Sự kiện hot
12 năm trước

Săn hàng rẻ: Chờ tận tối để mua vét đồ tồn

Bên cạnh nhiều người tranh thủ đi chợ đầu mối vào sáng sớm để mua cho được thực phẩm giá rẻ thì cũng không ít người lại chờ... chợ sắp vãn, khi người bán hạ giá dù hàng kém tươi hơn ngon hơn để mua hàng.

Bên cạnh nhiều người tranh thủ đi chợ đầu mối vào sáng sớm để mua cho được thực phẩm giá rẻ thì cũng không ít người lại chờ... chợ sắp vãn, khi người bán hạ giá dù hàng kém tươi hơn ngon hơn để mua hàng.


Hàng hóa ào ào tăng giá trong khi túi tiền có hạn buộc các bà nội trợ phải nghĩ ra đủ cách để có thể "sống chung" với giá cả mới.

Đi chợ lúc 9 giờ đêm

Gần 6 giờ chiều, sau 5 tiết học ở trường, Đỗ Thị Diễm (sinh viên năm 2, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) mới túc tắc đạp xe ra chợ Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) để mua thực phẩm. Khi băn khoăn về giờ đi chợ khác hẳn với kinh nghiệm "đi chợ sớm mua đồ tươi" thì Diễm lại cho biết, không chỉ riêng Diễm mà rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh không mấy dư giả chọn đi chợ buổi chiểu để mua được thực phẩm với giá rẻ. Diễm nói: Em và các bạn cùng xóm trọ thường xuyên đi chợ sau 6h chiều.

Mặc dù đồ có thể không còn tươi ngon nhưng giá có thể giảm 1/3, thậm chí có thể giảm một nửa. So với đi chợ sáng, thì chợ chiều có thể giúp 2 chị em cùng phòng giảm tiền ăn 500.000/tháng. Đặc biệt, đi chợ chiều mới dám mua thịt, mua cá.

Không chỉ ở Đà Nẵng, tại Big C Thăng Long (Hà Nội) vào buổi tối, cũng dễ dành chứng kiến nhiều sinh viên ở Hà Nội đợi mua hàng khuyến mãi cuối ngày của siêu thị này. Một tối đầu tháng 4, tại tầng 2, phía gần gian hàng ẩm thực, chừng gần 10 bạn sinh viên đang chờ đến giờ mua hàng cuối cùng trong ngày.

Hơn 9h tối, sau tiếng loa thông báo của nhân viên siêu thị việc khuyến mãi "mua một chiếc bánh giò tặng thêm 1 chiếc bánh giò" thì cả nhóm sinh viên đổ dồn về gian hàng này. Vũ Văn Quý (sinh viên Đại học công nghệ) cho biết: Nhóm em biết Big C có giảm giá cuối ngày nên sau khi đi chơi thì về đây chờ mua hàng. Mua cuối ngày giá giảm được một nửa mới vừa với túi tiền sinh viên. Cũng có khi không mua đồ ăn nhanh thì đợi mua thịt, cá hoặc thức ăn chế biến sẵn nếu trong ngày có khuyến mãi. Bọn em nắm rất chắc lịch khuyến mãi ở đây mà.

Còn Hoài Thương - Sinh viên sư phạm cho biết: nếu hôm nào gặp khuyến mãi mà còn thực phẩm tươi sống tốt thì có khi chưa đến 100 ngàn bon em đã đủ ăn gần cả tuần đấ. Hôm trước em mua được 3 cái đùi gà mà có 70 - 80 ngàn. Về rang hai chị em đủ ăn mấy ngày. Coi như được cải thiện bữa ăn mà giá lại rất rẻ. Nhiều khi bọn em còn mua được rất nhiều hoa quả về cả khu liên hoan. Chịu khó cắt gọt, sắp đặt, chế biến cũng ngon là lại rẻ.

Theo một nhân viên làm tại Big C, khi Big C có chương trình khuyến mãi cuối ngày đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng giá rẻ. Thông thường, các sản phẩm này giảm giá tới 50%, thậm chí có những sản phẩm giá bán cuối ngày chỉ bằng 1/3 so với trước đó như hoa quả, Đặc biệt, không chỉ có khách hàng là người Việt, có rất nhiều lần, nhân viên này thấy cả người nước ngoài đợi mua các sản phẩm giảm giá như món susi ở Big C The Gaden...

Mua dọn chợ cuối buổi

"Đi chợ đầu mối sáng thì chỉ có thể mua được rau , củ quả giá rẻ, nhưng thịt cá thì lại không được giảm, thậm chí đắt hơn. Chính vì vậy mà phải mua thịt buổi chiều". Bà Định, bán rau củ quả chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết thêm: "Thông thường, ngoài khách mua buôn quen thuộc thì ngày càng có nhiều người đi chợ đầu mối để mua hàng giá gốc. Một là họ đi sáng sớm tinh mơ để mua cho tươi. Hàng bán chợ trưa (cuối buổi) thì cứ cột dây bó sẵn theo từng món.

Người mua cũng chấp nhận hàng không tươi tốt". Nhưng so về giá cả, theo bà Định: nếu buổi sáng, rau muống khoảng 7.000 - 8.000 đồng/mớ , thì buổi chiều chịu khó lặt sơ lá úa, cắt bỏ rễ, người mua có thể mua với giá chỉ từ 4.000 đồng/mớ.

Vừa đưa tay nhặt miếng thịt nhiều mỡ trên bàn, cô bán hàng đã nhanh nhảu: "Mua thịt ba chỉ loại 2 đi em. Loại này sáng chị bán 8 (80.000 đồng/kg) giờ chị bán 6 thôi (60.000 đồng/kg). Là một nhân viên giao dịch tại một ngân hàng, nhưng Trương Thị Hằng (quê Đại Từ, Thái Nguyên) cũng chỉ có mức lương 5 triệu đồng/tháng mà còn phải nuôi em gái ăn học đại học. 5h chiều, hết giờ làm, Hằng mới từ cơ quan từ Trần Hưng Đạo về khu trọ ở Phùng Khoang và đi chợ vét cuối ngày.

Hằng chia sẻ: Để tiết kiệm, em không dám ở phố lớn mà tìm về tận khu dưới này để tiền nhà xuống mức tối đa. Thường ngày, em rất ít mua đồ tươi sống mà trong nhà thường dự trữ thực phẩm khô như cá, tép... chuyển xuống từ quê. Muốn ăn thịt thì chọn thực phẩm loại 2, loại 3 để tiết kiệm. Giữa loại 1, 2 và 3, giá cả chênh nhau đáng kể. "Mọi thứ đắt đỏ, đành phải chấp nhận vậy", Hằng bày tỏ.

Chọn 4 con cá rô đã cứng đuôi với giá 35.000 đồng/kg, rẻ hơn loại cá tươi 15.000 đồng/kg, chị Hoan, công nhân vệ sinh môi trường cho biết từ hôm ra Tết, chị đã phải chọn những loại thực phẩm "kém tươi, kém ngon" mới lo nổi bữa ăn cho gia đình. "Về nhà tôi chịu khó ướp nhiều gia vị hơn để khử mùi. Trước đây, cả nhà phải ăn 5 con mới đủ bữa giờ phải giảm xuống bởi các chi phí như điện, ga, rau củ... đều tăng lên".

Theo chị Cấn Kim Chi, tiểu thương chợ Mơ, thời gian gần đây, càng cuối ngày, nhất là giờ "sắp nghỉ" lại càng đông người đến mua các loại thực phẩm. Mọi người hy vọng là giá sẽ rẻ hơn. Đa số người mua hàng chợ chiều là sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp. Hầu hết, họ đều muốn tiết kiệm tối đa và chấp nhận mua hàng chất lượng thấp.

Công nhận là một cách thay đổi mới để tiết kiệm, tuy nhiên điều này cũng có mặt trái của nó. Hầu hết các mặt hàng "thực phẩm cuối ngày" nếu không được bảo quản tốt ngay từ đầu thì chất lượng đều giảm sút. Thậm chí có thể đã bị hư hỏng, người mua rất có thể mắc bệnh từ chính những thực phẩm giá rẻ này.


  Hải Dương 
Theo VEF


Từ khóa: