Nhờn thuốc!
Qua tìm hiểu của PV Báo Lao Động, ấn phẩm mang tên Phương Đông của phòng khám đa khoa Quốc tế Trung Nam có trụ sở tại đường 3 tháng 2, quận 11 theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Trong ấn phẩm quảng cáo số trước đây mang tên Hữu Nghị Trung Nam, phòng khám này đã tự ý “nổ” thành bệnh viện và quảng cáo chữa những bệnh nhạy cảm thời thượng kèm theo giá cả. Chẳng hạn: Phá thai bằng phương pháp siêu dẫn, vá màng trinh bị rách, thắt âm đạo... với các “giáo sư, tiến sĩ” đầu ngành đến từ Trung Quốc.
Sau khi phát hành ấn phẩm trên, Sở Thông tin Truyền thông và Sở Y tế TPHCM đã “tuýt còi”, thế nhưng có vẻ “nhờn thuốc” phòng khám này đã nhanh chóng “lách” cho xuất bản ấn phẩm mới mang tên Phương Đông có giấy phép của Nhà xuất bản Phương Đông cấp (số ĐKKHXB: 27-2012/CXB/114-212/PĐ).
Ấn phẩm Phương Đông phát không tại các ngã tư nhiều quận trên địa bàn TP. Ảnh: V.T
Tuy nhiên, theo BS Phạm Hữu Quốc - Thanh tra Sở Y tế TPHCM, theo quy định của pháp luật, việc thực hiện quảng cáo liên quan đến khám - chữa bệnh của các cơ sở cần phải có văn bản đồng ý của ngành y tế. Thế nhưng, khi thanh tra yêu cầu phòng khám Trung Nam đưa ra các giấy phép kèm theo thì đại diện phòng khám này chỉ đưa ra hợp đồng của Nhà xuất bản Phương Đông ký với cơ sở chứ chưa xuất trình được các giấy tờ khác.
Trong nội dung ấn phẩm quảng cáo mới này phòng khám lại tiếp tục “nổ” là thực hiện các chức năng mà theo quy định của ngành y tế là chỉ có các BV mới thực hiện được. Điều đáng nói, Sở Y tế TPHCM chỉ cấp phép cho phòng khám này thực hiện chức năng của một phòng khám chuyên khoa gồm: Ngoại, nội tổng hợp, tai mũi họng, sản phụ khoa - kế hoạch hóa gia đình, siêu âm tổng quát..., chứ không cấp phép thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật...
100% các cơ sở được kiểm tra có sai phạm
Theo Sở Y tế, tại TPHCM hiện có 7 phòng chẩn trị do các nhà đầu tư, y, bác sĩ Trung Quốc đã đăng ký hành nghề khám - chữa bệnh.
Nhưng mức độ tung hoành và vi phạm quảng cáo quá sự thật đã lên đến con số 100%. Trong năm 2011, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra và phát hiện toàn bộ các cơ sở trên đều vi phạm về các vấn đề: Quảng cáo sai sự thật, không kê đơn bằng ngôn ngữ tiếng Việt, không có sổ theo dõi bệnh, dùng thuốc không nhãn mác, thậm chí có cả “chặt chém” vô tội vạ...
Điển hình là phòng khám Trung Nam hoạt động chính thức khoảng một năm nhưng phòng này đã ba lần bị thanh tra Sở Y tế thanh - kiểm tra và xử phạt vì nhiều lỗi vi phạm khác nhau... BS Phạm Kim Bình - Phó chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho rằng: “Thanh tra sở đã kiểm tra phòng khám này ba lần và lần kiểm tra nào cũng có sai phạm, bị xử phạt. Nếu phòng khám vẫn tiếp tục sai phạm, thanh tra sở sẽ kiên quyết đề xuất rút giấy phép...”.
Với mức phạt 72.400.000 đồng đối với bảy cơ sở vi phạm được thanh tra phát hiện (bình quân khoảng 10 triệu đồng/phòng khám) thì nhiều ý kiến cho rằng chế tài trên là quá nhẹ nên việc vi phạm cứ tái diễn và hậu quả chính người bệnh là nạn nhân của những quảng cáo “quăng bom” tại các phòng khám trên.
BS Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM kiến nghị: “Cần có quy định rõ ràng với mức xử lý đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về quy chế chuyên môn, quảng cáo sai sự thật... Ngoài ra, cơ quan truyền thông không thực hiện quảng cáo liên quan đến khám - chữa bệnh của các cơ sở khi chưa có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung quảng cáo”.
Câu hỏi đặt ra, tại sao vi phạm rành rành nhưng các phòng khám này vẫn nhởn nhơ tồn tại. Liệu các quy định, chế tài quản lý về y học cổ truyền đã đủ chặt chẽ? Chính vì xử phạt quá nhẹ khiến các phòng khám đang nhờn thuốc và vi phạm vẫn cứ tiếp diễn...
Võ Tuấn
Theo Lao dong