Sự kiện hot
10 năm trước

Quảng Ninh xuất hiện lũ quét ở các huyện miền núi sau bão

Đến 12 giờ ngày 19/7, bão số 2 đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của người dân Quảng Ninh.


Khu vực bị sạt lở tại phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tuy không có thiệt hại về người, nhưng bão đã làm sập đổ bốn ngôi nhà tạm gồm hai ngôi nhà ở các xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái), một ngôi nhà ở xã Tiên Lãng và một ngôi nhà ở xã Hải Lạng (Tiên Yên); 50 căn nhà bị tốc mái; một cột ăngten của Vinaphone bị đổ ở xã Quảng Đức (Hải Hà) và hàng trăm cây xãnh bị đổ, gẫy... ước thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.

Sau khi bão đi qua, hiện nay huyện Bình Liêu bắt đầu xuất hiện mưa lũ. Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã cảnh báo và yêu cầu các địa phương trong tỉnh cử người canh gác tại các đường ngầm, ven suối.

Ông Cao Tường Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, cho biết đến 14 giờ 30 phút ngày 19/7, mực nước ở các sông, suối trên địa bàn huyện đã dâng cao. Một số thôn, bản ở các xã Húc Động, Đồng Văn, Hoành Mô và Đồng Tâm bị nước chia cắt.

Ông Huy cho biết, huyện đã cử cán bộ túc trực ở hai đầu các đường ngầm, đập tràn không cho dân qua lại để phòng chống lũ cuốn. Ông Huy cũng yêu cầu các cán bộ nằm tại các thôn, bản bị nước chia cắt phải thường xuyên liên lạc, thông tin tình hình về mưa lũ.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu cho hay nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đã được huyện lường trước nên chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời sáu hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở đất và 200 hộ dân ở các vùng trũng. Bình Liêu đã chuẩn bị đủ cơ số thực phẩm, thuốc hỗ trợ người dân trong dài ngày, nếu tình trạng bị chia cắt kéo dài.

Trưa 19/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu các địa phương, nhất là các huyện miền Đông của tỉnh triển khai các biện pháp đối phó với hoàn lưu sau cơn bão số 2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo các khu vực xung yếu trên địa bàn, kiên quyết di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ lưu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng nhấn mạnh các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có nhà bị tốc mái để khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Được dự báo là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc sẽ bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 2 có thể mưa to đến rất to gây ra lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang đang khẩn trương chỉ đạo các huyện Bắc Mê, Xín Mần, Yên Minh và Mèo Vạc rà soát lập danh sách các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, lập các phương án di dời cần thiết.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, cho biết để ứng phó với hoàn lưu bão số 2, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng, và các địa phương trong tỉnh triển khai các phương án ứng phó, phòng chống sạt lở đất, lũ quét do mưa lớn kéo dài... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Hiện tỉnh Hà Giang đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương kiểm tra công tác ứng phó với hoàn lưu của bão số 2. Đồng thời tỉnh cũng xác định những nơi, những điểm có nguy cơ sạt lở cao, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện phân công cán bộ xuống tận nơi phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đề phòng lũ quét, sạt lở đất; gia cố lại nhà cửa, chuồng trại gia súc cho chắc chắn; nếu không đảm bảo an toàn cần phải di dời các hộ dân đến những nơi ở an toàn để đảm bảo tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.

Văn Đức - Minh Tâm
theo Vietnam+

Từ khóa: