Sự kiện hot
11 năm trước

Nhiễu thông tin thực phẩm ở TPHCM: Người nội trợ rối chuyện bếp núc

Dồn dập thông tin thực phẩm bẩn khiến không ít bà nội trợ ở TPHCM rối như tơ vò. Họ biết đi chợ làm sao để các thành viên trong gia đình vừa có sức khỏe an toàn, vừa không chán ăn đây?

Dồn dập thông tin thực phẩm bẩn khiến không ít bà nội trợ ở TPHCM rối như tơ vò. Họ biết đi chợ làm sao để các thành viên trong gia đình vừa có sức khỏe an toàn, vừa không chán ăn đây?


“Làm ơn cho trái dừa zin” đang được người dân TPHCM thốt lên khi muốn uống dừa tươi. Ảnh: Đ.Bá.

Dồn dập thông tin thực phẩm bẩn

Bà nội trợ Lê Nhật Hương (ở quận Thủ Đức) cắp giỏ ra chợ như thường nhật mà lòng rối như tơ vò. Thói quen của ông Viễn - chồng bà Hương là bún bò Huế cho bữa sáng, có khi tuần ăn đến 4 lần. Dạo trước nghe tin bún nhiễm độc, bà Hương phải đổi món sáng cho ông sang bánh mỳ. Mấy ngày gần đây, nhiều thông tin bún sạch, bún bẩn đã được làm rõ nên món bún bò Huế trở lại thực đơn sáng nhà bà Hương. Nhưng rồi vài ngày qua lại rộ thông tin hoa chuối bị “tắm trắng” khiến ông Viễn phán thẳng: “Bún bò Huế không dính bún thì cũng dính hoa chuối, dẹp nghen bà”. Bởi vậy bà Hương đâm rối.

Thực ra, không chỉ riêng gia đình ông Viễn-bà Hương mà rất nhiều người dân TPHCM hết sửng sốt đến bàng hoàng, rồi đâm ra lo trăm thứ bởi thông tin thực phẩm bẩn liên tục xuất hiện. Chuyện bún bẩn chưa qua, chuyện màng bọc thực phẩm độc hại lại đến, rồi sữa bột nhiễm khuẩn… chuyện nọ xọ chuyện kia khiến người dân không biết đường nào mà lần.

“Hồi tui nghe bún nhiễm bẩn tui chả tin, trước giờ có ai bệnh hay chết vì bún đâu. Thế nhưng bây giờ, cơ quan chức năng nói có thì làm sao không tin cho được. Tui có nói với bà nhà, bà đừng lo quá, chỉ là mấy người làm bún chui thôi mà, có phải ai cũng vậy đâu. Ấy là tui nói cho bà nhà đỡ lo. Thế rồi đùng cái, mấy hôm sau đến sữa New Zealand, rồi màng bọc thực phẩm Trung Quốc, bà nhà tui mới hỏi giờ ông nói làm sao. Thiệt với chú, miệng lưỡi như tui cũng hết cách nói. Vài ngày qua người ta đồn um lên dừa, hoa chuối, ngó sen, măng bào, củ hành tây… tóm lại thứ gì “tắm trắng” là tinopal ráo trọi. Tui cũng bó tay, chả biết nói gì với bà nhà”, ông Nguyễn Thanh Sơn, một cán bộ hưu trí ở đường Bùi Thị Xuân (gần chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) chán nản.

Làm ơn cho trái dừa zin!

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét những loại thực phẩm là rau, củ, quả được xem là có “nhiều màu trắng”, tuy nhiên cho đến nay không thấy có dấu hiệu “nhiễm độc” tinopal như dư luận đề cập. Bà Mai cũng cho biết thêm, theo các chuyên gia thì tinopal để làm sáng bún chứ không phải làm trắng bún. Vì vậy, chất tinopal làm trắng rau, củ, quả là thông tin thiếu cơ sở.

Chỉ trong vòng 4 ngày trở lại đây, người dân TPHCM đi mua dừa tươi giải khát đã bắt đầu đề xuất “làm ơn cho trái dừa zin”. Từ nhiều năm qua, dừa tươi được người bán gọt dũa rất đẹp, gọn gàng giúp người uống cảm thấy dễ chịu và ngon miệng. Trái dừa được gọt gần hết vỏ ngoài, lộ cả lõi dừa bên trong, trắng tinh tuyền. Đến thời điểm này, tinopal làm bún trắng bóc khiến người ta tự hỏi: Làm sao mà dừa trắng dữ vậy, tinopal chăng?

Trưa 14/8, trên đường 3/2, anh Nguyễn Văn Tư - một người có gốc gác Bến Tre, đã 12 năm bán dừa dạo ở TPHCM cho biết: “Dạo này khách không uống dừa đã gọt đẹp đâu, dù mình có để sẵn đây nè. Họ chọn trái dừa xanh rồi bảo mình gọt tại chỗ. Mình nói, cầm trái dừa nguyên như vậy vừa khó vừa bẩn, họ nói kệ, còn zin, nước sạch là được”. Anh Tư bảo, thật ra chuyện tinopal có làm dừa trắng hay không mới chỉ là tin đồn rộ lên trong mấy ngày qua. Trái dừa tươi, trắng đẹp là chuyện đã có từ lâu lắm rồi.

“Có người bán dừa 3 năm là phải bỏ nghề bởi ham pha thuốc tẩy nhiều quá, thối hết móng tay luôn”, anh Tư nói - “Bịch thuốc tẩy giá 6.000 đồng pha với 2/3 thùng nước (thùng sơn tường) là vừa. Dừa trắng đẹp mà tay không bị ảnh hưởng nhiều”. Loại thuốc tẩy anh Tư nói tới kia được bán đầy ở chợ Kim Biên. Vào chợ này chỉ cần hỏi “có thuốc tẩy dừa không?” là nhận ngay câu trả lời 70.000 đồng/kg. Những người bán dừa đang “đùa” với sức khỏe người tiêu dùng và cả bản thân mình bởi việc sử dụng loại hóa chất giá rẻ.

Màu trắng của thực phẩm, theo tâm lý thông thường là đẹp, sạch, vệ sinh nên rất được người nội trợ ưa chuộng. Bởi vậy, không chỉ bún mà dừa tươi, hoa chuối, măng bào, ngó sen, củ hành tây bào… được các tiểu thương dùng nhiều cách thức để làm trắng. Thế nhưng “bão tinopal” đã thay đổi suy nghĩ đó của người nội trợ. Hiện giờ, cứ mỗi lần xách làn đi chợ, người nội trợ TPHCM lại tìm đến các loại thực phẩm có mẫu mã, hình thức xâu xấu cho an toàn. “Tìm mua thực phẩm có hình thức không đẹp về nấu ăn cho cả nhà yên tâm, vậy mà bọn nhỏ bảo tôi keo kiệt, không mua đồ ngon nữa chứ. Thời này làm nội trợ thiệt không phải dễ”, bà Hương thở ra.

Đỗ Bá - Thanh Giang
theo GĐ&XH

Từ khóa: