Sự kiện hot
9 tháng trước

Rạn san hô lộ thiên độc đáo tại Nhơn Hải, Quy Nhơn

Không những “đốn tim” du khách bằng đường bờ biển dài tuyệt đẹp mà Việt Nam còn sở hữu nhiều rạn san hô độc lạ và đa dạng về chủng loài. Một trong số đó phải kể đến rạn san hô tại Hòn Khô, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn.

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 16km, với 20 phút di chuyển bằng xe máy, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng rạn san hô độc đáo nhất Việt Nam. Khác với vẻ ngoài xinh đẹp với nét hoang sơ, phóng khoáng, Hòn Khô (Nhơn Hải) như một “viên ngọc quý” nằm giữa mênh mông sóng nước.

Khác với việc lặn ngắm san hô tại Kỳ Co, Cù Lao Xanh,…nét độc đáo của rạn san hô Hòn Khô dần hiện ra mỗi khi thuỷ triều lên xuống. Từng bãi san hô như những cách đồng hoa giữa biển, đủ chủng loại, màu sắc, đủ muôn vàn kiểu dáng đua nhau khoe sắc dưới làn nước trong vắt tạo nên những kiệt tác hội hoạ của thiên nhiên.

Các rạn san hô “vươn mình” khỏi mặt nước khi thuỷ triều rút xuống ( Ảnh: Công Bùi)

Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, vịnh Quy Nhơn có 720 loài thuộc 353 giống và 161 họ của 7 nhóm sinh vật chính, khoảng 152 ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo. Trong đó, tại bãi san hô Tiên Sa tại Hòn Khô chiếm tới 80 loài. Đây cũng là ngôi nhà lý tưởng của nhiều loài sinh vật biển như cá, sao biển, …

Do được hình thành trên trầm tích núi lửa nên chủ yếu san hô tại Hòn Khô là san hô cứng.
Do được hình thành trên trầm tích núi lửa nên chủ yếu san hô tại Hòn Khô là san hô cứng.
Rạn san hô là “ngôi nhà” của nhiều loài cá và sinh vật biển.
Rạn san hô là “ngôi nhà” của nhiều loài cá và sinh vật biển.
Sao biển xanh “mắc kẹt” khi thuỷ triều rút. Loại sao biển này có 5 cánh tay nhỏ và dài hơn cánh tay của các loài sao biển khác. Chúng thường trú ngụ dưới các rạn san hô và các bụi cỏ dưới đáy đại dương. Sao biển xanh di chuyển khá chậm chạp chỉ đi được 8,1cm/ phút. Thức ăn yêu thích của chúng là bọt biển và các loại tảo. (Ảnh: Công Bùi)

Đối diện với hiện trạng nước biển ấm dần lên và hiện tượng axit hoá đại dương, san hô đang phải đứng trước nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, hoạt động du lịch phát triển chóng mặt khiến nhiều bãi san hô đẹp của TP Quy Nhơn nói riêng và Việt Nam nói chung bị ảnh hướng nghiêm trọng. Không những vậy, hoạt động khai thác san hô nhằm phục vụ mục đích trang trí, đánh bắt hải sản quá mức kèm theo nạo vét, san lấp khiến rừng san hô dần “héo mòn” đến đáng thương.

Nhận thức được điều này, UBND tỉnh Bình Định đã tăng cường xây dựng các dự án bảo tồn và phát triển nguồn thuỷ, hải sản kèm theo đó là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn và bảo vệ các rạn san hô như: lắp đặt các pano, biển báo tuyên truyền, tổ chức dọn vệ sinh trên bờ biển và dưới nước tại khu vực rạn san hô, bắt và tiêu diệt sao biển gai- kẻ thù ăn san hô, định kỳ quan trắc đánh giá nguồn lợi thủy sản và san hô tại khu vực khoanh vùng... Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, trong báo cáo quan trắc mới nhất được thực hiện bởi Chi cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng động cho thấy, độ phủ san hô sống tại Hòn Khô nhỏ đạt 44,3%, chủ yếu là san hô cứng. So với đánh giá được thực hiện trước đại dịch Covid-19, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy san hô đang dần hồi sinh nhờ những nỗ lực giữ gìn và bảo vệ biển đảo của ngư dân nơi đây.

Hiện tại, phát triển du lịch bền vững kết hợp với các hành động bảo vệ môi trường từ cả chính quyền lẫn ngư dân địa phương khiến cho Hòn Khô dân trở thành một điểm đến thu hút đông đảo du khách.

Hòn Khô đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch, tạo thu nhập rất tốt cho người dân địa phương.

Văn Minh 
Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: