Sự kiện hot
5 năm trước

Những "đại gia" chăn bò ở Nông trường Mộc Châu

Sau khi nhận khoán bò từ Nông trường Mộc Châu, cuộc sống người dân ngày càng cải thiện, nhiều người có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Khác với hình ảnh nghèo khó thường gặp ở các xã miền núi, Nông trường Mộc Châu giờ trở thành thị trấn sầm uất với nhà tầng mọc san sát, nhiều xe hơi đời mới tấp nập qua lại. Nhờ bò sữa, hàng triệu hộ dân ở Mộc Châu thoát nghèo, không ít người thành tỷ phú.

Ông Nguyễn Thạch Lỏi, ở tiểu khu 67, Thị trấn Nông trường Mộc Châu là một trong những gương nông dân từ tay trắng trở thành tỷ phú nhờ bò sữa. Gia đình ông hiện chăn nuôi hơn 200 con bò sữa với sản lượng hơn một tấn mỗi ngày. Bình quân, mỗi năm gia đình ông Lỏi thu về 5 tỷ đồng.

  Ông Nguyễn Thạch Lỏi, tiểu khu 67
Ông Nguyễn Thạch Lỏi, tiểu khu 67

Ký ức về thời gian lên Mộc Châu lập nghiệp 30 năm trước của ông Lỏi là chuỗi ngày khó khăn. Sau hai năm làm việc ở Nông trường Mộc Châu, ông nhận khoán 22 con bò vào năm 1989. "Có những thời điểm khó khăn tưởng chừng không vượt qua nhưng nhờ sự cố gắng và tâm huyết không từ bỏ con bò cùng sự hỗ trợ của công ty, chúng tôi đã phát triển được đàn bò gần 200 con và có thu nhập cao, ổn định", ông Lỏi cho biết.

Không chỉ gia đình ông Lỏi, nhiều gia đình coi chăn bò là nghề truyền thống, điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Quất, Đơn vị 85, Thị trấn Nông trường Mộc Châu có hai thế hệ sống bằng nghề chăn bò sữa.

Từ 10 con bò khoán hộ vào năm 1990, đến nay, tổng đàn bò của gia đình đã lên tới 208 con do chính người con trai Nguyễn Văn Quang làm chủ. Ông Quất cho biết, bình quân mỗi ngày, trang trại của gia đình thu hoạch 2 tấn sữa, bán được ngót nghét 25 triệu đồng. Năm 2017, gia đình đạt tổng sản lượng 780 tấn sữa, cho doanh thu hơn 9 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 3 tỉ đồng.

Quyết định lịch sử đưa người nông dân thành “tỷ phú chăn bò”

Nói về mô hình khoán hộ, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Mộc Châu Milk, tiền thân của Nông trường Mộc Châu gọi nó là quyết định lịch sử. Bởi những năm 1987-1988, Nông trường Mộc Châu gặp nhiều khó khăn khi người không có ăn, bò sữa đói không đủ dinh dưỡng, ngân hàng không hỗ trợ cho vay vốn, không tìm được đầu ra sản phẩm trong khi Nhà nước cũng chưa có chính sách khoán.

  Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Mộc Châu Milk
Ông Nguyễn Thạch Lỏi, tiểu khu 67

Đứng trước khó khăn, lãnh đạo Nông trường quyết định chỉ có khoán hộ chăn nuôi, gắn lợi ích của người nông dân với công sức của họ mới thoát được cảnh nghèo này. Mô hình khoán hộ ra đời từ đó.

"Từ 117 con bò được khoán cho 17 hộ nuôi thí điểm, sau 6 tháng, những người nông dân chủ động đề nghị khoán hộ rộng hơn. Năm 1990, lãnh đạo Nông trường quyết định sẽ đóng vai trò làm "bà đỡ", giúp bà con bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và công tác thú y", ông Chiến nhớ lại.

"Bà đỡ" của người dân

Xác định vai trò làm "bà đỡ" hỗ trợ người nông dân từ việc chăm sóc đàn bò đến bao tiêu việc thu mua sữa tươi, công ty Mộc Châu Milk không chỉ hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thú y, con giống mà còn tổ chức đào tạo, cắt cử cán bộ thú y tại các đơn vị chăn nuôi. Công ty cam kết thu mua hết sữa sản xuất ra cho người chăn nuôi bằng các hợp đồng mua bán được ký kết hàng năm.

Để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò sữa, Công ty sữa Mộc Châu còn nhập khẩu cỏ alfalfa giàu dinh dưỡng từ Mỹ, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn tinh và thức ăn tổng hợp TMR với khẩu phần đảm bảo chất lượng thức ăn cho từng đàn loại.

Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức các đơn vị khuyến nông và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ thông qua việc phòng chống dịch bệnh, thụ tinh nhân tạo, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, khai thác sữa khoa học.... Những biện pháp trên nhằm đảm bảo hơn 24.000 cô bò sữa tại nơi đây đều được chăm sóc cùng một chế độ, một tiêu chuẩn cao nhất, cho ra nguồn sữa đồng đều và có hàm lượng chất béo, chất đạm cao nhất cả nước.

  Trao giải
Ông Nguyễn Thạch Lỏi, tiểu khu 67

Mộc Châu Milk cũng là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong thực hiện chính sách bảo hiểm vật nuôi và giá sữa cho nông dân. Mô hình bảo hiểm bò sữa và giá sữa được thực hiện từ năm 2004 - thời điểm cả nước đang loay hoay với bảo hiểm nông nghiệp.

Hiện nay, nhiều hộ có quy mô từ 80 đến hơn 200 con. Trang trại được trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy cắt cỏ, máy cày bừa, máy băm cỏ, máy vắt sữa... đưa ngành chăn bò trở thành ngành công nghiệp cao.

Tiêu biểu, tại trang trại của ông Lỏi, nhờ áp dụng những quy định nghiêm ngặt do công ty hướng dẫn trong chăm sóc đàn bò mà sản lượng sữa của trang trại ông đạt trên 1 tấn mỗi ngày. Đàn bò được quan tâm chăm sóc từ chế độ dinh dưỡng, kiểm tra tình trạng sức khoẻ và thời gian sinh hoạt điều độ.

Cùng với việc chăm sóc đàn bò sữa khoẻ mạnh, vấn đề bảo vệ môi trường sống được người nông dân nơi đây quan tâm. Từ hệ thống chuồng trại luôn đảm bảo sạch sẽ đến việc xử lý chất thải khoa học.

Vừa qua, nhờ có sự hỗ trợ của công ty, gia đình ông Lỏi đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải bằng máy tách ép phân, vừa giúp xử lý chất thải an toàn với môi trường, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi tháng ông Lỏi bán được 60 tấn phân với giá 2.500 đồng/kg, thu về 150 triệu đồng.

Tâm huyết với nghề nuôi bò sữa

Vươn lên từ bò sữa nên mỗi người dân chăn bò tại thảo nguyên xanh Mộc Châu đều tâm huyết với nghề. Để tôn vinh nghề chăn nuôi bò, mỗi năm Mộc Châu Milk đều tổ chức Hội thi Hoa hậu Bò sữa nhằm khuyến khích, động viên những người chăn nuôi bò sữa, giới thiệu những con bò không những chỉ đẹp về ngoại hình mà còn có khả năng sản xuất cao, mang đặc trưng riêng của giống bò Holstein Friesian thuần chủng.

Sau 15 năm tổ chức, Hội thi đã trở thành lễ hội truyền thống của những người chăn nuôi trên cao nguyên Mộc Châu. Năm nay, “nàng bò” mang số hiệu 13568 của anh Lê Xuân Tiến, tiểu khu 19/5, thị trấn Mộc Châu giành ngôi vị cao nhất với tổng giải thưởng trị giá 75 triệu đồng.

“Công ty hoạt động trên nguyên tắc lấy “con người làm gốc” nên cuộc thi Hoa hậu Bò sữa và những hỗ trợ cho nông dân đều hướng tới mục tiêu trở thành mô hình phát triển bền vững cho truyền thống nghề chăn nuôi bò sữa”, ông Chiến bày tỏ.

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: