Sự kiện hot
6 năm trước

Những mảnh đất vàng 'họ' nhà nước của Vietcomreal

Mô hình chung là hợp tác đầu tư với doanh nghiệp có vốn nhà nước, sau đó các đối tác này thoái dần vốn. Cách thức này giúp lô đất không bị thu hồi để bán đấu giá công khai - vốn là phương pháp minh bạch mang về lợi ích tối đa cho Ngân sách.

Nằm cạnh Kênh Tẻ, 'đón gió' sông Sài Gòn, thuê nhà thầu uy tín Coteccons cùng mật độ xây dựng thấp giúp dự án Charmington Iris 76 Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM thành hàng 'hot' trên thị trường địa ốc Sài Thành.

Được quảng bá với nhà phát triển chuyên nghiệp TTCLand (trước đây là Sacomreal), tuy nhiên 'ông kẹ' đứng sau dự án quy mô 1.438 căn hộ hạng sang không phải là doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành, mà là một cái tên đình đám khác - nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phước - Tổng giám đốc CTCP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal). 

Dự án có lịch sử từ năm 2009, khi Công ty TNHH Thuỷ tinh Malaya Việt nam (Công ty liên kết với Sabeco) phải di dời nhà máy tại 76 Tôn Thất Thuyết. Malaya Việt Nam sau đó cùng Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Du lịch Hiệp Phúc (gia đình bà Phước nắm 100% vốn) đã ký hợp đồng triển khai dự án bất động sản tại đây. 

Giữa năm 2013, Malaya rút khỏi dự án. Sabeco tiếp tục tham gia với đối tác Hiệp Phúc và góp 8% vốn bằng giá trị lợi thế thương mại, góp 18% bằng tiền ứng vốn không tính lãi từ Hiệp Phúc. Khoản 18% này thực chất là tiền của Hiệp Phúc. Sabeco chỉ được nhận sản phẩm của dự án tương ứng với 8% vốn điều lệ của liên doanh nhưng không ít hơn 20 căn hộ 3 phòng ngủ diện tích từ 80-100m2 đã hoàn thiện.

Đầu năm 2016, hai bên thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP với vốn điều lệ ban đầu 305 tỷ đồng, được tăng lên 555 tỷ đồng tháng 4/2018. Hiệp Phúc trên thực tế nắm tới 92% vốn dự án. 

Nói tóm gọn, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Phước đã bỏ ra 8% vốn và quyền lợi đi kèm trong liên doanh đầu tư dự án để đổi lấy quyền sở hữu lô đất rộng khoảng 16.600 m2 mặt tiền Kênh Tẻ nhìn ra sông Sài Gòn mà không phải thông qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai - vốn là phương thức mang lại lợi ích lớn nhất cho Ngân sách Nhà nước. 

Và đây không phải thương vụ duy nhất giữa Sabeco và các doanh nghiệp liên quan đến nữ doanh nhân gốc Khánh Hoà.

Không chỉ góp vốn hợp tác, mối quan hệ khăng khít giữa các bên còn thể hiện qua việc bản thân Sabeco thông qua CTCP Bất động sản Sabeco để trở thành một trong các bên sáng lập Vietcomreal cuối năm 2007. 

Từ trước thời điểm cổ phần hoá (năm 2008), Sabeco đã đưa các khu đất 66 Tân Thành (Q.5, rộng 4.000 m2), số 4 Thi Sách (Q.1, rộng 476,2m2) cùng số 3 Thái Văn Lung (Q.1 rộng 1.600m2) đi góp vốn trong liên doanh CTCP Đầu tư Thương mại Tân Thành để thực hiện các dự án bất động sản. 

Hiện nay, mảnh đất 'vàng' gần 2.100 m2 số 4 Thi Sách hợp số 3 Thái Văn Lung sẽ làm dự án Vietcomreal Tower, lô đất 66 Tân Thành cũng được Vietcomreal giới thiệu triển khai dự án Ventosa. 

Việc góp vốn của Sabeco vào các liên doanh Sabeco HP hay Thương mại Tân Thành đã bị Kiểm toán Nhà nước 'tuýt còi' trong một báo cáo gần đây. 

... tới Vinachem 

Kịch bản tương tự cũng được Vietcomreal áp dụng với một số thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).

Cách không xa dự án 76 Tôn Thất Thuyết về phía Sông Sài Gòn, 4.785 m2 đất tại địa chỉ 504 Nguyễn Tất Thành, Q.4 trước đây là nhà kho của CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - công ty con của Vinahem) cũng đã nhanh chóng 'về với đội' của Vietcomreal.

Casumina từng có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thương mại, song cuối cùng không triển khai mà nhượng cho Vietcomreal với giá hơn 20 tỷ đồng, bao gồm 15 tỷ đồng chi phí di dời nhà kho và 5,14 tỷ đồng chi phí lợi thế thương mại. 

Vietcomreal sau đó đóng thêm 103 tỷ đồng để chuyển đổi và sở hữu hoàn toàn lô đất trên. Tính ra, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Phước bỏ khoảng 25,7 triệu đồng cho mỗi mét vuông đất nằm ngay kề Kênh Tẻ và nhìn ra sông Sài Gòn. 

Dự án với tên gọi Riva Park vào đầu năm ngoái đã rơi vào danh sách 60 dự án bị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng thanh tra xem có thất thoát tài sản nhà nước hay không. Tới nay vẫn chưa có kết quả về cuộc thanh tra này.

Với cách thức tương tự, Vietcomreal hiện đang hỗ trợ CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco - công ty con khác của Vinachem) di dời xí nghiệp Pin Con Ó khỏi lô đất 752 Hậu Giang rộng 17.000m2 tại Quận 6, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2018. 

Liên quan đến dự án 1472 Võ Văn Kiệt hợp 445-449 Gia Phú cũng tại Quận 6 có quy mô 8.000 m2, Pinaco cuối năm 2010 đã thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh BĐS Việt Gia Phú có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, trong đó Pinaco nắm cổ phần chi phối 60%, Công ty TNHH MTV Lương thực TPHCM góp 15% và Vietcomreal góp 25%. 

Tuy nhiên đến năm 2016, Pinaco cùng Lương thực TPHCM liên tiếp thoái hết vốn. Dự án 1472 Võ Văn Kiệt chính thức thuộc sở hữu 100% của nhóm nhà đầu tư bà Nguyễn Thị Phước. Chủ đầu tư dự án - Công ty Việt Gia Phú cũng tăng mạnh vốn lên 271 tỷ đồng.

Dự án hiện nay được quảng bá với tên gọi Viva Riverside, quy mô 2 toà tháp 25 tầng cùng 567 căn hộ có mức giá trên dưới 2 tỷ đồng/ căn.

Với việc nhượng lại quyền chi phối trong dự án, Pinaco đã được Vietcomreal hỗ trợ di dời và đền bù tài sản trên đất khoảng 25 tỷ đồng. 

Theo Nhà Đầu tư

Từ khóa: