Trong buổi hội thảo “Nuôi con không dùng thuốc kháng sinh” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/11 vừa qua , bác sĩ Phillippe Collin đã giải đáp những thắc mắc thường gặp của bố mẹ trong việc chăm sóc con.
Trước thực trạng nhiều gia đình vẫn đang sử dụng kháng sinh không đúng cách cho các em bé, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ mà sức khỏe của trẻ vẫn không cải thiện, Baby Hub và Vietcare đã tổ chức buổi hội thảo “Nuôi con không dùng thuốc kháng sinh” vào ngày 19/11 vừa qua tại Hà Nội. Buổi hội thảo có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa nhi Phillippe Collin đến từ Family Medical Practice Hà Nội và Ths, Bác sĩ Ngô Dũng Tuấn - Giảng viên bộ môn Lý sinh y học Đại học Y Hà Nội, đã có nhiều năm nghiên cứu, thực hành và tư vấn về dinh dưỡng và lối sống.
Trong buổi hội thảo, bác sĩ Phillippe Collin đã giải đáp những thắc mắc thường gặp của bố mẹ trong việc chăm sóc con. Theo dõi chứ chưa dùng kháng sinh ngay khi con bị viêm tai giữa, không điều trị viêm mũi bằng cách nhỏ sữa mẹ vào mũi của bé, không cần thiết bổ sung vitamin tổng hợp, DHA cho trẻ, không bổ sung canxi cho trẻ dưới 1 tuổi có biểu hiện vặn mình, rụng tóc vành khăn là những lời khuyên đáng chú ý từ vị bác sĩ đáng kính này.
Bác sĩ chuyên khoa nhi Phillippe Collin chụp ảnh kỷ niệm trong buổi hội thảo "Nuôi con không dùng thuốc kháng sinh" diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/11 vừa qua. (Ảnh: Mai Ngân)
Điều trị viêm tai giữa: Nên sử dụng “nút chờ” (theo dõi chứ không dùng ngay kháng sinh)
Bệnh viêm tai giữa thường gặp nhất ở lứa tuổi nhỏ, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Triệu chứng điển hình nhất là triệu chứng đau tai. Nếu trẻ nhỏ chưa nói được khi bị đau tai sẽ khóc vô cớ, càng nằm càng đau khiến bé khóc nhiều hơn, ngủ không yên. Với trẻ lớn đã biết nói thì trẻ có thể cho ngón tay vào ngoáy tai và khóc. Ngoài triệu chứng này, còn một số triệu chứng khác như sốt, nôn mửa, ù tai.
Theo bác sĩ Colin, các bệnh lý viêm mũi họng có triệu chứng sốt đi kèm thông thường sẽ làm cho màng nhĩ của các bé bị sưng phồng kèm theo sốt cao và các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa. Khi đó bố mẹ nên cho uống thuốc hạ sốt và theo dõi tại nhà. Nếu trẻ vẫn sinh hoạt bình thường (ăn, chơi, ngủ không quá khó khăn) tức là tình trạng của con không có gì quá nghiêm trọng. Khi đó bố mẹ có thể sử dụng “nút chờ” đó là theo dõi con trong một vài ngày mà chưa cần phải sử dụng kháng sinh.
Không nên điều trị viêm mũi cho con bằng cách nhỏ sữa mẹ vào mũi của bé
Sữa mẹ giống như một loại thức ăn, khi nhỏ sữa mẹ vào mũi thì việc viêm mũi có thể xảy ra nghiêm trọng hơn. Bác sĩ Collin hoàn toàn không khuyến khích các bậc cha mẹ làm điều này. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thường không tự xì mũi được nên việc vệ sinh mũi họng thường xuyên sẽ giúp đường thở của các bé được thông thoáng, giảm tình trạng viêm nhiễm. Hiện nay không hề có một nghiên cứu nào của Châu Âu chứng tỏ việc rửa mũi và hút mũi có hại cho niêm mạc mũi của các bé nên cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng để vệ sinh mũi cho con tại nhà.
Trẻ bị tiêu chảy có cần dùng kháng sinh?
Các bệnh lý tiêu chảy có nguyên nhân chủ yếu là do virut, chỉ một vài trường hợp là do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên không phải khi nào trẻ bị tiêu chảy cũng cần dùng kháng sinh ngay lập tức. Nếu bố mẹ theo dõi trẻ sau vài ngày thấy hiện tượng trẻ sốt cao liên tục, trong phân có máu và chất nhầy thì cần làm xét nghiệm cụ thể trước khi đưa ra phác đồ điều trị. Cần lưu ý là ngay cả trong trường hợp kết quả xét nghiệm chứng tỏ trẻ bị nhiễm khuẩn nhưng qua theo dõi thấy trẻ vẫn vui chơi, ăn ngủ bình thường thì cũng chưa cần phải sử dụng kháng sinh.
Hội thảo “Nuôi con không dùng thuốc kháng sinh” mở cửa miễn phí nhằm mục đích phổ biến với cộng đồng về việc hạn chế thuốc kháng sinh và tăng cường sức khoẻ cho trẻ. (Ảnh: Mai Ngân)
Không cần thiết sử dụng các loại thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp, DHA cho trẻ
Hiện nay phần lớn các trẻ ở thành phố lớn được xác định không bị suy dinh dưỡng, vậy thì không cần thiết phải bổ sung các loại thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp hay DHA cho trẻ. Tất cả những vi chất này đều có trong thành phần của các loại thực phẩm tự nhiên. Chỉ có 1 loại vitamin cần bổ sung là vitamin D, giúp trẻ tăng khả năng hấp thụ canxi tự nhiên và tránh bị còi xương. Trong giai đoạn 6 – 9 tháng, bố mẹ nên đưa trẻ kiểm tra sức khoẻ toàn diện và thử công thức máu để tránh nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt. Cách tốt nhất để tang cường hệ miễn dịch cho trẻ là đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt và tiêm vacxin đầy đủ.
Trẻ dưới 1 tuổi có biểu hiện vặn mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn: Không cần thiết phải bổ sung canxi
Đây là câu hỏi khá thường gặp. Hầu như trong quá trình thăm khám của bác sĩ Collin tại Việt Nam không hề gặp trường hợp nào thiếu canxi mà trái lại, bác sĩ gặp khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ tuổi bị thừa canxi do bố mẹ tự mua thuốc bổ sung cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp quá lo lắng về hiện tượng này, bố mẹ có thể cho trẻ tiến hành thử công thức máu. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng canxi tự nhiên co thể hoàn toàn được bổ sung qua thực phẩm.
Hiện tượng rụng tóc “vành khăn” là rất phổ biến, xảy ra ở hầu hết các bé và đây là tiến trình thay tóc máu tự nhiên của trẻ, nhất là ở vùng đầu tiếp xúc với gối.
Trường hợp trẻ vặn vẹo, quấy khóc, chảy mồ hôi nhiều ban đêm do các bé thường hoạt động rất nhiều trong ngày, hầu như không ngơi nghỉ. Bên cạnh đó, quá trình trao đổi chất và phát triển của trẻ còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với người lớn. Biểu hiện là cân nặng của bé thường tăng gấp đôi vào 5 tháng và gấp 3 vào 1 tuổi, nên thường diễn ra các hiện tượng như vậy khi trẻ ngủ và đây đều là những hiện tượng rất bình thương, không cần phải can thiệp y khoa.
Cách hạ sốt tự nhiên và an toàn cho trẻ
Ban đầu khi trẻ bị sốt thì bố mẹ nên áp dụng các biện pháp hạ sốt tự nhiên chứ chưa cần dùng đến thuốc: Da tiếp da, cho trẻ mặc thoáng, có thể tắm cho con và sau đó có thể mặc áo hơi ẩm để giảm nhiệt cho cơ thể của bé. Nếu trẻ sốt cao liên tục mà không có dấu hiệu giảm thì cho trẻ dùng thuốc hạ sốt với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Trịnh Mai Ngân (ghi)
Theo ĐSPL, Vietnammoi