Sự kiện hot
11 năm trước

Những đứa trẻ không có Trung thu

Trời đêm vào thu se lạnh, phố phường khắp nơi đã lên đèn. Không khí Trung thu đã ngập tràn mọi ngõ ngách Hà Nội.

Trời đêm vào thu se lạnh, phố phường khắp nơi đã lên đèn. Không khí Trung thu đã ngập tràn mọi ngõ ngách Hà Nội.

Trong đêm náo nhiệt sắc màu ấy vẫn còn những bước chân con trẻ lầm lũi mưu sinh. Với các em, năm học mới, hay Trung thu đang về là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ…


Những đứa trẻ mưu sinh trong đêm tối. Ảnh: HP

“Trung thu cũng là Tết hả bà?”

0 giờ. Một ngày mới bắt đầu ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở còn vắng lặng ít hàng hóa và ít cả người mua kẻ bán. Thấp thoáng mấy đứa trẻ nằm co ro trên những manh chiếu cũ trải cạnh thùng hàng bằng xốp. Mặc dù Hà Nội mới vào thu nhưng thời tiết khá lạnh lúc đêm trở sáng. Tuy vậy, điều đó cũng không ngăn được những giấc ngủ ngon lành của bọn trẻ chỉ với manh áo mỏng, trong cảnh màn trời.

Nằm sau lưng một phụ nữ trạc 50 tuổi, bé Nguyễn Văn Công (10 tuổi) co ro cho đỡ gió lạnh. Người phụ nữ che cho Công ngủ là bà nội của em. Công đã cùng bà ra chợ đầu mối hơn một năm nay. Hai bà cháu quê ở Trực Ninh, Nam Định ra Hà Nội mưu sinh kiếm sống qua ngày. Nhân lúc chợ còn vắng, bà Sáu (bà nội của Công) kể: “Bố mẹ nó đi Đài Loan 2 năm nay rồi. Bố đi trước, mẹ đi sau, gửi lại cháu cho bà. Từ ngày đó tới giờ biệt vô âm tín. Việc của tôi là chạy chợ. Ở nhà chẳng có ai chăm sóc, mình buộc phải mang cháu đi cùng”.

Hai bà cháu có thuê chỗ ngủ tập thể cho người lao động ở gần đó nhưng buổi tối, bà đi chợ để lại cháu ở khu trọ thì không yên tâm nên đưa cả cháu đi cùng. Cả đêm bà mua buôn bán lẻ, còn cháu nằm ngủ ngon lành. Buổi sáng hai bà cháu nghỉ ngơi, chiều đến lại vác lên vai những thứ đồ lỉnh kỉnh như ví, bông, tăm, bật lửa, đĩa DVD... bán dạo khu vực Hoàng Cầu, Đống Đa. Tôi hỏi bà Sáu: “Đã vào năm học rồi, Công không đến trường sao?”. Bà Sáu không trả lời chỉ lắc đầu cười trừ: “Mấy lần dắt cháu qua cái khu nhà mới xây hoành tráng đầu đường Nguyễn Trãi (Khu đô thị Royal City - PV) tôi hứa với cháu hôm nào Trung thu sẽ tranh thủ đưa cháu vào chơi. Nó quay lại hỏi bà: “Trung thu cũng là Tết hả bà?”. Thương cháu mà không biết phải làm gì”.

Bà Sáu cho biết, ở khu trọ bà ngủ mướn qua đêm còn rất nhiều trẻ em độ tuổi lên 9-10 như Công. Đứa theo mẹ, đứa theo bà từ nhiều miền quê khác nhau ra Thủ đô mưu sinh. “Tất nhiên, cũng như cháu tôi, tất cả bọn trẻ đều không được đến trường”, bà Sáu nói.


15 tuổi, Năng đã có 2 năm bôn ba kiếm sống ở Thủ đô.

Chân run, tay yếu mưu sinh

Trung thu là của… người ta

“Ngày trước em cũng có phần. Nhưng bây giờ, Trung thu là của người ta, là của những gia đình có điều kiện. Chúng em chỉ lo làm hoàn thành công việc cuối tháng nhận lương. Chỉ cần vậy thôi anh ạ”.

Minh, một cậu bé mưu sinh ở phố Lý Văn Phúc

Theo lời kể của những đứa trẻ mưu sinh ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở, tôi tìm đến những quán ăn đêm. Những khu ăn uống ở phố Đê La Thành, chợ Đồng Xuân, Lý Văn Phúc... là nơi mưu sinh của rất nhiều trẻ em.

Vì nhiều lý do cuộc sống mà những đứa trẻ độ tuổi 14, 15 như các em lũ lượt ra Hà Nội nhưng không sống tập trung mà tản mát khắp nơi. Đứa thì kiếm sống ở chợ đầu mối, đứa rửa bát cho nhà hàng, đứa thì trông xe cho các quán ăn đêm, đứa lang thang bán dạo đủ các loại hàng hoá trên đời...

22 giờ đêm, chúng tôi đến phố Lý Văn Phúc. Nơi đây vẫn đông đúc hàng ăn hoạt động bởi là dịp cuối tuần. Tôi bước vào một quán cuối phố, một em bé nhanh nhảu chạy đến dắt xe. Ban đầu tôi cứ tưởng em đi cùng với người lớn đến đây ăn uống nhưng nhìn bộ dạng thì hóa ra em là người trông xe cho quán này.

Hỏi thăm mới biết em tên là Năng. Năng mảnh khảnh, nhỏ thó, gày tong teo và không ai nghĩ rằng em đã bước qua tuổi 15 với “thâm niên” 2 năm bôn ba kiếm sống ở Thủ đô. Chị gái Năng ra Hà Nội kiếm sống từ năm 2008. Mới đây, Năng đã “dắt mối” cho 2 bạn ở quê nữa ra kiếm sống.

Có ngồi ở những quán ăn đêm này chứng kiến đội quân “thiếu nhi” chào mời, dắt xe cãi nhau nhặng xị bằng đủ thứ giọng “lạ” mới tin lời bà Sáu rằng có rất nhiều em không chỉ ở Nam Định, Hưng Yên, mà cả ở miền Trung xa xôi dạt ra Hà Nội kiếm sống.

Minh, bạn cùng quê, cùng trang lứa với Năng lại làm cho một quán nhậu khác, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau. Minh bảo bạn bè của em ở Hà Nội có 8 đứa. Tất cả đều nghỉ học đi làm thêm. “Nỏ (chẳng) ai giống ai. Thằng Năng thì chị dẫn ra. Em với Lý thì không có điều kiện đi học. Mẹ Tuấn ra làm ôsin cho một gia đình gốc Nghệ An, rồi bác ấy đưa Tuấn ra rửa xe cho quán xe ông chủ nhà luôn. Tuấn may hơn bọn em là nó tối về ngủ với mẹ không phải thuê nhà như bọn em”, Minh nói.

“Ở đây có nhiều bạn từ quê ra nên cũng đỡ nhớ nhà. Ngoài việc trông xe, dắt xe cho khách, hôm nào vãn khách sớm, chúng em còn nhận luôn cả những việc khác mà chủ thuê từ quét dọn cả đoạn phố cho đến rửa chân gà. Anh hỏi có biết Tết Trung thu không? Có chứ. Nhớ lúc ở quê, cứ dịp này là các anh chị rước đèn, múa lân, diễn văn nghệ. Các cô các chú ở xã còn phát kẹo, thậm chí còn phát sách vở cho trẻ con đi học”, Minh tâm sự.

Trời về khuya, lành lạnh, ngõ phố nào cũng rậm rịch đèn lồng, các cửa hàng bánh Trung thu màu sắc sặc sỡ xuất hiện càng nhiều, càng thấy thương cho những mảnh đời lầm lũi mưu sinh trong đêm khuya vắng. Các em bị đẩy vào đời quá sớm.

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: