắt so với giá trị thật của chúng”-chị nói. Chị Hà, một “tín đồ” khác thì chia sẻ: Dù vụ việc vẫn chưa được làm rõ nhưng dân xài hàng hiệu đã có dấu hiệu không còn tin tưởng ở các cửa hàng bán thời trang cao cấp tại Việt Nam. Từ sự việc này, chắc chắn các cửa hàng chính hãng sẽ thiệt hại lớn.

Thượng tá Trần Văn Mậu-Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46), Công an TP.HCM khẳng định: “Việc giám định nguồn gốc hàng hóa cũng là khâu quan trọng trong việc xác định và xử lý sai phạm trong trường hợp này”. Cũng theo ông, dù chưa thể khẳng định nhưng những người có liên quan có thể bị xử lý về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, tội “buôn lậu” hoặc cả hai tội cùng lúc.

Theo các lực lượng chức năng, trước đây những mặt hàng tiêu dùng có nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá cao như trên chủ yếu được nhập khẩu qua đường hàng không, nhưng nay lại được nhập qua đường cảng biển dưới dạng… hàng Trung Quốc

Quảng Lệ

Từ khóa: