Sự kiện hot
13 năm trước

Nhiều dịch vụ còn chưa chịu rời... giá Tết

Mặc dù đã hết Tết theo lịch, nhưng giá cả các loại dịch vụ tại Hà Nội vẫn ở mức cao hơn bình thường từ 20 – 30% và xu hướng giảm vẫn khá chậm.

Mặc dù đã hết Tết theo lịch, nhưng giá cả các loại dịch vụ tại Hà Nội vẫn ở mức cao hơn bình thường từ 20 – 30% và xu hướng giảm vẫn khá chậm.

Tăng giá vì Tết… chưa hết

Theo quan niệm của nhiều người, Tết là từ đêm 30 cho tới hết ngày mùng 10 âm lịch, thế nhưng đã qua tới cả rằm tháng Giêng nhưng giá cả nhiều loại dịch vụ tại Hà Nội vẫn ở mức trên trời.

“Chém” đẹp nhất là các dịch vụ ăn uống, nếu như trong ngày thường một bát bún riêu chỉ bán 15.000 đồng thì tại nhiều nơi, giá chung vẫn là 30.000 đồng/bát. Gian hàng bún riêu của cô Lan, gần ngõ Thịnh Hào (Tôn Đức Thắng) đã bắt đầu tăng giá từ ngày mở hàng là mùng 2 Tết với giá 40.000 đồng/bát và hiện tại đứng ở mức 35.000 đồng/bát, trong khi giá ngày thường chỉ là 20.000 đồng/bát.

Khi khách hàng thắc mắc vì sao giá cao, cô trả lời luôn: “Vì Tết nên giá nó thế”, khách hỏi tiếp: “Thế Tết là những ngày nào?” thì cô trả lời rằng “những ngày này vẫn là… Tết”.

dich vu, gia ca, het tet

Cổng vào rạp Ngọc Khánh treo một tấm biển thông báo giảm giá vé trong ngày thứ 2 và thứ 4 rất hoành tráng.

Trên thực tế, sau tết, giá cả các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ tuy có giảm nhưng chỉ ở mức nhỏ giọt. Mang đậm chất chặt chém nhất là đồ ăn ở khu vực phố cổ như Đào Duy Từ, Tạ Hiện, hàng Trống… với bún, phở vẫn ở mức 40.000 đồng/suất.

“Loáng cái ra khỏi nhà đã hết tiền, ăn sáng hết 40.000, café 20.000, gửi xe 5.000… chưa kể nếu ăn trưa, ăn tối cũng không về nhà nữa thì tổng tiền cả tháng 1 này bằng cả tháng lương của bố, mẹ”, bạn Tạ Anh Tú (Khâm Thiên) cho biết.

Không chỉ có hàng ăn, đồ uống vỉa hè cũng ăn theo giá Tết, một cốc trà đá tại phố hàng Điếu lên tới 3.000 đồng, trong khi những loại đồ uống phổ thông khác như Coca cola, Pepsi, Dr.Thanh tăng lên 1000 đồng/ 1 lon (hoặc chai) mỗi loại.

Không chỉ có những hàng ăn uống trên vỉa hè, ngay như rạp chiếu phim Ngọc Khánh (Trung Tâm Văn hóa Điện ảnh – Viện phim Việt Nam), mặc dù treo biển phía ngoài ngày thứ 4 giá là 25.000 đồng/vé thì trong ngày thứ 4 gần đây nhất (16/2/2011) vẫn bán với giá 30.000 đồng/vé (suất chiếu trước 17h) khiến nhiều thượng khách ngỡ ngàng.

Nhân viên ở đây tỉnh bơ giải thích cho khách hàng rằng: “Vì bây giờ vẫn là thời gian lễ Tết nên chưa giảm giá vé, hết tháng 1 mới giảm”. Tuy nhiên, ngay tấm bảng to uỵch trước lối vào rạp là dòng chữ thông báo: “Từ 01/7/2010 tại rạp Ngọc Khánh 25.000 đồng/vé – áp dụng vào ngày thứ 2 và thứ 4” và chưa có thông báo thay đổi nào về giá vé để khách hàng dễ dàng nhận biết.

... nhưng nhân viên quầy vé vẫn thu với giá vé bình thường trong ngày khuyến mãi, lý do là bởi: “Tết chưa hết”.

Anh Hoạt (khách xem phim) bức xúc: “Đến đơn vị lớn còn làm ăn như vậy sao trách được những người bán quán vỉa hè, rạp Ngọc Khánh không tôn trọng khách hàng, làm như vậy chẳng khác nào treo đầu dê, bán thịt chó”.

Giá cao cho tới hết “tháng ăn chơi”

Trong tháng 2 dương lịch (một số ngày vẫn thuộc tháng Giêng âm lịch), giá cả các loại đồ ăn và dịch vụ tuy có giảm nhẹ so với trong Tết nhưng vẫn ở mức cao do dư âm của các lễ hội tháng Giêng và tâm lý “tháng ăn chơi” khiến nhiều người bán hàng vẫn thoải mái bán đắt mà không bị khách kêu ca nhiều.

Để thu lãi cao nhất trong một khoảng thời gian càng lâu càng tốt ăn theo lễ Tết, nhiều chủ quán còn áp dụng chính sách hai giá với các đối tượng khác nhau: “Khách ăn quen thì giá lấy 25.000 thôi vì giá rau, thịt ở chợ mình nhập cũng tăng một chút so với ngày thường, nhưng khách lạ thì cứ 35.000/bát”, cô Lan bán bún gần ngõ Thịnh Hào cho biết.

“Khi nào hết tháng Giêng, tự nhiên hàng hóa cũng rẻ hơn thì mình bán rẻ hơn, không thì khách ngồi ăn, một người trả tiền kêu đắt rồi những người trả tiền sau nhìn vào cũng kêu đắt thì mình cũng không làm ăn được”, chủ một quán phở nói..

Dư âm lễ hội tháng Giêng làm các loại hàng hóa tăng giá cao và đang có mức giảm giá chậm.

Trong tháng Giêng, khổ nhất là dân công chức vì tiền lương thì vẫn được nhận như vậy nhưng cứ đi tiêu tiền là động vào cái gì giá cũng tăng.

“Giá cả cái gì cũng tăng như thế này thì oải quá, Tết đã tiêu quá nhiều vượt cả tiền thưởng Tết rồi, mấy hôm nữa xăng, điện mà tăng giá thì kiếm đâu tiền mà mua sữa cho cháu”, anh Đình Khương (Thanh Xuân) còn nói với thêm: “Sữa Ensure tôi mua cho cháu ở nhà, một hộp trước Tết cũng chỉ 475.000, cũng vừa lên 521.000/hộp rồi, một tháng cháu cũng uống hết 3 hộp”.

Người dân đang kỳ vọng vào việc giá cả các loại hàng hóa bình ổn trở lại để cuộc sống sinh hoạt không bị đảo lộn, tuy nhiên tháng Giêng chưa hết lại xuất hiện thêm một nỗi lo mới đó là giá xăng có thể sắp tăng. Anh Ngô Văn Thành (Thái Hà) than thở: “Áp Tết, trong Tết và sau Tết giá cả cái gì cũng tăng mà chưa thấy giảm bao nhiêu, mấy hôm nữa giá xăng tăng lên làm các thứ khác cũng vọt theo như Tết thì gia đình chưa nghĩ ra cách để xoay xở như thế nào vừa sống vừa lo cho các con đầy đủ”.

Theo Phan Minh/VTC

Từ khóa: