Sự kiện hot
12 năm trước

Ồ ạt phát hành, cổ phiếu ngân hàng có nguy cơ ế

Nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn, nhưng trước diễn biến TTCK còn khó khăn, thì nguy cơ “ế” đối với lượng phát hành mới của nhà băng là khó tránh.

Nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn, nhưng trước diễn biến TTCK còn khó khăn, thì nguy cơ “ế” đối với lượng phát hành mới của nhà băng là khó tránh.

Hàng loạt kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn năm 2012 được các ngân hàng đưa ra trình cổ đông trong mùa đại hội năm nay. Tuy nhiên, trước diễn biến TTCK còn khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng chưa thể phục hồi thì nguy cơ “ế” đối với số lượng phát hành mới của nhà băng là khó tránh.    

Không chỉ dừng lại ở mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng được quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, hiện hầu hết nhà băng đều đưa ra kế hoạch phát hành tăng vốn, nhất là khi câu chuyện hợp nhất, sáp nhập ngân hàng đang khá nóng.

Vietinbank đưa ra kế hoạch tăng vốn lên trên 30.000 tỷ đồng trong năm 2012 và vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn lên hơn 26.200 tỷ đồng.

ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Maritime Bank cũng cho biết, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng thêm vốn trong năm nay, dù vốn của các nhà băng này đã đạt trên chục ngàn tỷ đồng.

Thị trường ngân hàng đang có sự cạnh tranh gay gắt

Làn sóng tăng vốn còn nóng hơn ở khối NHTM cổ phần vừa và nhỏ, đang từng bước cơ cấu lại nên rất cần nguồn lực tài chính để nâng cao sức cạnh tranh, chống sáp nhập, hợp nhất và thâu tóm. Trong kế hoạch được xây dựng cho năm nay, rất ít ngân hàng bỏ sót việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn tăng thêm chủ yếu được nhà băng dành cho cổ đông hiện hữu, giá bán bằng mệnh giá hoặc thưởng cho các cổ đông…

Nhưng trước bối cảnh TTCK còn khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng khó có thể được cải thiện sớm thì giá phát hành bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP) cũng khó làm hài lòng các cổ đông hiện hữu. Trong khi đó, việc tìm kiếm đối tác chiến lược (trong và ngoài nước) để phát hành riêng lẻ lúc này cũng không còn dễ như trước đây.

Vì vậy, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn của các ngân hàng năm nay được dự báo sẽ khó tránh khỏi tình trạng lặp lại năm trước là hủy, hoãn.

Năm qua, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.500 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của DongA Bank đã phải hoãn sang năm nay. Hiện DongA Bank đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ từ 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất việc tăng vốn trong tháng 4/2012 và theo kế hoạch sẽ tiếp tục phát hành 1.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 để nâng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

Theo lý giải của ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, sở dĩ Ngân hàng phải dời kế hoạch tăng vốn sang năm nay là do TTCK năm 2011 giảm sút, ảnh hưởng đến tiến trình tăng vốn điều lệ của các ngân hàng nói chung và DongABank nói riêng.  Mặt khác, thủ tục xin phép các cơ quan chức năng cũng tốn nhiều thời gian và do giá cổ phiếu DongA Bank trong năm qua xuống thấp nên HĐQT DongA Bank chỉ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, với giá bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vì thế, DongA Bank xác định, mức giá phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm nay cũng bằng mệnh giá.

Cũng trong kế hoạch đã thông qua ĐHCĐ năm 2011, DongA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ bán một phần vốn (khoảng 900 tỷ đồng) cho cổ đông chiến lược trong - ngoài nước.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng của TrustBank đã được NHNN chấp thuận và UBCK thông qua trong năm 2011. Thế nhưng, đến nay, TrustBank vẫn chưa thực hiện được kế hoạch này. Chủ tịch HĐQT TrustBank, ông Hoàng Văn Toàn cho rằng, sự cần thiết của việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh của Ngân hàng trên thị trường trước bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Vì ngoài cạnh tranh về lãi suất, thực hiện chính sách ưu đãi, các nhà băng đã không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường quy mô và sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của TrustBank vẫn chưa thể triển khai.

Thực tế, ngoài ảnh hưởng từ việc TTCK khó khăn, hoạt động ngân hàng đang khá nhạy cảm cũng là rào cản các nhà đầu tư đến với ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý cũng phần nào cản trở hoạt động tăng vốn của ngân hàng, như quy định về giới hạn tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, quy định hạn chế đầu tư ngoài ngành đối với các doanh nghiệp nhà nước…

Thùy Vinh
Theo DTCK


Từ khóa: