Sự kiện hot
11 năm trước

Quyền lợi bị xâm hại, người tiêu dùng vẫn “ngại” tố cáo

Dantin - Vấn nạn nhà sản xuất, nhà kinh doanh buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng gây không ít thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng thời gian gần đây gây không ít bức xúc cho người tiêu dùng.

Dantin - Vấn nạn nhà sản xuất, nhà kinh doanh buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng gây không ít thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng thời gian gần đây gây không ít bức xúc cho người tiêu dùng.

Nhân “Tháng hành động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (tháng 3/2013), phóng viên Đời sống & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, như vậy là đã gần 2 năm Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (BVQLNTD) chính thức có hiệu lực (1/7/2011),Luật đã tác động như thế nào đến nhận thức của người dân?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Qua những lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; qua những vụ tư vấn giải quyết khiếu nại và những phản ảnh, lên tiếng của người tiêu dùng (NTD), có thể thấy nhận thức của nhiều NTD đã thay đổi. Họ hiểu rằng, quyền lợi chính đáng của NTD trong mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ đã được pháp luật bảo hộ. Đồng thời họ cũng nhận thức được nghĩa vụ của NTD mà pháp luật đã quy định và nắm được phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa và dịch vụ.

Dù trong Luật BVQLNTD có ghi rõ: Một trong tám quyền của người tiêu dùng là quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại, được khiếu nại - tố cáo - khởi kiện nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn có tâm lý e ngại không dám khiếu nại, tố cáo khi quyền lợi của mình bị xâm hại. Đánh giá của ông về việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thực ra đây là hai trong tám quyền của người tiêu dùng. Qua con số thống kê các vụ khiếu nại hàng năm đến các cơ quan Nhà nước và Vinastas cho thấy chưa phản ánh đúng thực tế những thiệt hại của NTD. Điều đó cho thấy NTD có tâm lý e ngại khiếu nại, tố cáo. Nhưng theo tôi không phải do không dám mà do họ ngại va chạm, ngại “gõ cửa” nhờ sự can thiệp, nhất là trong những trường hợp thiệt hại không lớn, chưa kể thiệt hại mà họ không biết.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng -Tổng Thư ký(Vinastas) .

Vậy khi quyền lợi của mình bị xâm hại, người tiêu dùng cần làm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng đã quy định: Tranh chấp phát sinh giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (KDHHDV) được giải quyết thông qua bốn phương thức: thương lượng; hòa giải; trọng tài; tòa án. Căn cứ vào quy định này, NTD hoàn toàn có quyền sử dụng những phương thức thích hợp với trường hợp cụ thể để đạt hiệu quả nhất. Vụ việc đơn giản, chỉ cần thương lượng với tổ chức, cá nhân KDHHDV. Trường hợp thương lượng không có kết quả thì giải quyết bằng phương thức hòa giải, tức là thông qua bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức hòa giải. Hoặc thông qua Trọng tài trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ đã ký với tổ chức, cá nhân KDHHDV . Các vụ việc phức tạp thì giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Pháp luật cũng không quy định nhất thiết phải đi tuần tự từng phương thức. Hệ thống cơ quan Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD ở Trung ương là Cục Quản lý cạnh tranh; ở địa phương là các Sở Công Thương; các quận, huyện là những địa chỉ mà NTD được đáp ứng các nhu cầu khiếu nại khi quyền lợi bị xâm hại.

Như vậy, trong thời gian tới chúng ta cần làm những gì để quyền lợi NTD được bảo vệ tốt hơn?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ, vấn đề là ở chỗ tổ chức thực hiện để đưa Luật vào cuộc sống. Chính vì vậy, chủ đề “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới” (ngày15 tháng 3 năm 2013), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra là: “Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Chỉ có như vậy, quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Hải

Từ khóa: