Sự kiện hot
12 năm trước

Sau trần tình của NHNN: Bớt lo với nợ xấu?

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xuất hiện một cách chính thức để trần tình về những vấn đề của nợ xấu. Những thông tin cung cấp từ người địa diện của Ngân hàng Nhà nước không chỉ lý giải về sự sai lệch của các con số công bố mà còn thể hiện những thông tín không quá bi quan về nợ xấu. Tuy nhiên, thực chất, nỗi lo nợ xấu có thể giảm đi sau một buổi trần tình ngắn gọn của quan chức cơ quan quản lý.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xuất hiện một cách chính thức để trần tình về những vấn đề của nợ xấu. Những thông tin cung cấp từ người địa diện của Ngân hàng Nhà nước không chỉ lý giải về sự sai lệch của các con số công bố mà còn thể hiện những thông tín không quá bi quan về nợ xấu. Tuy nhiên, thực chất, nỗi lo nợ xấu có thể giảm đi sau một buổi trần tình ngắn gọn của quan chức cơ quan quản lý.

Nợ xấu, BĐS không phải là số 1?

Con số từ NHNN chỉ rõ, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu theo các TCTD báo cáo là hơn 117 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng.

Trong khi đó, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 TCTD của Việt Nam chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD này, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các TCTD là hơn 202 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng .

Nguyên nhân được cho là do, các tiêu chí xác định nợ xấu theo quy định hiện hành có bao gồm tiêu chí định lượng và cả định tính. Trong khi, do khoản nợ rủi ro và năng lực quản trị rủi ro của các TCTD là khác nhau, nên việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu của TCTD.
Trong khi đó, một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro (DPRR).

Bên cạnh đó, do thiếu thông tin về phân loại nợ của khách hàng tại các TCTD, nên dẫn đến có sự khác nhau về nhóm nợ của 1 khách hàng quan hệ tại nhiều TCTD. Thậm chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số NHTMCP yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế của các TCTD cao hơn nhiều số hiện báo cáo của TCTD.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra – Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biêt, nợ xấu hiện chủ yếu rơi vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, là những lĩnh vực thời gian qua chịu sự tác động từ sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản.

Cụ thể, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản cho đến cuối tháng 5/2012 ở khoảng 197.000 tỷ đồng. Nó chỉ chiếm một tỷ lệ không phải là lớn trong tổng dư nợ 2,6 triệu tỷ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% dư nợ, chiếm khoảng 10,3% trong tổng nợ xấu ngân hàng theo báo cáo của các tổ chức tín dụng.

Cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, do thị trường sụt giảm và khó khăn kéo dài nên xu hướng cho vay có chiều hướng giảm. Đến cuối tháng 5/2012 chỉ còn khoảng gần 12.000 tỷ đồng, nợ xấu của nó cũng ở mức tương đối thấp với khoảng 485 tỷ đồng.

Số nợ mất vốn không nhiều?

Trong công bố của mình, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, đến cuối tháng 5/2012 các TCTD đã trích lập DPRR được 67,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 57,18% nợ xấu.

Bên cạnh đó, phần lớn nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, nhờ đó TCTD có thể thu hồi được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ xấu từ việc bán/ xử lý tài sản bảo đảm. Tính đến cuối tháng 3/2012, trong tổng nợ xấu của các TCTD có 84,16% được bảo đảm bằng tài sản và 15,84% không được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 134,8% tổng nợ xấu. Thậm chí, nợ xấu trong BĐS cũng có tài sảm đảm bảo bằng 180% tín dụng.

Theo ông Nghĩa, điều quan trọng nhất là nợ xấu phải được phân loại, ghi nhận và trích lập DPRR đầy đủ theo mức độ rủi ro, đồng thời có biện pháp bảo đảm tiền. Không nên tuyệt đối hoá tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp hoặc chỉ dựa vào mức DPRR đã trích lập trong quá trình đánh giá chất lượng tín dụng và xác định khả năng tổn thất tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng không được trích lập DPRR đầy đủ và thiếu tài sản bảo đảm thì có thể nguy hiểm hơn là tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhưng được trích lập DPRR và có tài sản bảo đảm đầy đủ.

Vì thế, ông Nghĩa cũng lưu ý, trong số nợ xấu đó, nợ được phân vào nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn nhưng không phải là chắc chắn mất vốn. Ở nhóm này chiếm khoảng 40%, nhưng cũng xin lưu ý là nợ nhóm 5 cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cũng có tài sản bảo đảm tương đối cao.
Tuy nhiên, chính vị địa diện này cũng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng nợ xấu là do hầu hết các TCTD theo đuổi chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro của TCTD còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, đặc biệt là các NHTMCP chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị. Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng và nhiều TCTD tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn bất động sản. Khi các lĩnh vực này, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng và giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu cho vay lĩnh vực này tăng nhanh.

Trong khi đó, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong một thời gian dài chưa phát huy hiệu quả cao trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, nhất là các vi phạm quy định hạn chế cấp tín dụng và đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

NHNN đề ra các giải pháp để xử lý nợ xấu đề ra như: cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ.

Tăng cường trích lập, sử dụng DPRR để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn. Hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng DPRR… Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để bảo đảm các TCTD tuân thủ đúng các quy định về an toàn hoạt động tín dụng…

Tuy nhiên, đây là những giải pháp không có gì đột phá, thậm chí đúng ra là nhưng việc phải làm thường xuyên trong hoạt động của các TCTD và cơ quan quản lý…Vì thế, với thực tế ngân hàng hiện nay thì chỉ với những giải pháp này liệu có tạo ra sự đột phá về xử lý và yên tâm hơn về nợ xấu.

Phước Hà
Theo Vietnamnet

Từ khóa: